Điện Biên là một tỉnh miền núi, nằm cách xa trung tâm thành phố Hà Nội và trung tâm tỉnh lỵ của các tỉnh trong khu vực Tây Bắc, có những khó khăn, hạn chế nhất định trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên đã chung tay, góp sức, nỗ lực vượt qua khó khăn, phát huy đúng lợi thế, tiềm năng, tận dụng mọi nguồn lực và tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. |
Thời gian qua, bức tranh kinh tế của tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét, tăng trưởng kinh tế ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Điện Biên (GRDP) đạt 27.772,9 tỷ đồng (theo giá hiện hành), tăng 10,27% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực dịch vụ đạt 8.230,66 tỷ đồng, tăng 5,95%. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, trong sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, du lịch phát triển đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Đánh giá về sự phát triển của du lịch Điện Biên, PGS.TS. Bùi Văn Huyền, Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho hay, nhìn lại du lịch tỉnh Điện Biên 10 năm trước đây còn nhiều hạn chế, số lượng khách du lịch toàn tỉnh năm 2014 mới chỉ đạt 440.000 lượt, chỉ đạt 540 tỷ đồng. Đến năm 2023, Điện Biên thu hút được hơn 1 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 1.700 tỷ đồng. |
“Với những kết quả đạt được, ngành du lịch tỉnh Điện Biên đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2014, du lịch mới chỉ đóng góp khoảng 4,9% GRDP, con số này đã tăng lên 7% vào năm 2019 và 6,1% vào năm 2023. Với đà tăng trưởng tích cực này, ngành du lịch Điện Biên định hướng đến năm 2030 du lịch sẽ đóng góp hơn 10% GRDP và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” - PGS.TS. Bùi Văn Huyền chia sẻ. |
Cũng theo PGS.TS. Bùi Văn Huyền, du lịch phát triển đóng góp tích cực vào thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh Điện Biên theo hướng hiện đại và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong khối ngành dịch vụ, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Điện Biên theo hướng hiện đại. Năm 2014, cơ cấu khu vực dịch vụ chiếm 49,21% GRDP, trong đó, du lịch chiếm tỷ trọng 10,1% và năm 2023 cơ cấu khu vực dịch vụ là 57,7%, trong đó, du lịch chiếm tỷ trọng khoảng 10,6%. Không chỉ đóng góp trực tiếp vào khối ngành dịch vụ nói riêng và GRDP của tỉnh nói chung, du lịch còn có những đóng góp gián tiếp, tạo sức lan tỏa, động lực thúc đẩy các ngành thương mại, dịch vụ khác phát triển. Cụ thể như, cung cấp nông sản đầu vào cho các nhà hàng, khách sạn phục vụ khách du lịch; bán nông sản đặc sản cho khách du lịch, phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn; phát triển du lịch gắn với các làng nghề, sản xuất hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm, quà tặng bán cho khách du lịch; tiêu thụ hàng hóa bán lẻ phục vụ khách du lịch; vận tải hành khách và các ngành, lĩnh vực có liên quan khác phục vụ khách du lịch... |
Thực tế cho thấy, vượt lên những rào cản của một tỉnh khó khăn bậc nhất của cả nước, Điện Biên đang nỗ lực tạo nền tảng thu hút đầu tư nói chung và đầu tư du lịch nói riêng. Để tạo động lực cho du lịch Điện Biên, việc tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư, phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật ngành du lịch; khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, các trung tâm mua sắm, giải trí quy mô lớn tại các địa bàn trọng điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. |
Khẳng định tầm quan trọng trong việc lấy du lịch làm “bàn đạp” trong tổng thể phát triển kinh tế của tỉnh, tại Hội thảo khoa học quốc gia “Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững” trước đó, PGS.TS. Trần Quốc Cường - Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nhấn mạnh, Quy hoạch tỉnh Điện Biên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 109/QĐ-TTg ngày 27/01/2024 là cơ sở để tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn. “Đây là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, mở ra cánh cửa lớn thu hút đầu tư, nâng cao vị thế địa phương, sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng” – ông Cường nói. |
Cũng theo, Bí thư tỉnh uỷ Điện Biên, xác định du lịch lịch sử là khởi điểm và cũng là cầu nối để Điện Biên phát triển các loại hình du lịch khác, giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh đã đầu tư trên 5.000 tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, du lịch, dịch vụ, khách sạn, vui chơi giải trí. Đặc biệt, cuối năm 2023, Dự án đầu tư xây dựng, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên hoàn thành và đón các chuyến bay bằng máy bay hiện đại, cỡ lớn từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến, tạo đà đưa du lịch Điện Biên “cất cánh”. |
"Năm 2023 cũng là năm đầu tiên Điện Biên cán mốc đón 1 triệu lượt khách, tăng gần 25% so với năm 2022; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 1.750 tỷ đồng. Đây là tín hiệu đáng mừng, là tiền đề để tỉnh tạo đột phá trong năm tới, phấn đấu xây dựng Điện Biên thành một trong những trung tâm du lịch của vùng trung du và miền núi phía Bắc” - Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên cho hay. Đặc biệt, năm 2024, trên địa bàn tỉnh Điện Biên diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, của tỉnh, với gần 170 sự kiện lớn, nhất là kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, năm Du lịch quốc gia Điện Biên Phủ 2024. Theo Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, đây là cơ hội để tỉnh kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. |
Mặc dù phát triển du lịch tỉnh Điện Biên thời gian qua đã đạt được nhiều kết qủa tích cực, có đóng góp nhất định đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiềm năng du lịch lịch sử, du lịch văn hoá, du lịch sinh thái, trải nghiệm của Điện Biên là một lợi thế riêng có, song thực tế, vẫn còn ở dạng tiềm ẩn. |
Chỉ ra những khó khăn, thách thức hiện nay trên hành trình biến di sản thành tài sản trên vùng đất hoa lửa Điện Biên, PGS.TS. Bùi Văn Huyền nhấn mạnh, việc khai thác, phát huy giá trị các tiềm năng về du lịch tại Điện Biên vẫn chưa phát triển xứng tầm. Trong đó, có một số điểm vướng còn tồn tại và cần giải pháp tháo gỡ. Thứ nhất, các chỉ tiêu du lịch của Điện Biên tuy tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước nhưng vẫn còn rất thấp so với nhiều địa phương khác trong khu vực Tây Bắc. Khách du lịch quốc tế, đặc biệt là các phân khúc thị trường khách cao cấp, khách có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày còn hạn chế. Điều này cho thấy sức cạnh tranh và năng lực du lịch của Điện Biên còn khá yếu so với nhiều địa phương khác trong khu vực. Thứ hai, hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch của Điện Biên mặc dù đã được quan tâm, chú trọng phát triển trong thời gian qua, tuy nhiên, cơ bản vẫn còn nghèo nàn. Du lịch mới phát triển tập trung ở một vài khu vực trọng điểm. Đặc biệt, Điện Biên còn thiếu vắng những sản phẩm du lịch thực sự đẳng cấp, chất lượng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao. Thứ ba, hạ tầng giao thông kết nối cũng như hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của Điện Biên còn thiếu và yếu. Sân bay Điện Biên hiện chủ yếu kết nối với sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.Hồ Chí Minh); chưa mở rộng đường bay đến các sân bay khác trong cả nước. Điều này khiến Điện Biên bị hạn chế trong việc khai thác các thị trường khách đa dạng từ mọi miền. Thứ tư, Điện Biên là một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Vì thế, việc ưu tiên phân bổ nguồn lực từ ngân sách địa phương cho phát triển du lịch chưa nhiều; thực trạng liên kết phát triển du lịch giữa Điện Biên và khu vực Tây Bắc, Tây Bắc mở rộng, vùng trung du và miền núi phía Bắc chưa thực sự hiệu quả. Thứ năm, nguồn nhân lực du lịch cũng là vấn đề đặt ra đối với du lịch Điện Biên. Mặc dù ngành du lịch của tỉnh tạo việc làm cho hơn 14.000 người, tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Lực lượng lao động chủ yếu là người địa phương, lao động đã qua đào tạo, lao động có chuyên môn du lịch còn rất thấp. |
Nhằm tạo sự đột phá, đưa quy hoạch tỉnh Điện Biên vào thực tiễn, để du lịch Điện Biên thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn tạo động lực phát triển cho các ngành kinh tế khác và sự phát triển toàn diện của Điện Biên, xứng tầm khu vực trung du và miền núi phía Bắc, tại sự kiện Năm du lịch quốc gia lần thứ 20 với chủ đề “Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận” và lễ hội Hoa ban năm 2024, tại TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, Điện Biên cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ về quy hoạch, thu hút đầu tư nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt và đẳng cấp gắn kết với hệ sinh thái du lịch cộng đồng, nhằm khai thác giá trị hấp dẫn của đời sống lao động đầy sắc màu văn hóa. |
Đặc biệt, tỉnh cần chú trọng xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và bền vững. Thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển du lịch dựa vào hệ sinh thái; du lịch khám phá, trải nghiệm. Phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hóa để thúc đẩy kinh tế du lịch, lấy kinh tế du lịch làm nền tảng để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa. "Mỗi người dân cần trở thành một sứ giả về văn hóa, có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan bởi đó chính là nguồn sống của hôm nay và mai sau" - Phó Thủ tướng mong muốn. |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đề nghị, Điện Biên đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương, tạo thành chuỗi điểm đến từ “một cung đường - nhiều điểm đến”. Tỉnh phải chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch đặc biệt là trang bị kỹ năng, hình thành tư duy làm du lịch chuyên nghiệp cho đồng bào các dân tộc, bởi chính họ làm nên sức hút và sự đặc sắc của du lịch. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tin tưởng, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước; bằng sự năng động, sáng tạo, quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, du lịch Điện Biên sẽ trở thành điểm đến của "lịch sử, thiên nhiên, bản sắc văn hóa hàng đầu Việt Nam và khu vực". Du khách đến với Điện Biên sẽ có được những trải nghiệm khác biệt và đích thực vượt cả sự mong đợi với những cảm xúc đặc biệt trên mỗi hành trình, khám phá những nét đẹp của lịch sử, thiên nhiên, giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. |
Xem tiếp Bài 3: Định vị thương hiệu du lịch từ lối đi riêng |
Nội dung: HOA QUỲNH - ĐỖ NGA Đồ hoạ: HÀ HƯƠNG |