Tỉnh Bắc Giang phấn đấu hết năm 2025, có ít nhất 310 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (mỗi năm có khoảng 30-35 sản phẩm), trong đó khoảng 1-2 sản phẩm OCOP đạt 5 sao cấp quốc gia. ------- |
Cuối năm 2018, Bắc Giang chính thức triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Với nguồn nông sản dồi dào, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời người dân nên chương trình đã thu hút ngày càng nhiều chủ thể tham gia. Đến nay, toàn tỉnh đã có 253 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên, đưa Bắc Giang xếp thứ 2 khu vực Trung du Miền núi phía Bắc, thuộc tốp đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, trong đó đã có 10 sản phẩm được xuất khẩu, 56 sản phẩm vào chuỗi cửa hàng, siêu thị; doanh thu các sản phẩm OCOP đạt trên 626 tỷ đồng, mang lại giá trị kinh tế cao cho các chủ thể, người nông dân. Tỉnh Bắc Giang phấn đấu hết năm 2025, có ít nhất 310 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (mỗi năm có khoảng 30-35 sản phẩm), trong đó khoảng 1-2 sản phẩm OCOP đạt 5 sao cấp quốc gia; đến năm 2030 có khoảng 350 sản phẩm OCOP. Nhằm đạt được mục tiêu, mới đây, UBND Bắc Giang đã ban hành quyết định về việc phê duyệt danh sách hỗ trợ các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang năm 2023 (đợt 2). Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ 6 chủ thể xây dựng và đăng ký nhãn hiệu, bao gồm: Hộ kinh doanh Trần Quốc Hương (TP. Bắc Giang); Hợp tác xã sản xuất và thương mại Huy Linh; Hợp tác xã nông sản Thành Phát Lục Ngạn; hộ kinh doanh Vũ Trung Hiếu (huyện Lục Ngạn); Hợp tác xã Nông nghiệp Hạ Sơn; Hợp tác xã Cường Nhung (huyện Yên Thế), mỗi nhãn hiệu được hỗ trợ 20 triệu đồng. |
Bên cạnh đó, hỗ trợ chi phí bao bì, in tem cho 29 sản phẩm; trong đó, hỗ trợ 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao 100 triệu đồng/sản phẩm, 2 sản phẩm 4 sao 50 triệu đồng/sản phẩm, 25 sản phẩm 3 sao 30 triệu đồng/sản phẩm. Các sản phẩm được hỗ trợ bao gồm: Sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao (Vải thiều nước đường, Long nhãn nước đường); sản phẩm 4 sao (Giáp Tửu Tây Yên Tử, Mỳ gạo Lục Ngạn); sản phẩm 3 sao (Bánh Quế Ông Phú, Bún tươi sạch, Bánh cốm Đa Mai, Bánh Phu thê Đa Mai, Bánh Nướng cô tiên Huyền Barkery, Bánh Dẻo cô tiên Huyền Barkery, Bánh khảo Tiến Lợi, Bánh chả Tiến Lợi, Giò mỡ mo cau truyền thống, Giò tai nấm, Thịt lợn sạch, Giò lụa, Chả lụa, ruốc nấm hương, Pate nấm, Giò lụa nấm, Vải thiều An Tín, Vải thiều sấy khô Huy Linh, Sâm nam mật lục, Nem ngựa Hiếu Thu, Mỳ Chũ số 1, Mật ong Đèo Uỷnh, Dầu lạc Cường Nhung, Dầu lạc Đại An, Mật ong Nội - Hoa nhãn, Trà cà gai leo túi lọc, Trà củ sen). Tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu, chi phí hỗ trợ chi phí bao bì, in tem sản phẩm năm 2023 (đợt 2) là 2,22 tỷ đồng. Đánh giá về Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thời gian qua, ông Nguyễn Thái Trường - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang - cho biết: Chương trình đã tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, có sức lan tỏa lớn, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn trong tỉnh. |
Qua thống kê sơ bộ giai đoạn 2019-2022 của tỉnh Bắc Giang, những sản phẩm được gắn sao, doanh thu tăng bình quân 15% so với sản phẩm thông thường, trong đó doanh thu bình quân của các sản phẩm 4 sao đạt 4,3 tỷ đồng/sản phẩm/năm, sản phẩm 3 sao đạt 2,8 tỷ đồng/sản phẩm/năm. Ghi nhận tại cơ sở sản xuất nấm của gia đình anh Nguyễn Văn Trình (thôn Tây, xã Tiên Lục, Lạng Giang) cho thấy, từ khi sản phẩm nấm rơm được công nhận OCOP 3 sao (năm 2021), việc tiêu thụ thuận lợi hơn và có doanh nghiệp cam kết bao tiêu. Để nâng sao cho sản phẩm, đầu năm nay, gia đình anh Trình đã đầu tư 1,5 tỷ đồng mua 2 lò sấy nấm rơm khô và đang có kế hoạch lắp đặt dây chuyền chế biến món chay từ nấm rơm. Hay tại Hợp tác xã rau sạch Yên Dũng, những năm 2017-2018, khi chưa có thương hiệu, chưa được chứng nhận OCOP, có thời điểm dưa chuột chỉ bán với giá từ 1.000-2.000 đồng. Khi triển khai Chương trình OCOP, hợp tác xã được hỗ trợ về bao bì, nhãn mác, được ngành nông nghiệp hỗ trợ tham gia các đề tài của tỉnh. Khi đạt được chứng nhận OCOP, giá trị sản phẩm được nâng cao, dễ tiêu thụ hơn, hợp tác xã đẩy mạnh trồng dưa chuột quanh năm, bán tại vườn từ 20.000-26.000 đồng/kg. |
Thực hiện chương trình OCOP, đến nay, hợp tác xã đã có 5 sản phẩm được công nhận đạt OCOP chuẩn 3 sao, 4 sao gồm: Dưa lưới, dưa baby, Dưa Kim Hoàng Hậu, Dưa lê, Dưa lê Hàn Quốc… Ông Lưu Xuân Kiên - Giám đốc Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng - cho biết: “Trong thời gian tới, hợp tác xã chúng tôi sẽ mời những chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp đến để tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật, chuyển giao công nghệ tiên tiến mới nhất, áp dụng vào sản xuất của đơn vị”. Hiện nay, các sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang đều có đầy đủ những minh chứng rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng như ISO 22000; HACCP; GMP; VietGap; Global Gap… có khả năng đáp ứng được yêu cầu của các thị trường lớn và hướng tới xuất khẩu. Một số sản phẩm OCOP thế mạnh của tỉnh có khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn và đã có hoạt động xuất khẩu sang thị trường các nước, như: Sản phẩm của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu VIFOCO xuất khẩu sang thị trường Đức; sản phẩm của Công ty cổ phần XNK thực phẩm Toàn Cầu xuất khẩu sang thị trường Pháp; đặc biệt vải thiều đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia… |
Để phát triển và lan tỏa Chương trình OCOP trên khắp địa bàn tỉnh, những năm qua, Bắc Giang đã tăng cường hỗ trợ tập huấn nâng cao nhận thức cho các chủ thể tham gia chương trình. Tỉnh cũng đã vận dụng cơ chế, chính sách khác nhau hỗ trợ chủ thể sản xuất bổ sung các nội dung khác về chất lượng, bao bì, nhãn mác, đảm bảo theo yêu cầu của bộ tiêu chí phân hạng các sản phẩm OCOP. Từ đó thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển sản phẩm lợi thế của địa phương. Hướng chủ thể phát triển sản phẩm của địa phương với niềm tự hào với quê hương, bản xứ. Cùng với đó, tiếp tục củng cố, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế, có khả năng cạnh tranh theo hướng liên kết sản xuất. Đặc biệt, phát huy lợi thế vốn có là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội với 27 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận, khoảng gần 60 sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng và hàng trăm sản phẩm địa phương. |
Với những kết quả đạt được, Chương trình OCOP tại tỉnh Bắc Giang đã và đang tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp không chỉ ở những vùng thuận lợi mà cả ở vùng sâu, vùng xa, có sức lan tỏa lớn, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng đều là sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu và đại diện cho văn hóa, tập quán, thế mạnh sản xuất của mỗi vùng, mỗi địa phương trong tỉnh; được chủ thể chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển đa dạng; hoàn thiện các thủ tục tem nhãn, bao bì, nguồn gốc xuất sứ và các yêu cầu khác theo quy định. Tuy nhiên trên thực tế quá trình triển khai sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm OCOP cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ: Hoạt động sản xuất các sản phẩm chủ lực tại hầu hết địa phương trong tỉnh vẫn mang tính tự phát, thủ công, chưa sản xuất được nhiều, chất lượng, quy cách mẫu mã sản phẩm hạn chế, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhưng đa phần mới chỉ đạt ở cấp độ 3 sao (mức trung bình). Bên cạnh đó, nhận thức của một số cán bộ, người dân về thực hiện Chương trình OCOP còn hạn chế; việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp để phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết, giá trị còn thấp. Hơn thế, các sản phẩm tham gia chương trình là sản phẩm chủ lực mang tính đặc trưng ở mỗi địa phương… Vì vậy, nhằm khơi dậy tiềm năng, phát triển mạnh sản phẩm đã có, thời gian tới, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang tiếp tục hướng dẫn các địa phương tập trung phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nhằm thu hút du khách; đồng thời quảng bá hoạt động du lịch, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP của tỉnh. |
Triển khai thực hiện từ 1-3 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế... Cùng với đó, tăng cường xây dựng và hoàn thiện các chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường Bắc Giang cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội hiểu được mục đích, ý nghĩa của chương trình. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Thực hiện đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ và chủ thể sản xuất tham gia. Triển khai thực hiện các cơ chế chính sách của trung ương và của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn. Tập trung hướng dẫn thành lập mới, củng cố, phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm OCOP; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình triển khai, thực hiện và quản lý sản phẩm chương trình OCOP sau khi được chứng nhận. |
Thực hiện: Thanh Tâm - Nhật Khôi |