Hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam – Thụy Điển tiếp tục có nhiều triển vọng phát triển, nhất là trong nỗ lực chung hướng tới chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Đây là chia sẻ của Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe với Báo Công Thương nhân dịp năm mới 2023. ----------------- |
Nhiều thành tựu hợp tác thương mại, đầu tư |
* So với năm 2022, năm 2022 kinh tế giới bắt đầu phục hồi sau đại dịch, tuy nhiên, những khó khăn, thách thức vẫn tồn tại. Trong bối cảnh này, đại sứ chia sẻ gì về kinh tế thế giới cũng như kinh tế Thụy Điển? Năm 2022, thế giới vừa trải qua đại dịch Covid-19. Tuy nhiên chúng ta có đủ yếu tố để nhận thấy sự hồi phục ở hầu hết các nơi trên thế giới. Và trên thực tế, một số quốc gia đã nhìn thấy những tín hiệu lạc quan, tích cực. Mặc dù vậy, tình hình chiến sự Ukraina đang khiến cho diễn biến kinh tế thế giới bị tác động tiêu cực. Hiện, giá cả các mặt hàng lương thực, năng lượng tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đặc biệt, tạm phát, lãi suất tăng làm chậm lại đầu tư và tiêu dùng tư nhân. Tất nhiên tình trạng này cũng ảnh hưởng đến Thụy Điển – một quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu và châu Âu. Lợi thế của Thụy Điển có một nền kinh tế mạnh, với các trụ cột cơ bản vững chắc như ngành công nghiệp mạnh tiếp tục xuất khẩu, nợ quốc gia thấp và một trong những tỷ lệ việc làm cao nhất ở châu Âu. Chúng tôi cũng chủ động được về năng lượng và là một trong những nhà xuất khẩu nhiên liệu lớn ở châu Âu. Ngoài ra, sản xuất của chúng tôi gần như hoàn toàn không phụ thuộc năng lượng hóa thạch mà dựa chủ yếu vào thủy điện cũng như năng lượng hạt nhân và năng lượng gió. |
*Trong những năm gần đây, thương mại song phương Việt Nam - Thụy Điển luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, riêng năm 2021, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,5 tỷ USD. Vậy, trong năm 2022, hợp tác thương mại của hai nước có bước phát triển tích cực như thế nào, thưa đại sứ? Việt Nam – Thụy Điển có mối quan hệ lâu dài, tốt đẹp. Kết quả đó thể hiện trong nhiều lĩnh vực từ kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hoá và giáo dục. Trước đây, thương mại của Thụy Điển với Việt Nam chỉ gắn liền với các ngành cơ khí chế tạo, dược phẩm, đồ gia dụng, công nghệ môi trường nhưng hiện đã được mở rộng trên nhiều phương diện, lĩnh vực khác nhau dựa trên những tiềm năng và lợi ích chung. Riêng về thương mại, đầu tư năm 2022 tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng. Hiện đã có sự hiện diện mạnh mẽ của các công ty Thụy Điển tại Việt Nam. Một số công ty đa quốc gia của Thụy Điển đã tham gia thị trường ngay từ những ngày đầu Đổi mới những năm 1990 của Việt Nam. Chúng tôi đang có hơn 70 công ty có văn phòng tại Việt Nam, và hiện họ đang tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Cụ thể, trong khuôn khổ COP26 tại Glasgow với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Tập đoàn Dược phẩm AstraZeneca đã công bố cam kết đầu tư mới giúp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất dược phẩm trong nước, nâng tổng mức đầu tư lên 308 triệu USD cho giai đoạn 2020-2024. Điều này nhằm hỗ trợ ngành dược phẩm Việt Nam chống chịu tốt hơn với đại dịch trong tương lai. Hay gã khổng lồ viễn thông Thụy Điển Ericsson tiếp tục có cam kết mạnh mẽ trong việc xây dựng hạ tầng viễn thông cho Việt Nam thông qua hệ thống 5G. Ngoài ra, một số doanh nghiệp lớn của Thụy Điển tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Đơn cử như, trong ngành điện, ABB khánh thành trung tâm sản xuất robot và thiết bị truyền tải điện mới tại Bắc Ninh, sau khi đi vào hoạt động hứa hẹn sẽ góp phần tiếp đà thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Ở khu vực phía Nam, Tetra Pak cũng đã công bố khoản đầu tư thêm 5 triệu Euro vào nhà máy sản xuất bao bì trị giá 120 triệu Euro tại tỉnh Bình Dương vào năm ngoái. Nhà máy có trang thiết bị hiện đại, thuộc hàng lớn nhất khu vực châu Á. Và với Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA), Hestra (một nhà sản xuất găng tay) đã mở một nhà máy mới tại Hải Phòng nhằm bổ sung cho các đơn vị sản xuất đã có ở châu Á, cũng như áp ứng một lượng lớn đơn đặt hàng. Kỳ vọng, từ Hiệp định EVFTA những chiếc găng tay có thể xuất khẩu sang EU với mức thuế thấp hơn hoặc được miễn thuế. Một tín hiệu rất tích cực nữa đó là ngay sau khi Việt Nam mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 thì có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ và các công ty khởi nghiệp Thụy Điển đang phát triển nhanh. Bao gồm cả các tập đoàn công nghệ kỳ lân đang tham gia vào thị trường như sản xuất pin Polarium - một công ty Thụy Điển chuyên cung cấp các giải pháp lưu trữ năng lượng bền vững, an toàn với hiệu suất tốt nhất dựa trên lithium-ion ở Hải Phòng, và nhiều các công ty khác trong lĩnh vực edtech (công nghệ giáo dục) và fintech (công nghệ tài chính). |
* Hiệp định EVFTA đang được thực thi, bà có đánh giá tác động của Hiệp định này tới quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam – Thụy Điển? Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, nhiều quốc gia đang từng bước hồi phục sau đại dịch thì Việt Nam là quốc gia có bức tranh kinh tế khá sang sủa, tích cực. Đặc biệt, dự kiến kinh tế tăng trưởng 8% trong năm 2022 có thể nói Việt Nam là động lực giúp cho khu vực phục hồi khu vực trở lại một cách mạnh mẽ. Và chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong hai lĩnh vực trọng điểm đó là ngành hàng không và năng lượng. Ngay đối với một số doanh nghiệp Thụy Điển hoạt động tại Việt Nam, tôi cho rằng, Hiệp định EVFTA đã tạo ra những cơ hội cho họ mở rộng sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu sang EU một cách dễ dàng hơn với mức thuế thấp hơn hoặc về bằng 0. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải chủ ý tới một số thách thức về mặt thủ tục hành chính và các rào cản thương mại khác. Trên cơ sở các cam kết của EVFTA, chúng ta cần thúc đẩy các kênh đối thoại để từng bước gỡ bỏ, qua đó tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Hiện, đại sứ quán Thụy Điển thường xuyên nhận được các câu hỏi từ nhà đâu tư Thụy Điển khi cần nắm bắt thêm điều kiện vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cho rằng các thủ tục này đang được Việt Nam thực hiện một cách đơn giản, minh bạch hơn… là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp Thụy Điển có được lòng tin, sẵn sàng hơn khi thực hiện đầu tư và hoạt động lâu dài tại Việt Nam. |
Nhiều tiềm năng trong bức tranh xuất nhập khẩu hai chiều |
* Trên cơ sở những thành tựu đạt được của năm 2022, đại sứ có dự báo nào về triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam – Thụy Điển trong năm 2023? Đồng thời đại sứ quán Thụy Điển sẽ có những hoạt động trọng tâm nào để thúc đẩy mối quan hệ này phát triển? Mục tiêu của chính phủ Thụy Điển là tăng cường thương mại với Việt Nam. Vì thế, bước vào năm 2023, trên nền tảng đạt được trong năm 2022 tôi cho rằng hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam – Thụy Điển có rất nhiều triển vọng phát triển. Từ triển vọng này, chúng tôi tiếp tục hướng tới mục tiêu đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững. Đây sẽ là trụ cột trong hợp tác song phương giữa hai quốc gia. Thụy Điển có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam bằng cách tăng cường quan hệ thương mại, trao đổi các giải pháp kinh doanh thực tiễn và chuyển giao công nghệ. Theo đó, chúng tôi có các tập đoàn, doanh nghiệp sẵn lòng đồng hành với Chính phủ cung cấp cho các đối tác trong đó có Việt Nam. Hai lĩnh vực chính mà Thụy Điển và các công ty Thụy Điển quan tâm hàng đầu là hàng không và giải pháp năng lượng xanh và thông minh. Ngành hàng không Việt Nam đang bùng nổ với các sân bay mới và được nâng cấp như Long Thành và các sân bay khác trên cả nước. Trong khi đó, Thụy Điển có một hệ thống hàng không tiên tiến và cũng có các giải pháp bền vững tổng thể giúp giải các bài toán đang là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững. Hướng tới đến tương lai, chúng tôi sẽ liên tục trao đổi thông tin và đề xuất các giải pháp với Tổng công ty quản lý máy bay Việt Nam (VATM) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) về lĩnh vực hàng không. Chúng tôi rất ủng hộ và đánh giá cao cam kết của Việt Nam tại COP 26 vừa qua và triển vọng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa hai bên. Ngoài ra, việc Việt Nam đang hướng tới mục tiêu cắt giảm điện than, tăng cường phát triển năng lượng tái tạo trong chiến lược tổng thể, nên chúng tôi và các quốc gia EU ủng hộ định hướng chiến lược này của Việt Nam. |
Về năng lượng, chúng tôi có các công ty có thể cung cấp giải pháp cho lưới điện quốc gia phục vụ việc nâng cấp hay tự động hóa, phù hợp với sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo. Chúng tôi cũng có các công ty tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo. Tới đây, chúng tối sẽ tích cực đối thoại, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN-NPT) để có thể góp phần vào sự phát triển chung của ngành năng lượng Việt Nam. Ngoài ra, thời gian tới, cùng với các tập đoàn của Thụy Điển, chúng tôi tiếp tục triển khai các chương trình hướng tới các doanh nghiệp, Chính phủ cũng như khối các trường Đại học Việt Nam thông qua các chương trình Tiên phong đột phá (Pioneer the Possible). Đây là chương trình nhằm chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, điển hình của Thụy Điển trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững. |
Hiện tại, ngành công nghiệp chiếm khoảng 30 phần trăm lượng khí thải CO2 toàn cầu. Các chủ thể công nghiệp sẽ phải giảm mạnh lượng khí thải để thế giới đạt được mục tiêu của thỏa thuận Paris – hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức “thấp hơn” 2 độ C. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại với các đối tác Việt Nam về chương trình Lead-IT (Nhóm Lãnh đạo về Chuyển đổi công nghiệp) dựa trên niềm tin rằng sự hợp tác giữa khu vực công và tư nhân là chìa khóa để đạt được quá trình chuyển đổi công nghiệp và đạt được lượng khí thải carbon bằng không vào giữa thế kỷ. Về thương mại hai chiều, như chúng ta thấy bức tranh xuất nhập khẩu Việt Nam – Thụy Điển đang có nhiều tiềm năng. Chúng ta đã và đang hoạt định kế hoạch trong năm 2023. Theo đó, chúng tôi mong muốn có thể làm việc, phối hợp với đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển để tăng cường phát triển thương mại hai bên. Ngoài ra, các hoạt động kinh tế khác sẽ tiếp tục được triển khai như tích cực đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường, tiếp cận quỹ đất, mở rộng sản xuất, đầu tư tại Việt Nam. Xin cảm ơn bà vì những trao đổi này! |
Hoa Quỳnh – Thu Trang (thực hiện) |