Chỉ cần 1 cú click chuột, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua được nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo như vải thiều Lục Ngạn, cam Cao Phong, chè Shan tuyết, nước mắm Phan Thiết... |
Nông sản miền núi tấp nập “lên sàn” |
Là một trong những HTX trồng vải thiều lớn của huyện Lục Ngạn, hiện tổng diện tích vải thiều của HTX nông sản sạch Bình Nguyên là 34 ha, tổng sản lượng hàng năm rơi vào 300-400 tấn. Năm 2021 là năm đầu tiên HTX đưa quả vải thiều lên sàn thương mại điện tử Postmart và tiêu thụ qua hệ thống bưu cục của bưu điện trên khắp cả nước với sản lượng lên đến hơn 300 tấn và giá cả ổn định. Ông Vũ Nguyên Bình – Giám đốc HTX Nông sản sạch Bình Nguyên cho biết, không chỉ giải quyết bài toán đầu ra, nếu như trước đây việc tiêu thụ vải thiều khá bấp bênh khi cứ đến mùa thu hoạch, ngoài lượng vải đã có hợp đồng tiêu thụ trước, lượng vải còn lại được các thành viên hợp tác xã tự tìm thương lái hoặc chở ra chợ đầu mối để bán. “Có ngày chúng tôi thu hoạch được 10 tấn nhưng bán không hết. Cuối ngày, quả vải xuống cấp, thương lái ép giá. Nhưng khi bán qua sàn Postmart, chúng tôi nắm được lượng hàng hoá và chuẩn bị đầy đủ lượng hàng hoá đó, tự đóng bao bì theo đúng quy cách rồi bưu điện sẽ cho người đến vận chuyển. Chưa kể, chúng tôi còn được hỗ trợ thông tin về quy cách đóng gói sao cho bắt mắt, dễ bán. Giá cả vải thiều cũng rất ổn định và cao hơn khoảng 30% nếu kinh doanh theo phương thức cũ” – anh Bình vui vẻ cho biết. |
Cùng với HTX nông sản sạch Bình Nguyên, đã có nhiều hộ gia đình, HTX trên địa bàn huyện Lục Ngạn được bưu điện hỗ trợ tiêu thụ vải thiều trong những năm qua. Đến nay, sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn đã có 5,4 triệu tài khoản người mua, bán; hơn 668.000 nhà cung cấp tham gia bán hàng trên sàn; hơn 152.000 sản phẩm được kinh doanh trên sàn, xấp xỉ đạt 1,3 triệu giao dịch phát sinh, đồng thời có hơn 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng kinh doanh trên sàn sàn thương mại điện tử. Ông Nghiêm Tuấn Anh - Phó Chánh Văn phòng - Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, định hướng phát triển của sàn thương mại điện tử Postmart.vn là luôn chú trọng để bồi dưỡng các kỹ năng bán hàng cho người bán, đặc biệt là những người bán là các hộ nông dân trên khắp cả nước, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo. Đây là định hướng nằm trong tổng thể chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng các phương thức bán hàng qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn, trong đó có việc gắn các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP đưa lên sàn thương mại điện tử để từ đó có các sản phẩm nông nghiệp này đến với được nhiều người tiêu dùng trên khắp cả nước. |
Trong gần 3 năm qua, với lợi thế năng lực hoạt động logistics hiệu quả, kho bãi rộng khắp, phủ đều, năng lực của hệ thống mạng lưới Bưu cục và bưu điện – văn hoá xã, hệ sinh thái số khép kín từ định danh xác thực điện tử, đến bản đồ số, sàn sàn thương mại điện tử Postmart, thanh toán điện tử Postpay, cho phép Bưu điện Việt Nam triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp khi đồng hành cùng chủ thể trong việc quảng bá, liên kết, tiếp cận khách hàng trên mọi miền và tiêu thụ nông sản, đặc sản vùng miền thông qua sàn sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Mục tiêu Postmart đề ra là góp phần phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo để đưa vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước, nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Theo đó, sàn thương mại điện tử Postmart đã thực hiện việc phối hợp với các Sở, Ban ngành, các đơn vị địa phương tổ chức hàng loạt các chuỗi hoạt động và đào tạo cho các hộ sản xuất nông nghiệp tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo về kỹ năng tham gia kinh doanh bán hàng trên môi trường số, hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản, đặc sản đặc trưng của địa phương tham gia bán hàng trên sàn sàn thương mại điện tử Postmart. Nhiều sản phẩm đặc sản vùng, miền đã được quảng bá và kinh doanh trên sàn như: Miến dong Cao Bằng, Hồng trà Phìn Hồ (Hà Giang), Gạo Séng Cù (Lào Cai), Nấm hương Cao Bằng… Ngoài ra, sàn thương mại điện tử Postmart còn tham gia trực tiếp vào quá trình kết nối, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản tươi tại các địa phương khi vào mùa vụ thu hoạch cao điểm, tránh được tình trạng ùn ứ tại các nhà vườn như: Tỏi, hành Lý Sơn, Xoài Yên Châu, Vải Bắc Giang, Bơ Đắc Lắk, Mận Mộc Châu, Lê Tai Nung… |
Cụ thể, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã triển khai tiếp cận, liên hệ với các hộ sản xuất nông nghiệp trên toàn quốc, trong đó có các địa phương vùng sâu vùng xa – nơi có các sản phẩm đặc sản, đặc trưng nhưng chưa được khai thác và kinh doanh để triển khai ký kết hợp đồng và phân phối các sản phẩm đến các tệp khách hàng trong và ngoài mạng lưới thông qua kênh bán hàng online (bưu điện – văn hoá xã, Bưu cục…) và kênh online (sàn thương mại điện tử Postmart) bằng hình thức gom đơn và chuyển phát trực tiếp đến tay khách hàng. Giúp các sản phẩm đặc sản tới từ các địa phương xa xôi đến gần với người tiêu dùng trên khắp cả nước. Cùng với Postmart, nhiều sàn thương mại điện tử khác như Sendo, Lazada, Vỏ Sò… đều chung tay tiêu thụ nông sản, kể cả nông sản miền núi, hải đảo khi đến mùa vụ, góp phần giúp người nông dân có những vụ mùa bội thu. Sơn La là một trong những địa phương có nguồn nông sản dồi dào. Bà Đỗ Thị Bích Châu - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng trên 3.250 doanh nghiệp và 806 hợp tác xã. Các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đã bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử vào các hoạt động kinh doanh vào các khâu trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh với mức độ khác nhau. Tỉnh Sơn La cũng phối hợp với các sàn thương mại điện tử như Postmart, Sendo, Voso tổ chức buổi hướng dẫn cho các HTX trên địa bàn các huyện, thành phố Sơn La, Sông Mã, Mộc Châu, Yên Châu cách thực hành tạo lập gian hàng và thực hiện việc kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn xây dựng các website thương mại điện tử và phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh. Đơn cử, Yên Châu là một những địa phương có diện tích và sản lượng cây ăn quả lớn của tỉnh Sơn La, trong đó, nhiều loại quả có chất lượng cao và xây dựng được thương hiệu, như: xoài, mận hậu, chuối… Đưa các sản phẩm nông sản đến gần hơn người tiêu dùng, mở rộng thị trường, huyện đã tăng cường hỗ trợ các HTX, hộ sản xuất tiếp cận, nâng cao kỹ năng, nắm được quy trình tham gia quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên kênh thương mại điện tử, mạng xã hội. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, tổ chức tập huấn về thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh. Từ năm 2022 đến nay, huyện phối hợp tổ chức 4 hội nghị tập huấn về quy trình tham gia quảng bá, giới thiệu bán hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn, như Shopee, Tiki, Lazada, Sendo, Postmart... hay các nền tảng số đa kênh tiktok, zalo, facebook... Các đơn vị còn trực tiếp hướng dẫn doanh nghiệp, HTX, các hộ sản xuất, kinh doanh thực hành các kỹ năng livestream, chỉnh sửa, hậu kỳ video… để thu hút người xem, quảng bá, bán hàng. Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh từng bước tiếp cận, hiểu vai trò, lợi ích của thương mại điện tử mang lại, từ đó có kỹ năng triển khai ứng dụng, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn. Đến nay, huyện Yên Châu có gần 10 mặt hàng nông sản, 6 sản phẩm OCOP đưa lên các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến. |
Bộ Công Thương đồng hành với địa phương |
Là bộ quản lý nhà nước về vấn đề thị trường, thời gian qua, Bộ Công Thương luôn nỗ lực đồng hành cùng các địa phương trong việc tiêu thụ nông sản của các vùng miền. Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho biết, tiếp nối thành công của giai đoạn I, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong giai đoạn II (từ năm 2021 đến năm 2025) được phê duyệt tại Quyết định số 1162/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là chương trình đặc thù, hết sức cần thiết nhằm xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân. Phạm vi áp dụng của Chương trình bao gồm 287 huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thuộc 48 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là những địa bàn gặp nhiều khó khăn về vị trí địa lý, hạ tầng cơ sở, trình độ lao động và quy mô thị trường. Nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động thương mại khu vực miền núi, vùng, sâu vùng xa và hải đảo, các hoạt động trong giai đoạn II của Chương trình đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, ứng dụng thương mại điện tử, khuyến khích tham gia vững chắc vào tiến trình hội nhập đối với khu vực miền núi, hải đảo, tạo ra động lực mạnh mẽ phát triển hàng hóa có thương hiệu của khu vực này vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước. |
Để nâng cao vai trò của thương mại điện tử và phát triển kinh tế miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, trong thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cũng đặc biệt quan tâm và đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền thông qua thương mại điện tử. "Nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo như vải thiều Lục Ngạn, cam Cao Phong, chè Shan tuyết, mận tam hoa Bắc Hà, mật ong bạc hà Hà Giang, nước mắm Phan Thiết... đã được đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử, mang đến làn sóng mới trong sản xuất kinh doanh và giảm sự phụ thuộc vào phương thức bán hàng truyền thống" - bà Lê Việt Nga khẳng định |
Trong đó, nhiều hoạt động phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương với những nền tảng thương mại điện tử lớn như Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada hay Postmart… đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hoá trên thương mại điện tử. Nhờ vậy, nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo như vải thiều Lục Ngạn, cam Cao Phong, chè Shan tuyết, mận tam hoa Bắc Hà, mật ong bạc hà Hà Giang hay nước mắm Phan Thiết ... đã được đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử, mang đến làn sóng mới trong sản xuất kinh doanh và giảm sự phụ thuộc vào phương thức bán hàng truyền thống. Đánh giá cao vai trò của Bộ Công Thương, ông Hoàng Văn Dự - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cũng cho rằng, việc xúc tiến thương mại các sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền thời gian qua có sự tham gia tích cực của các đơn vị chức năng Bộ Công thương, đặc biệt Vụ Thị trường trong nước. "Nhờ đó, các sản phẩm này đã tiêu thụ khá tốt ngay tại thị trường trong nước, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài. Việc chúng ta đẩy mạnh tuyên truyền, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa trên sàn thương mại điện tử sẽ giúp góp phần mở thị trường tiêu thụ các sản phẩm này tới với người tiêu dùng trong và ngoài nước" - ông Dự khẳng định. |
Bà Lê Việt Nga chia sẻ thêm, thời gian tới, việc tiếp tục nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò rất quan trọng. “Bởi qua đây sẽ giúp kết nối, đưa những sản phẩm của khu vực này tới tiếp cận với người tiêu dùng trong cả nước. Đặc biệt, góp phần tích cực và phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng sâu, vùng xa và hải đảo", bà Lê Việt Nga nhấn mạnh. |
Phương Lan - Vũ Hạnh
|