Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, Bắc Kạn đã trở thành một trong những tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP nhiều trong cả nước. Địa phương này cũng tích cực triển khai các giải pháp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. |
Đa dạng hoạt động tiêu thụ sản phẩm |
Là một trong những hộ nông dân đầu tiên của Ba Bể được hỗ trợ đưa sản phẩm bí xanh lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn để tiêu thụ, anh Đỗ Trung Hiếu (huyện Ba Bể, Bắc Kạn) đã tích cực tham gia buổi tập huấn do sàn thương mại điện tử này tổ chức. Sau khi tìm tòi và nghiên cứu thêm cách thức đưa nông sản của mình lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn sao cho nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng, anh Hiếu đã chủ động liên hệ với các kỹ thuật viên của sàn thương mại điện tử Postmart.vn để tìm những phương án tốt nhất trong việc giao nhận đơn hàng bí xanh thơm đến người tiêu dùng ở những tỉnh xa. Kết quả của những bước chuyển mình từ kinh doanh theo phương thức truyền thống sang kinh doanh trên sàn thương mại điện tử là hơn 2 tấn bí xanh thơm đã đến tay người tiêu dùng trên cả nước thông qua sàn Postmart.vn trong mùa vụ 2022. Anh Đỗ Trung Hiếu chia sẻ, nhờ việc tham gia vào kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, gia đình anh đã không còn phụ thuộc vào thương lái và bắt kịp với công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra từng ngày trên địa bàn tỉnh. Nhờ đưa bí xanh thơm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, gia đình có thêm được thu nhập trong mùa vụ vừa qua, qua đó mà cuộc sống bớt khó khăn và ổn định hơn. Ông Nghiêm Tuấn Anh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo - Truyền thông – Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, định hướng phát triển của sàn thương mại điện tử Postmart.vn sẽ chú trọng để bồi dưỡng các kỹ năng cho người bán, đặc biệt là những người bán là các hộ nông dân trên khắp cả nước. Đây là định hướng nằm trong tổng thể chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng các phương thức bán hàng qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn, trong đó có việc gắn các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP đưa lên sàn thương mại điện tử để từ đó có các sản phẩm nông nghiệp này đến với được nhiều người tiêu dùng trên khắp cả nước. Bắc Kạn là tỉnh miền núi có điều kiện tự nhiên và xã hội đa dạng, phong phú, đặc biệt với nhiều sản phẩm nông nghiệp truyền thống mang nét văn hóa riêng là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng hàng hóa, gia tăng giá trị. Với cơ cấu kinh tế 60% là nông lâm nghiệp, Bắc Kạn được cho là có nhiều lợi thế khi thực hiện đề án OCOP. Nhất là khi Bắc Kạn có rất nhiều những loại nông sản đặc trưng để phát triển thành hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường. Nhờ sự nỗ lực lớn, đến nay, Bắc Kạn là một trong những địa phương đi đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. |
Thời gian qua, Bắc Kạn đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm xúc tiến, quảng bá giúp đưa thương hiệu, sản phẩm OCOP có mặt trên nhiều thị trường trong, ngoài nước. Đặc biệt, sản phẩm miến dong Bắc Kạn đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Từ năm 2017 tới nay, Bắc Kạn tổ chức nhiều giải pháp hỗ trợ, hội nghị quảng bá, xúc tiến, kết nối qua đó giúp các hợp tác xã, tổ hợp tác tiêu thụ sản phẩm qua hệ thống các siêu thị lớn, đưa hàng trăm sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Các sản phẩm OCOP của Bắc Kạn đã tham gia rất nhiều kênh phân phối, giới thiệu quảng bá trên cả nước. Toàn bộ sản phẩm OCOP đều được tỉnh hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử VoSo và sàn thương mại điện tử Postmart. Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ các hợp tác xã và người nông dân tăng cường chất lượng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Miến dong Tài Hoan là sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia đầu tiên của tỉnh và được xuất khẩu, mở ra cơ hội lớn để HTX Tài Hoan (Na Rì) mở rộng liên kết xây dựng vùng trồng cây dong riềng chất lượng cao, đáp ứng nguyên liệu phục vụ chế biến. HTX đã liên kết với 500 hộ dân trồng 70ha dong riềng, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển cây trồng thế mạnh của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, ổn định, bền vững. Bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan cho biết, khi tham gia Chương trình OCOP, HTX đã được hỗ trợ chuẩn hóa vùng nguyên liệu, máy móc sản xuất hiện đại theo tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng nhãn hiệu, bao bì, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại, từ đó tạo niềm tin với người tiêu dùng. Sản phẩm sau khi được công nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia, việc tiêu thụ thuận lợi hơn rất nhiều, đủ điều kiện để bày bán tại các siêu thị, hệ thống phân phối lớn trong cả nước và xuất khẩu. Đặc biệt, Bắc Kạn đã mạnh dạn định hướng sản xuất sản phẩm OCOP xuất khẩu và bước đầu đạt thành tựu. Hai năm qua, Bắc Kạn đã tăng cường quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP ở thị trường trong nước và quốc tế; chủ động quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình OCOP ở các địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong Chương trình OCOP. Miến dong Tài Hoan được xuất khẩu thành công sang châu Âu là minh chứng rõ nét cho thành công của những nỗ lực đó. |
Phấn đấu có 2 sản phẩm đạt 5 sao |
Tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025 có từ 200 sản phẩm OCOP trở lên đạt 3 - 4 sao, trong đó có 02 sản phẩm trở lên đạt 5 sao. Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh Bắc Kạn sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, định hướng phát triển sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, Bắc Kạn đã tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp OCOP đã chủ động thay đổi từ khâu sản xuất cho đến khâu tiêu thụ. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng, triển khai dự án phát triển sản phẩm chủ lực cấp tỉnh theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, bảo đảm tiêu chuẩn cao và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu. Trong đó, tập trung phát triển các nhóm sản phẩm, như: rau, củ, quả đặc sản và sản phẩm chế biến từ rau, củ, quả; gạo và các sản phẩm từ gạo; chè và sản phẩm chế biến từ cây chè; sản phẩm từ cây dược liệu; du lịch sinh thái, trải nghiệm; du lịch cộng đồng... Để nâng cao chất lượng sản phẩm, tỉnh đặc biệt khuyến khích ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP tại cộng đồng. Ứng dụng công nghệ cao quy trình khép kín, tăng năng suất lao động và sản xuất, theo dõi quản lý chặt chẽ có hệ thống và ứng dụng công nghệ nhận diện thông minh đối với sản phẩm (tem điện tử phục vụ truy xuất nguồn gốc,…). Cùng với chiến lược thay đổi về công nghệ sản xuất, mẫu mã, việc xây dựng hệ thống quản lý thực hiện Chương trình OCOP cũng được tỉnh quan tâm. Tỉnh vận dụng cơ chế, chính sách hiện hành về hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại... để thúc đẩy phát triển sản xuất ở các cá nhân, tổ chức kinh tế tham gia OCOP. Công tác xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP cũng được triển khai tích cực. Tỉnh chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP tiếp cận với nguồn vốn khuyến công; hỗ trợ các chủ thể kinh tế, hộ sản xuất xây dựng cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn theo quy định; tổ chức, quản lý, điều phối các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh. Thời gian tới các địa phương và ngành chức năng xác định tiếp tục lựa chọn những sản phẩm có ưu thế để đầu tư phát triển, không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng, mẫu mã của sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, HTX mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, gắn với bảo vệ môi trường. Tập trung tìm đầu ra cho sản phẩm, nhất là đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị lớn, đồng thời tăng cường quảng bá để các thị trường trong và ngoài tỉnh biết, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, Bắc Kạn tập trung củng cố, phát triển nâng hạng các sản phẩm; đưa các sản phẩm thế mạnh lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Voso.vn của Tổng công ty CP bưu chính Viettel. Bắc Kạn giao các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn phối hợp Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Bắc Kạn, các sàn thương mại điện tử tổ chức phổ biến, tập huấn, đào tạo kỹ năng số cho người dân; hỗ trợ kết nối, hướng dẫn tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử. |
Gắn phát triển sản phẩm với du lịch |
Bên cạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Bắc Kạn còn tập trung phát triển sản phẩm OCOP du lịch, năm 2021 trên địa bàn tỉnh có 02 mô hình du lịch cộng đồng được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP đó là: Ba Bể green homestay và Quỳnh Mai homestay. Điều này đã mở ra hướng tiếp cận mới trong việc tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của vùng hồ Ba Bể. |
Khách du lịch còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm giã bánh giầy, làm bánh trôi, xôi ngũ sắc với người dân bản địa; tìm hiểu truyền thống nhuộm vải, dệt vải, đánh bắt cá trên hồ của đồng bào dân tộc Tày, Nùng nơi đây. Vào mùa cao điểm du lịch, các cơ sở này đã tiếp đón hàng trăm lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng và tham gia các hoạt động trải nghiệm tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực, phong tục tập quán với người dân địa phương. Thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn xác định sẽ khuyến khích phát triển chuỗi sản phẩm OCOP du lịch, xây dựng điểm bán các sản phẩm OCOP tại nhà dân, tại các cơ sở homestay để phục vụ du khách khi tham quan tour du lịch trải nghiệm tại địa phương... |
Phương Lan - Linh Chi
|