Ông Phạm Đức Chinh, quyền Cục trưởng QLTT kiêm Phó Ban chỉ đạo 389 tỉnh Long An đánh giá như vậy về tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu trên địa bàn tỉnh Long An trong thời gian gần đây.
Ban chỉ đạo 389 tỉnh Long An đánh giá, từ đầu năm đến nay các cơ quan chống buôn lậu tỉnh Long An đã bắt giữ nhiều vụ nhập lậu mặt hàng điện lạnh, điện gia dụng đã qua sử dụng, thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu. Ngày 1/6, tại khu vực biên giới Bình Hiệp, tỉnh Long An, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã bắt giữ hai xe tải đang vận chuyển số lượng lớn hàng cấm nhập khẩu. Qua kiểm tra phát hiện hàng hoá gồm 185 kiện quần áo cũ, 220 dàn nóng và 222 dàn lạnh máy điều hòa đã qua sử dụng, thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu. Tại thời điểm kiểm tra, tái xế không xuất trình được chứng từ liên quan đến hàng hoá.
Các cơ quan chức năng mới đây đã phát hiện xe tải biển kiểm soát 51C-49881 đi từ hướng biên giới huyện Vĩnh Hưng qua khu vực cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp vận chuyển hàng trái phép từ Campuchia vào Việt Nam. Hàng trăm đơn vị máy điều hòa thuộc các thương hiệu nổi tiếng do Nhật Bản sản xuất đã qua sử dụng nhập lậu, tài xế khai chở thuê về quận 12, TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Mặt hàng điện lạnh cũ, thuộc danh mục cấm nhập khẩu đã bị cơ quan chức năng tỉnh Long An bắt giữ |
Trước đó, ngày 12/4, trên tuyến quốc lộ 62, xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, Cảnh sát giao thông tỉnh Long An đã bắt giữ xe tải vận chuyển 54 bộ máy điều hòa, 27 nồi cơm điện, 4 máy massage, 5 âm ly (đã qua sử dụng). Ngoài hàng cấm, công an còn phát hiện 156 sản phẩm sữa các loại, 101 chai thực phẩm chức năng, 156 chai mỹ phẩm nhập khẩu trái phép, tổng trị giá khoảng 200 triệu đồng. Ngày 4/4, tại xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, lực lượng QLTT tỉnh Long An đã bắt giữ xe tải vận chuyển 230 cục nóng, 226 cục lạnh máy điều hòa, 270 CPU máy tính, 5 ghế massage, 20 chiếc loa (đã qua sử dụng). Hàng hóa bị tạm giữ đều nhập lậu, trị giá tang vật vi phạm khoảng 600 triệu đồng.
Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An, hàng hóa nhập lậu qua biên giới tỉnh Long An gần đây không chỉ có thuốc lá, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép đã qua sử dụng mà còn có cả ma túy và nhiều vụ vận chuyển ma túy số lượng lớn đã được triệt phá. Đơn cử, ngày 12/5, tại khu vực ấp Bình Châu, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, cơ quan chức năng đã bắt giữ Trương Quốc Cường, sinh năm 1978, ngụ ấp Gò Châu Mai, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An điều kiển xe ô tô biển kiểm soát 51F-310.13 vận chuyển 57kg ma túy tổng hợp và 20 bánh heroin (trọng lượng khoảng 7kg). Trước đó, cuối tháng 2/2019, một đối tượng vận chuyển hơn 6kg ma túy đã bị Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây bắt giữ.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, các lực lượng 389 Long An đã phát hiện và xử lý 1.459 vụ vi phạm. Trong đó có 426 vi phạm về kinh doanh, vận chuyển hàng lậu; 10 vụ hàng kém chất lượng; 9 vụ hàng giả nhãn hiệu; 1.013 vụ vi phạm về gian lận thương mại. Đã tạm giữ 696.990 gói thuốc lá ngoại, 12.500kg đường cát; 261 xe gắn máy và 48 xe ô tô là phương tiện vận chuyển hàng lậu. Ngoài hàng cấm, hàng nhập lậu đã bị tạm giữ, cơ quan chức năng còn điều tra khởi tố 21 vụ án với 25 đối tượng vi phạm, hành vi vi phạm của các đối tượng chủ yếu là vận chuyển, buôn bán hàng cấm và hàng nhập lậu.
Ông Phạm Đức Chinh, quyền Cục trưởng QLTT kiêm Phó Ban chỉ đạo 389 tỉnh Long An cho rằng, mặc dù các lực lượng chức năng tăng cường đấu tranh, ngăn chặn nhưng hoạt động buôn lậu trên tuyến biên giới ở Long An vẫn diễn ra. Nguyên nhân là do các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, cho người đeo bám các lực lượng chống buôn lậu và thường hoạt động chủ yếu vào ban đêm, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc ngăn chặn, bắt giữ.
Để ngăn chặn hàng cấm nhập lậu qua biên giới, ông Chinh cho biết, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An đã yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát các điểm, kho bãi, tuyến đường trọng điểm ở khu vực biên giới. Các lực lượng cần phối kết hợp trong việc chia sẻ thông tin về đường dây, ổ nhóm, đối tượng cầm đầu buôn lậu để ngăn chặn hàng cấm, hàng nhập lậu từ đầu nguồn. Bên cạnh đó, các lực lượng cần phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn hội để tuyên truyền đến cộng đồng không tiếp tay cho hoạt động buôn lậu và tham gia tiêu thụ hàng nhập lậu.