Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) Nguyễn Phú Cường đã chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về câu chuyện “chớp” cơ hội để thành công và những kỳ vọng trong năm mới. ------ |
Báo Công Thương: Năm 2022 ghi nhận một năm có thể đánh giá là “vượt khó ngoạn mục” của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam với con số tăng trưởng ấn tượng.Xin ông chia sẻ cụ thể những con số này? |
Chủ tịch Nguyễn Phú Cường: Năm 2022, doanh thu cộng hợp toàn Tập đoàn đạt 62.262 tỷ đồng, bằng 119% so với kế hoạch năm 2022, tăng 17% so với thực hiện năm 2021. Lợi nhuận cộng hợp đạt 6.023 tỷ đồng, tăng hiệu quả 3.890 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021. Đây là con số doanh thu và lợi nhuận đạt cao nhất của Tập đoàn từ ngày thành lập đến cho đến nay. Sự tăng trưởng này có đều ở các nhóm từ nhóm ngành phục vụ cho y tế như sản xuất oxy cho đến những nhóm ngành phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như phân bón, sản xuất săm lốp ô tô, xe máy, sản xuất xút, ắc quy, hóa chất cơ bản… Có thể nói tất cả các nhóm ngành của Tập đoàn đều có sự tăng trường và ổn định. |
Báo Công Thương: Con số tăng trưởng ấn tượng này không phải tự nhiên mà có, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp rơi vào khó khăn, khủng hoảng sau đại dịch Covid-19. Xin ông chia sẻ những nỗ lực cùng giải pháp mà Vinachem đã thực hiện trong năm qua? |
Chủ tịch Nguyễn Phú Cường: Tôi cho rằng yếu tố quan trọng nhất giúp Vinachem vượt qua khó khăn, đạt con số tăng trưởng chưa cao nhất chính là có sự chuẩn bị, phân tích và đưa ra các kịch bản linh hoạt, kịp thời với những tình huống cụ thể. Các đơn vị trong Tập đoàn cũng đã chuẩn bị và luôn trong tâm thế sẵn sàng sản xuất kinh doanh trong mọi điều kiện. Nói thêm về công tác chuẩn bị. Theo tôi, trong sản xuất kinh doanh, cơ hội đến có thể lúc nhiều, lúc ít và có cơ hội lớn, cơ hội nhỏ. Nhưng nếu chuẩn bị tốt thì mình sẽ chớp được thời cơ. Nếu không chuẩn bị tốt sẽ bỏ lỡ những thời cơ được coi là “thời điểm vàng”. Tôi lấy ví dụ giá sản phẩm ure từ đầu năm đến nay biến động rất lớn. Thời điểm đầu năm, giá ure là hơn 900 USD/tấn trên thị trường thế giới nhưng đến hiện tại chỉ khoảng trên dưới 500 USD/tấn. Giá than đầu năm nay chỉ khoảng 130 USD/tấn, nhưng đã tăng gấp khoảng 3 lần. Giá lưu huỳnh có những lúc lên hơn 500 USD/tấn, có những lúc xuống 80 USD/tấn và bây giờ đang ở mức 200 USD/tấn. Như vậy, câu chuyện ở đây là, cơ hội sẽ đến và sẽ đi, quan trọng là mình chớp được cơ hội ấy như thế nào? Trong sản xuất kinh doanh, các yếu tố về đầu vào và yếu tố về thị trường liên tục biến động, vừa tạo ra cơ hội và thách thức. Nếu như mình có sự chuẩn bị tốt, phán đoán đúng, làm tốt công tác dự báo và chuẩn chỉ trong công tác ra quyết định thì ắt sẽ có thành công. |
Với Vinachem, chúng tôi đã làm tốt công tác dự báo và có sự chuẩn bị tốt. Nhất là câu chuyện giá một số mặt hàng nguyên liệu sẽ tăng rất cao do yếu tố đứt gẫy nguồn cung ứng do đại dịch Covid 19. Trước bối cảnh này, Tập đoàn đã tập trung những loại nguyên liệu sẽ phải nhập khẩu và ưu tiên trong những thời điểm nhất định, tận dụng thời điểm giá nguyên liệu đầu vào thấp để mua tích trữ và tập trung tối đa vào sản xuất những lúc hàng bán ra được giá. Trong công tác bảo trì, bảo dưỡng cũng vậy, các đơn vị đã rất linh hoạt chủ động để tận dụng tối đa hiệu quả trong kinh doanh. Cụ thể, đối với các nhà máy sản xuất phân bón thường một năm có khoảng 50 ngày phải dừng thiết bị để bảo dưỡng. Nếu bố trí được lịch bảo dưỡng hợp lý (vào lúc thấp điểm của thị trường) thì sẽ tranh thủ được thị trường tốt để triển khai sản xuất, đem lại hiệu quả cao hơn. Lấy ví dụ cụ thể với hai nhà máy Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc của Vinachem. Năm 2021, Đạm Hà Bắc chỉ đạt lợi nhuận khoảng hơn 6 tỷ, năm 2022, lợi nhuận sau khi đã trừ tất cả các chi phí lãi vay khấu hao… đạt khoảng 1.700 tỷ. Đạm Ninh Bình từ chỗ đang thua lỗ cũng đạt lợi nhuận gần 800 tỷ. Trong năm 2022, cả đơn vị này đã đưa dây chuyền vào vận hành với công suất đạt khoảng 80- 90% công suất thiết kế. |
Chúng ta thấy rõ một bài toán rằng, khi sản lượng tăng cao thì chi phí tài chính trên một đơn vị sản phẩm sẽ giảm đi. Và nếu chỉ hoạt động khoảng 50% công suất thiết kế, các chi phí sẽ lớn hơn rất nhiều. Nếu tăng gấp đôi sản lượng chi phí khấu hao, chi phí tài chính sẽ giảm xuống còn một nửa trên một đơn vị sản phẩm. Như vậy để thấy rằng, ngoài việc chớp được thời cơ, mua nguyên vật liệu thiết bị phụ tùng, bố trí đầy đủ lịch sửa chữa, bảo dưỡng, và làm chủ thiết bị công nghệ thì còn một yếu tố nữa quyết định thành công đó là đẩy được số giờ hoạt động và tăng được sản lượng. Tổng sản lượng của Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc năm nay đã cung ứng cho thị trường khoảng 900.000 tấn sản phẩm ure cho thị trường trong nước. Việc tăng được sản lượng đã giúp giảm được tối đa chi phí tài chính và đem lại hiệu quả. |
Báo Công Thương: Với riêng dự án Đạm Hà Bắc, bên cạnh con số tăng trưởng và những nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2022 đơn vị này vẫn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong công tác nợ vay và chi phí lãi vay, “lãi chồng lãi”.Ông có thể chia sẻ rõ hơn về phương án tái cơ cấu mà Tập đoàn đã và đang nỗ lực thực hiện với dự án này? |
Chủ tịch Nguyễn Phú Cường: Năm 2022 có thể nói là năm ghi nhận thành công lớn của cả hai dự án Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình - hai đơn vị vẫn còn nằm trong danh sách 12 dự án yếu kém của ngành công thương. Với những con số thành công như tôi đã nói ở trên, hai đơn vị này đã tiến hành một loạt các giải pháp như làm chủ được thiết bị công nghệ, giảm được định mức, tiêu hao nguyên vật liệu trên một đơn vị sản phẩm, đạt bằng mức định mức chuẩn. Định mức tiêu hao vật tư phải bằng chuẩn khi bàn giao thiết bị. Đối với riêng Đạm Hà Bắc, một điều quan trọng là phải sắp xếp tổ chức, tinh giảm bộ máy. Việc này đã được làm từ năm 2018 và đến 2021, 2022 kết quả cho thấy rất rõ nét. Các phong ban của đơn vị này từ 34 phòng ban chuyển xuống chỉ còn 24 phòng ban. Định biên lao động 2.100 lao động xuống còn 1.300 người. Như vậy, công tác sắp xếp lại lao động để giảm mức thấp nhất chi phí và tiết kiệm. |
Dựa trên kết quả này, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 1468 cũng như Uỷ ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã xây dựng một đề án tái cơ cấu 3 doanh nghiệp này gồm Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình và DAP số 2. Trong phương án tái cơ cấu này, với riêng Đạm Hà Bắc, chúng tôi đã phân tích và thấy rằng vấn đề lớn nhất là do lãi vay đầu tư. Hiện Đạm Hà Bắc đang phải chịu lãi vay quá cao nên các khoản nợ đến hạn chưa kịp thanh toán phải chịu mức lãi phạt 150% so với lãi suất gốc. |
Tôi lấy ví dụ, Đạm Hà Bắc có những khoản lãi vay 12% thì bị phạt lên tới 18%. Tiếp tục là tình trạng lãi mẹ đẻ lãi con. Đơn cử một con số, Đạm Hà Bắc vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là 4.150 tỷ (tôi lấy số tròn), sau khi đã trả được 4.100 tỷ tính đến tháng 9/2022. Tuy nhiên, đến nay Đạm Hà Bắc vẫn còn đang nợ 5.200 tỷ. Số nợ này còn cao hơn cả số tiền vay ban đầu mặc dù đơn vị đã trả được số tiền xấp xỉ số gốc ban đầu. Như vậy để có thể thấy rằng lãi phạt mà doanh nghiệp phải chịu là quá lớn! Tháng 8 năm 2022, trong chuyến đi khảo sát trực tiếp nhà máy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhận định: nhà máy Đạm Hà Bắc có bề dầy lịch sử hơn 60 năm, hệ thống máy móc hoạt động ổn định, công nhân làm chủ được thiết bị công nghệ, sản phẩm làm ra tiêu thụ tốt trên thị trường và có chỗ đứng, có thương hiệu. Đây chính là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn xây dựng một đề án cơ cấu lại nhà máy này. |
Trên cơ sở đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã xây dựng đề án tái cơ cấu và đề án cũng đã được gửi đi xin ý kiến Bộ Chính trị. Chúng tôi cũng hi vọng rằng, nếu như được cơ cấu lại, chắc chắn Đạm Hà Bắc sẽ có điều kiện vượt qua khó khăn và thanh toán được các khoản nợ một cách hợp lý. Bởi chỉ tính riêng trong năm 2022 này, Đạm Hà Bắc đã trả nợ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Thương mại tổng số tiền trên 2.800 tỷ. Việc tái cơ cấu Đạm Hà Bắc cũng sẽ giúp đảm bảo duy trì việc làm cho người lao động. thu hồi được vốn đầu tư của nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và đảm bảo bình ổn thị trường phân bón trong nước. |
Báo Công Thương: Trước thềm năm mới, trong bối cảnh dự đoán năm 2023 sẽ còn rất nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp khi thực sự “ngấm đòn Covid”, ông có chia sẻ thêm gì về kế hoạch và chiến lược của Vinachem trong năm 2023 và niềm tin vào sự tăng trưởng tiếp tục trong thời gian tới của Tập đoàn? |
Chủ tịch Nguyễn Phú Cường: Theo như hoạch định chính sách và dự báo của các chuyên gia, chúng ta có thể thấy rõ ràng bước sang năm 2023 còn rất nhiều khó khăn thách thức, thậm chí là khó khăn hơn 2022 rất nhiều. Hiện giờ, rõ ràng mặt bằng giá của một loạt các loại vật tư đầu vào đang được đẩy lên một mức khác, từ năng lượng cho đến các nguyên vật liệu cho sản xuất nói chung và hóa chất nói riêng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, khó khăn ở thời điểm nào cũng có, và có thể khó khăn luôn đi cùng với cơ hội. Nhưng quan trọng là cách mình ứng xử thế nào với khó khăn và tranh thủ thế nào khi có cơ hội? |
Tôi vẫn bảo lưu quan điểm là dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu chúng ta có sự chuẩn bị tốt thì ít nhất sẽ giảm thiểu được tác động xấu. Năm 2023, Vinachem vẫn đưa ra mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp và doanh thu tăng so với 2022. Tuy nhiên, con số lợi nhuận đặt ra sẽ “khiêm tốn” hơn con số 6.023 tỷ của năm 2022 này. Theo tôi để có được thành công và sự tăng trưởng của Tập đoàn trong thời gian tới, đầu tiên vẫn là yếu tố đoàn kết và giữ chân được người lao động. Nếu không có sự đồng lòng, đoàn kết, ủng hộ của người lao động thì người lãnh đạo không thể làm nên kỳ tích được. Tôi lấy ví dụ trong thời điểm bùng phát dịch Covid đầu năm 2022, nếu 693 lao động của Đạm Hà Bắc không đồng lòng ủng hộ vào làm việc “3 tại chỗ” suốt gần 1 tháng ở công ty, đúng lúc cao điểm sản xuất và bán hàng thì không thể có được thành công vượt bậc của đơn vị này. |
Thủ tướng cùng đoàn công tác làm việc với Đạm Hà Bắc về phương án tái cơ cấu tháng 8/2022 |
Bên cạnh đó, là phải có phương án linh hoạt để thích ứng được với hoàn cảnh vì hiện giờ tình hình kinh tế diễn biến rất nhanh, khó lường. Rõ ràng chúng ta không thể ngồi đây và nói rằng tháng sau, năm sau giá than, giá lưu huỳnh, giá phân bón… sẽ là bao nhiêu? Tuy nhiên, cần kỹ năng xâu chuỗi lại cả một hệ thống, phân tích chuỗi những sự kiện đã diễn ra trong năm qua để từ đó có ứng xử hợp lý và kịp thời với những biến động. Trước thềm năm mới, tuy khó khăn nhưng tôi vẫn đặt niềm tin vào sự tăng trưởng của năm 2023. Đơn cử như với diễn biến của ngành phân bón. Hiện ở châu Âu, giá khí đốt và giá dầu lên cao, rất nhiều nhà máy sản xuất ure từ khí của châu Âu như Đức, Na Uy, Ba Lan… phải giảm công suất và thậm chí phải đóng cửa dẫn tới thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất ure đi từ khí. Như vậy, việc này sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất ure đi từ than như của Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình. Như tôi đã nói, khó khăn luôn đi cùng với cơ hội. Quan trọng là ứng xử như nào với khó khăn và tranh thủ thế nào khi có cơ hội để chớp lấy thành công mà thôi! Xin trân trọng cảm ơn ông! |
Sáng 14/1/2021, những tấn sản phẩm phân bón Supe lân vi sinh đầu tiên của Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã được xuất bán ra thị trường |
Thực hiện: Nguyễn Duyên Ảnh: Cấn Dũng/VGP Thiết kế: Thanh Vân |