LTS: Ngày sau khi bài báo “Xung đột Nga-Ukraine một năm nhìn lại và bài học tự chủ an ninh năng lượng” phát hành, Báo Công Thương đã nhận được bài viết trao đổi thêm về năng lượng Việt Nam của Chuyên gia, nhà phân tích về các vấn đề quốc tế Grigory Trofimchuk - Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ Nghiên cứu khoa học Á-Âu, Liên bang Nga. Ông Grigory Trofimchuk đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về Việt Nam và có đóng góp tích cực vào quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam – Liên bang Nga. Năm 2018, ông đạt giải Nhì Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại với tác phẩm “Hoạt động nhân chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”. Báo Công Thương trân trọng giới thiệu bài viết của Chuyên gia Grigory Trofimchuk. ------ |
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có ảnh hưởng sâu sắc và rộng lớn tới kinh tế toàn cầu. Đây là điều bất kỳ ai trên thế giới đều cảm nhận được sự thay đổi này. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ không có cái gọi là “Thế chiến thứ 3” như một số chuyên gia, nhà quan sát quốc tế thiếu trách nhiệm tuyên bố trong thời gian gần đây. Với vai trò là một chuyên gia, trong nhiều phát ngôn của mình, tôi luôn đề cao tính trách nhiệm và ý thức vì cộng đồng, nhân loại trong các đánh giá về tình hình chính trị, quân sự quốc tế. Về vấn đề kinh tế toàn cầu và an ninh năng lượng thế giới, có thể khẳng định, Nga đã và đang đóng một vai trò quan trọng, nhưng Mỹ và phương Tây đang cố gắng loại bỏ Moscow ra khỏi các bạn hàng truyền thống. Điều này gây xáo trộn lớn ở quy mô toàn cầu và kết qủa thực tế là sự khan hiếm năng lượng, giá thành đắt đỏ. Các hệ thống cũ đang được thay đổi, tái cấu trúc một cách nhanh chóng. |
Về phía Nga, Moscow không có đủ thời gian để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn thu quan trọng từ xuất khẩu các loại nguyên liệu thô trong cơ cấu nền kinh tế. Mặc dù trong nhiều thập kỷ qua, Nga đã cố gắng đa dạng nền kinh tế với các chính sách từ cấp vỹ mô được thúc đẩy bởi Điện Kremlyn. Chính vì thế, khi xảy ra xung đột tại Ukraine và những khó khăn đến từ khách hàng châu Âu, Nga đang phải tìm các đối tác mới. Dù đã có các thỏa thuận và cam kết, nhưng việc thực hiện và chuyển đổi này là không hề dễ dàng. Trong khi đó, các nước phương Tây đang cố gắng thoát khỏi nguồn nguyên liệu và nhiên liệu giá rẻ của Nga với hy vọng làm suy yếu Moscow trong cuộc chiến tại Ukraine. Đáng chú ý khác là các quốc gia trong không gian hậu Liên bang Xô Viết đang chuyển sang sử dụng định dạng mới về vận chuyển và trung chuyển dầu khí, khí đốt. Cụ thể như Azerbaijan, Kazakhstan, Turkmenistan đang tìm các phương án khác bán dầu khí sang châu Âu theo cách của riêng họ. Và Nga có thể tìm cách tương tự bởi như đã đề cập ở trên, kinh tế Nga vẫn phụ thuộc rất nhiều vào việc xuất khẩu nguyên liệu thô. |
Trong bối cảnh căng thẳng chưa có dấu hiệu dừng lại, việc Nga rút bớt nguồn cung dầu khí tới các quốc gia khách hàng để duy trì chế độ tự cung, tự cấp và chỉ bán cho các quốc gia thân thiện thì đó là thảm họa đối với kinh tế toàn cầu. Thiếu hụt năng lượng, nguồn cung và đường vận chuyển sẽ khiến kinh tế toàn cầu suy thoái, thậm chí là khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, với phương thức hợp tác và thanh toán đa dạng hóa ở quy mô toàn cầu như hiện nay, việc sử dụng các thiết chế để ngăn cấm Nga cung cấp năng lượng cho các quốc gia có nhu cầu là rất khó. Hiện tại, vấn đề chỉ nằm ở cuộc xung đột ở Ukraine. Kiev thực tế không có khả năng tự chủ năng lượng và hệ thống trung chuyển năng lượng qua nước này sẽ vẫn được bảo vệ. Nếu xung đột được giải quyết, dòng chảy năng lượng từ Nga sang châu Âu sẽ dễ dàng được khôi phục. Điều này cũng đồng nghĩa với khôi phục 1 phần hệ thống và quy luật cung cấp năng lượng trên toàn cầu. |
Việt Nam hiện là nền kinh tế năng động và có độ mở rất lớn nên cuộc xung đột Nga – Ukraine cũng có ảnh hưởng ít nhiều. Nhưng trên thực tế, trong khi nhiều nước gặp khủng hoảng an ninh năng lượng còn Việt Nam thì không. Việt Nam đã rất nhiều lần chứng minh khả năng thích nghi và điều chỉnh để vượt qua các giai đoạn khó khăn trong lịch sử đất nước, cũng như biến động trên thế giới. Một trong những điển hình rõ ràng nhất là khi Liên Xô tan vỡ, Việt Nam đã tự lực vươn lên bằng chính năng lực và nội tại của đất nước. |
Một trong những vấn đề quan trọng và nổi bật khác là Việt Nam - đất nước kiên định đường lối chủ nghĩa xã hội và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - đã luôn đưa ra lựa chọn, quyết sách đúng đắn trong nhiều tình huống cam go. Ngày nay, khi Liên bang Nga đang đứng trước những thách thức mới, thì giới tinh hoa của Việt Nam vẫn đang tỉnh táo và có những lựa chọn hợp lý với tình hình đất nước. |
Tôi luôn có niềm tin rằng, Hà Nội luôn có những dự đoán, đánh giá trước mọi vấn đề để có giải pháp phù hợp. Minh chứng này có thể thấy rõ nhất khi Việt Nam dù phải chống chọi với đại dịch Covid-19, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương, thậm chí là vươn lên Top đầu khu vực Đông Nam Á và châu Á. Chúng ta điều hiểu rõ vai trò của an ninh năng trọng trong thế giới hiện đại. Nó đảm bảo sự phát triển ổn định và lâu dài của nền kinh tế. Tại Moscow, trong thời gian qua cũng có nhiều ý kiến về việc Nga có thể tăng cường xuất khẩu năng lượng sang phương Đông và châu Á. Việt Nam chắc chắn cũng đã xem xét kỹ tình hình và chủ động đa dạng hóa nguồn bảo đảm xăng dầu. Từ kinh nghiệm thực tế qua nhiều thập kỷ, Hà Nội luôn hiểu rõ thị trường năng lượng đa dạng sẽ đảm bảo nhịp độ phát triển kinh tế và ổn định chính trị trong mọi biến động. Hơn thế nữa, khu vực ASEAN từ lâu đã tồn tại như một khu vực có sự độc lập nhất định đối với thế giới và ít chịu ảnh hưởng, chi phối từ các yếu tố bên ngoài. Trong đó, Việt Nam là một hạt nhân quan trọng của khối ASEAN, bởi vậy Việt Nam đang hội đủ các yếu tố để đưa ra các lựa chọn hợp lý đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước, cũng như hỗ trợ các quốc gia trong khối. |
Cho đến thời điểm này, chưa biết chính xác hạn định cuối cùng cho việc giải quyết cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Do đó, sẽ có nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục bị ảnh hưởng, trong đó có vấn đề an ninh năng lượng. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam sẽ ứng phó như thế nào để đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước? Như đã đề cập ở trên, Việt Nam đã có sự chuẩn bị cho mọi biến cố và minh chứng chúng bằng hành động cụ thể. Thực tế trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn theo đuổi đường lối đối ngoại cân bằng, có trách nhiệm trong quan hệ quốc tế để xây dựng vị thế và hình ảnh quốc gia có trách nhiệm trong các tổ chức toàn cầu, trong đó có Liên hợp quốc. |
Cùng với đó, Việt Nam luôn duy trì quan hệ hữu hảo với các quốc gia trên thế giới, trong đó có các siêu cường. Kiểm chứng thực tế cho thấy, trong quan hệ quốc tế hiện tại, đe dọa bằng vũ lực rất ít có tác dụng. Việc đảm bảo đường lối hòa bình, hữu hảo sẽ mang lại nhiều lợi ích và không gian phát triển cho toàn thế giới. Vấn đề an ninh năng lượng đối với Việt Nam chỉ có thể được đảm bảo bởi các nguồn năng lượng tương lai, giá rẻ và ổn định. Cùng với định hướng chiến lược rõ ràng; giải pháp linh hoạt; sự quyết liệt trong quản lý điều hành và nền tảng, kinh nghiệm sẵn có… Tin rằng Việt Nam sẽ tự tin, chủ động, đủ khả năng tiếp cận được các nguồn năng lượng mới nhằm củng cố và đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia trong tương lai. ------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------ Ông Grigory Trofimchuk: "Tôi đánh giá cao sự nhanh nhạy, thích ứng của Báo Công Thương khi đề cập đến một vấn đề quan trọng toàn cầu và quốc gia đó là an ninh năng lượng. Đây có lẽ là cơ quan báo chí kinh tế đầu tiên ở Việt Nam sớm nhìn nhận, phân tích, đánh giá về tình hình an ninh năng lượng sau gần một năm cuộc xung đột Nga – Ukraine xảy ra". |
Thực hiện: Nhóm Phóng viên |