Longform
24/10/2023 17:29
Longform | Chương trình OCOP tại Bắc Ninh: Chắp cánh đưa sản phẩm từ “làng” ra “phố”

24/10/2023 17:29

Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương về sản phẩm đặc sản, làng nghề gắn với điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu.
Longform | Chương trình OCOP tại Bắc Ninh: Chắp cánh đưa sản phẩm từ “làng” ra “phố”

Là chương trình kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn theo hướng phát triển nội sinh để nâng cao giá trị cho sản phẩm địa phương, sau hơn 5 năm triển khai, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã nhận được sự quan tâm hưởng ứng của các cấp, ngành và các chủ thể, tạo ra nhiều sản phẩm OCOP chất lượng tốt, được thị trường đón nhận.

Báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh cho thấy, số lượng các sản phẩm OCOP của tỉnh được công nhận gia tăng qua các năm; tính hoàn thiện từ chất lượng đến mẫu mã, bao bì sản phẩm ngày càng cao, chủng loại sản phẩm đa dạng.

Cụ thể, toàn tỉnh Bắc Ninh hiện đã công nhận 93 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; trong đó có 34 sản phẩm đạt 3 sao (chiếm 36,6%), 59 sản phẩm đạt 4 sao (63,4%). Có 63 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm (67,7%), 17 sản phẩm thuộc nhóm lưu niệm nội thất và trang trí (18,3%), 7 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống (7,5%), còn lại là các sản phẩm khác. 38 chủ thể có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó 8 chủ thể là hợp tác xã (21%), 12 chủ thể là doanh nghiệp (31,6%), 18 chủ thể là hộ gia đình đăng ký kinh doanh (47,4 %).

Đáng chú ý, chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, làng nghề gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn, phát huy các làng nghề truyền thống, giá trị văn hóa để phát triển kinh tế nông thôn, như: Làng nghề truyền thống gốm Phù Lãng, mây tre đan Xuân Hội, Đúc đồng Đại Bái, nem bùi Ninh Xá... vùng trồng khoai tây Quế Võ, tỏi An Thịnh, Măng tây xanh Gia Bình...

Là cơ sở có sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020, anh Phạm Văn Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và chế biến thực phẩm Nem 99 Kinh Bắc – chia sẻ: Được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020, đến nay, công ty đã phát triển lên 35 đại lý, cửa hàng tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận như Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên… Sản phẩm OCOP, thương hiệu Nem 99 Kinh Bắc ngày càng khẳng định chất lượng, uy tín. Đây chính là động lực để công ty tiếp tục sản xuất những sản phẩm chất lượng nhất tới tay người tiêu dùng. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục xây dựng, đăng ký tham gia Chương trình OCOP cấp Trung ương.

Đánh giá của giới chuyên gia, các sản phẩm OCOP Bắc Ninh cơ bản phát huy tốt giá trị trên thị trường. Qua thực hiện chương trình, các chủ thể sản phẩm đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật về sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ...); điều kiện an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường; sử dụng bao bì, nhãn hiệu đúng quy định; đồng thời phát huy sức mạnh cộng đồng, giá trị tiềm năng, lợi thế của địa phương trong tổ chức sản xuất và phát triển sản phẩm, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương.


Chương trình OCOP tại Bắc Ninh:Chắp cánh đưa sản phẩm từ “làng” ra “phố”

Nhằm khơi dậy tiềm năng từng khu vực trên địa bàn với việc hình thành các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất sản phẩm và dịch vụ có lợi thế, khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý… trong kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2022 – 2025 đặt mục tiêu: Phấn đấu ít nhất 200 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên được công nhận, ít nhất có 2 sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Mỗi huyện, thành phố có ít nhất 25 sản phẩm OCOP được công nhận...

Longform | Chương trình OCOP tại Bắc Ninh: Chắp cánh đưa sản phẩm từ “làng” ra “phố”

Tỉnh cũng đề ra ưu tiên phát triển các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất 20% chủ thể OCOP là HTX và 30% chủ thể là doanh nghiệp; ít nhất 30% làng nghề trên địa bàn tỉnh có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề; ít nhất 40% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử;...); xây dựng 3 mô hình thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng gắn với hình thành phát triển chuỗi sản phẩm OCOP, đó là: Mô hình sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát triển văn hóa phi vật thể tại khu Viêm Xá (phường Hòa Long, TP. Bắc Ninh); du lịch trải nghiệm thực tế nghề gốm Phù Lãng (xã Phù Lãng, huyện Quế Võ); du lịch trải nghiệm thực tế nghề làm tranh Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành).

Để đạt được mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn chỉ đạo: Tiếp tục duy trì bộ máy chỉ đạo Chương trình OCOP các cấp ở giai đoạn 2018 - 2021; thường xuyên rà soát, kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban chỉ đao, Hội đồng, Tổ giúp việc đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP các cấp.

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa công tác tuyên truyền... để cán bộ, người dân và chủ thể sản xuất hiểu rõ nội dung, ý nghĩa, lợi ích khi tham gia Chương trình OCOP.

Ngoài ra, cần tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực về chuyên môn nghiệp vụ cho đối tượng là cán bộ quản lý Chương trình OCOP các cấp, chủ thể sản xuất về kiến thức trong vận hành chu trình OCOP thường niên; hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất; các hình thức tổ chức sản xuất; kỹ năng quản trị; đổi mới, sáng tạo về sản phẩm; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ...

Xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP trên cơ sở quy hoạch chung tỉnh Bắc Ninh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh và các huyện giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường liên kết vùng, mở rộng diện tích nguyên liệu sản xuất sản phẩm OCOP như: Vùng trồng Khoai tây Quế võ; vùng trồng Cà rốt Gia Bình, Lương Tài; vùng trồng chuối Hán Quảng, Cảnh Hưng; vùng trồng cây dược liệu tại Gia Bình, Lương Tài... theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ... từ đó mời gọi, thu hút doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm OCOP hình thành các chuỗi giá trị…

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, tập trung vào các dịp lễ hội của tỉnh, của Quốc gia; phối hợp xúc tiến sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị lớn trên địa bàn; tổ chức lựa chọn sản phẩm tiêu biểu tham gia hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua sử dụng sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp...

Được biết, tổng số kinh phí thực hiện Chương trình OCOP của Bắc Ninh giai đoạn 2022 - 2025 ước tính 40 tỷ đồng.

Longform | Chương trình OCOP tại Bắc Ninh: Chắp cánh đưa sản phẩm từ “làng” ra “phố”

Chương trình OCOP đã và đang tiếp tục góp phần tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bắc Ninh, giúp nền kinh tế nơi đây phát triển bền vững. Để có được kết quả tích cực, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ các chủ thể tham gia.

Có thể kể đến gần đây nhất như Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND Quy định hỗ trợ về phát triển nông nghiệp, Chương trình OCOP và ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Nghị quyết này quyết định, hỗ trợ 30% kinh phí mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, OCOP và ngành nghề nông thôn có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên, mức hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/máy móc, thiết bị hoặc 50% kinh phí cho các máy móc, thiết bị có giá trị dưới 50 triệu đồng. Tổng mức hỗ trợ không quá 500 triệu đồng/tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện xây dựng kho lạnh bảo quản sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, OCOP, ngành nghề nông thôn với mức 50% chi phí xây dựng và mua thiết bị kho lạnh. Tổng mức hỗ trợ tối đa 2 tỷ đồng/phương án xây dựng.

Đồng thời hỗ trợ mua thiết bị lạnh và giá để hàng chuyên dùng để bán sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản an toàn và sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Ninh với mức 50% kinh phí mua thiết bị lạnh và giá để hàng chuyên dùng cho siêu thị và cửa hàng, mức hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng/siêu thị, 100 triệu đồng/cửa hàng.

Ngoài ra, với cửa hàng mở tại khu công nghiệp, khu du lịch, điểm du lịch, trạm dừng nghỉ trên các trục đường quốc lộ trên địa bàn tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí thuê cửa hàng trong 3 năm đầu, mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/cửa hàng/tháng.

Hỗ trợ 100% kinh phí lần đầu để mua tem phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và sản phẩm OCOP, tối đa 20 triệu đồng/tổ chức, cá nhân.

Các tổ chức, cá nhân sản xuất có sản phẩm được cấp có thẩm quyền phê duyệt tham gia chương trình OCOP được hỗ trợ 50% chi phí tư vấn xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa, bảo hộ sở hữu thương hiệu, không quá 50 triệu đồng/tổ chức, cá nhân…

Ông Đặng Công Hưởng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh cho hay, để Chương trình OCOP tạo sức lan tỏa, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tới các doanh nghiệp, HTX và hộ dân hiểu về lợi lích của việc tham gia Chương trình OCOP, nhất là những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh đối với các sản phẩm OCOP. Ngoài ra, ngành sẽ tích cực tham mưu tỉnh có những chính sách đặc thù đối với các sản phẩm truyền thống, thế mạnh của từng địa phương, trong đó chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng nhằm gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, xây dựng nông thôn mới bền vững.

Longform | Chương trình OCOP tại Bắc Ninh: Chắp cánh đưa sản phẩm từ “làng” ra “phố”

Để OCOP thực sự trở thành chương trình gắn liền với sinh kế, phát triển kinh tế của người dân khu vực nông thôn tỉnh Bắc Ninh theo hướng nội lực và gia tăng giá trị trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp… đại diện Chi cục Phát triển nông thôn Bắc Ninh chia sẻ: Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ, thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, chương trình OCOP và ngành nghề nông thôn; định hướng quy hoạch, hình thành các vùng nguyên liệu, nguồn nhân lực chất lượng cao, khu vực ưu tiên phát triển sản phẩm gắn với nguồn nguyên liệu, tập quán, trình độ, tay nghề… từ đó mời gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, sản phẩm OCOP, ngành nghề nông thôn…

Mục tiêu trong năm 2023, Bắc Ninh tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên ít nhất 50 sản phẩm; xây dựng thí điểm 3 mô hình OCOP du lịch cộng đồng gắn với hình thành phát triển chuỗi sản phẩm OCOP.

Thanh Tâm

Đồ họa: J.K

.

Có thể bạn quan tâm

Nỗ lực đưa sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế

Nỗ lực đưa sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế

Để sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế cần sự phối hợp, sáng tạo và đổi mới của các cấp, ngành và các chủ thể, hợp tác xã OCOP...
Bắc Ninh: Cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn Công ty Đại Nghĩa Việt Nam và Công ty sản xuất Biga Panel

Bắc Ninh: Cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn Công ty Đại Nghĩa Việt Nam và Công ty sản xuất Biga Panel

Công ty TNHH TM&DV Đại Nghĩa Việt Nam và Công ty CP sản xuất Biga Panel vừa bị cơ quan thuế Bắc Ninh cưỡng chế thuế, ngừng sử dụng hóa đơn do nợ thuế.
Quảng Ninh: Kết nối sản phẩm OCOP với phát triển du lịch

Quảng Ninh: Kết nối sản phẩm OCOP với phát triển du lịch

Mỗi sản phẩm OCOP đều là “sứ giả văn hóa” của từng địa phương và đã trở thành một trong những kênh quảng bá hiệu quả nhất cho du lịch Quảng Ninh.