Trung tuần tháng 2, chúng tôi có dịp trở lại Đắk Nông. Trong đoàn có người đã từng đến hoặc lần đầu tiên đến song cảm nhận chung là đều bất ngờ về sức sống mới của cao nguyên đất đỏ rất đặc trưng vùng Tây Nguyên giáp biên giới Việt Nam – Camphuchia. Con đường Hồ Chí Minh từ Đắk Lắk xuyên qua tỉnh về phía Nam đã được trải nhựa atphan phẳng lỳ uốn lượn lên xuống, lọt thỏm giữa núi đồi cao nguyên xen lẫn những cánh rừng và vườn hoa cà phê đang mùa đơm hoa trắng muốt. ------ |
Tiềm năng ẩn dấu |
Đắk Nông có diện tích tự nhiên nhiên hơn 650.000ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp trên 366.000ha rất thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn với các loại cây công nghiệp như cà phê, tiêu, sầu riêng và rau quả. |
Không chỉ thế, Đắk Nông còn được đánh giá có tiềm năng, lợi thế lớn để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Thống kê cho thấy, tổng số giờ nắng cao, đạt từ 2.000-2.600 giờ/năm. Bức xạ mặt trời trung bình 150 kcal/m2, chiếm khoảng 2.000-5.000 giờ/năm; hướng gió thịnh hành mùa mưa là Tây Nam, hướng gió thịnh hành mùa khô là Đông Bắc, tốc độ gió bình quân 2,4 - 5,4m/s. Nắng và gió là vậy, nhưng khí hậu ở Đắk Nông lại rất cân bằng và ôn hoà. Có lẽ do nằm ở giao điểm giữa vùng lạnh “Đà Lạt” và vùng nắng “Buôn Ma Thuột” nên Đắk Nông không có cái nóng rát mặt buổi trưa, đêm và sáng có cái “se se lành lạnh” phù hợp cho du lịch, nghỉ dưỡng. Hiện Đắk Nông đang sở hữu nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của hơn 40 cộng đồng dân tộc cùng chung sống. Đặc biệt thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều thắng cảnh hùng vĩ, hữu tình như các hồ nước tự nhiên, núi lửa, công viên địa chất toàn cầu… |
Về tài nguyên khoáng sản, quặng bauxite được coi là “vàng đỏ” của địa phương này với trữ lượng dự báo khoảng 1,436 tỷ tấn tinh quặng, tương đương 3,425 tỷ tấn quặng nguyên khai, hàm lượng nhôm đạt trên 40. Hiện tỉnh đã có Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ do Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam đầu tư đang hoạt động hiệu quả với đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách. Trong thời gian tới, dự kiến có một số dự án điện phân nhôm cũng được triển khai. Khi đi vào hoạt động, các dự án sẽ tạo quy trình khép kín chuỗi công nghiệp khai thác bôxít - chế biến alumin - sản xuất nhôm thỏi, kéo theo phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như dịch vụ phát triển theo. Về kinh tế - thương mại, dù quy mô còn nhỏ, hạ tầng đang được đầu tư song Đắk Nông có tiềm năng giao thương rất lớn khi sở hữu 130 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, có 02 cửa khẩu Bu Prăng và Đắk Per nối thông với nhiều tỉnh của nước bạn Campuchia. Khi tuyến đường Hồ Chí Minh được nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 đi vào hoạt động, một số công trình hạ tầng liên vùng của Tây Nguyên được xây dựng sẽ giúp Đắk Nông kết nối, mở rộng giao lưu hợp tác kinh tế với các tỉnh Tây Nguyên, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, duyên hải miền Trung và nước bạn Campuchia. |
Hiệu quả bước đầu từchủ trương đúng đắn |
Có thể nói, sau 20 năm thành lập tỉnh, từ một địa phương nghèo khó nhất vùng Tây Nguyên, đến nay Đắk Nông đã đạt được những thành quả nhất định. Năm 2022, cả 11/11 nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội được hoàn thành vượt kế hoạch; tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,59%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 60 triệu đồng… Môi trường kinh doanh được cải thiện; Đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên; an ninh trật tự, an toàn xã hội, chủ quyền biên giới được giữ vững. Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Mười – Phó bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, có được kết quả nổi bật như trên là nhờ hướng đi đúng đắn đặt ra trong các Nghị quyết của Đảng bộ; sự chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Bí thư tỉnh uỷ; sự vào cuộc, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn. |
"Từ những quan điểm, hướng đi đúng đắn, đến nay các tiềm năng về thuỷ điện vừa và nhỏ đã được huy động phát huy gần như tối đa, tiềm năng về năng lượng tái tạo đang được tích cực triển khai, trong đó có dự án điện mặt trời Trúc Sơn, Cư Jút và Nhà máy điện gió Đắk Hòa đã đi vào hoạt động; công nghiệp khai thác bô xít, sản xuất alumin phát huy hiệu quả, hoạt động ổn định, hàng năm đóng góp lớn vào ngân sách địa phương; khu công nghiệp Tâm Thắng, cụm công nghiệp Thuận An đã gần đạt lỷ lệ lấp đầy, đang chuẩn bị triển khai xây dựng Khu công nghiệp Nhân Cơ 2, hình thành định hướng chuỗi công nghiệp Alumin - luyện nhôm và sau nhôm, tạo điều kiện về mặt bằng cho các nhà máy sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, thế mạnh về nguồn nguyên liệu nông lâm sản dồi dào cũng được khai thác hiệu quả, tỉ lệ sản phẩm nông nghiệp được chế biến ngày càng tăng cao, các nhà máy chế biến được hình thành. |
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trưởng ổn định từ 11.723 tỷ đồng (năm 2016) lên 17.200 tỷ đồng (năm 2022), tăng 46%; xuất khẩu tăng từ 655 triệu USD lên 1,17 tỷ USD, tăng 78%, sản phẩm tỉnh Đắk Nông đã xuất khẩu qua 35 quốc gia và vùng lãnh thổ. |
Trong 4 khu vực kinh tế thì ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng các giai đoạn sau luôn cao hơn giai đoạn trước; Giai đoạn 2016-2022, ngành công nghiệp của tỉnh có bước phát triển khá, với mức tăng bình quân là 12%, Giá trị gia tăng của ngành công nghiệp đến năm 2022 đạt 2.495 tỷ đồng, tăng 2,04 lần so với năm 2016. Cơ cấu ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh tăng từ 7,79% (năm 2016) lên 11,38% (năm 2022). |
Tập trung 3 trụ cột kinh tế |
Ông Hồ Văn Mười cho biết, mặc dù đã có bước chuyển mình tích cực song so với địa phương Tây Nguyên, Đắk Nông vẫn gặp khó khăn nhất định. Chính vì vậy trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực kinh tế trụ cột để tạo sự phát triển đột phá bao gồm: (1) Phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo, xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia; (2) Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; phát triển kinh tế rừng, trồng và chế biến dược liệu; tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm chủ lực; (3) Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. |
Trong Quy hoạch tỉnh Đắk Nông cũng xác định đến năm 2030: Xây dựng tỉnh Đắk Nông trở thành địa phương có nền kinh tế năng động và bền vững của vùng Tây Nguyên. Trong đó, công nghiệp là động lực cho tăng trưởng đưa Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp bôxít - nhôm và sau nhôm của quốc gia; tập trung đầu tư tiềm năng về năng lượng tái tạo nhằm cung cấp điện tại chỗ phục vụ cho công nghiệp bô xít - nhôm. Phát triển Du lịch trở thành trung tâm của du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái của vùng dựa trên lợi thế về khí hậu, cảnh quan. Đồng thời tiếp tục tái cơ cấu, chuyển đổi nền nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, bền vững, liên kết theo chuỗi giá trị, tạo giá trị gia tăng cao, gắn với thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. |
Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đô thị, nông thôn và hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, người dân có mức sống, thu nhập khá trong vùng Tây Nguyên. Đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, bảo vệ môi trường và cảnh quan bền vững. Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Theo ông Hồ Văn Mười, đến nay, Đắk Nông cũng là địa phương hoàn thiện xong quy hoạch tỉnh, đồng thời xác định các dự án động lực là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến dự báo và mục tiêu pháp triển ba trụ cột nền kinh tế trong giai đoạn tới như: Tuyến đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) với chiều dài 140 km; Đường sắt Đắk Nông - Chơn Thành, với chiều dài 67 km, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kêu gọi đầu tư nước ngoài. |
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang hoàn thiện, đưa vào vận hành một số dự án công nghiệp nhôm, alumin, năng lượng tái tạo gồm điện gió, mặt trời và thuỷ điện vừa và nhỏ. Đồng thời phát triển các dự án khu du lịch sinh thái- văn hoá tiềm năng và các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn. Chia tay Đắk Nông, chúng tôi có niềm tin rằng địa phương này có đủ sự quyết tâm, khát vọng để bước tới tương lai xanh, phồn thịnh hơn. Điều đó không chỉ dựa vào những tiềm năng vốn có mà còn là sự tâm huyết của đội ngũ lãnh đạo năng động, quyết liệt với từng bước đi đúng đắn; nhận diện rõ những khó khăn, thách thức để nắm bắt cơ hội đưa Đắk Nông trở thành cực tăng trưởng quan trọng ở Tây Nguyên. |
Thực hiện: Nhóm Phóng viên
|