Chợ phiên làng chài Tân Thành diễn ra trên tuyến đường Nguyễn Phan Vinh, khối phố Tân Thành, phường Cẩm An, TP. Hội An, nơi có bãi biển Tân Thành giáp biển An Bàng nổi tiếng. Điều khác biệt nhất ở chợ phiên này đó là cách quản lý chợ bằng chia nhỏ người bán hàng thành 10 nhóm về cho từng "nhà" là các doanh nghiệp “sáng lập” để quản lý và hỗ trợ.
Chính vì vậy, hàng hóa bán được lựa chọn kỹ càng, các quầy được trang trí chuyên nghiệp, tác phong thương mại theo đúng tính chất du lịch. Các trang thiết bị phục vụ chợ cũng không phải đầu tư, mua sắm do cơ sở nào cũng sẵn có. Mỗi thành viên “sáng lập” này cũng được giao đảm trách 1 “tiểu ban” mà mình có thế mạnh trong các hoạt động của chợ.
Phiên chợ làng chài Tân Thành sớm thu hút sự quan tâm của người dân, du khách |
Được biết, chỉ trong vài tuần từ khi “nhóm sáng tạo” bàn thảo ý tưởng ban đầu, trong điều kiện dịch bệnh và ảnh hưởng của cơn bão số 5 đổ bộ vào miền Trung, nhưng ban tổ chức đã huy động được gần 100 gian hàng, tập trung chủ yếu ở các sản phẩm, dịch vụ theo đúng tiêu chí của chợ, đó là đồ cũ, đồ thanh lý, đồ sưu tầm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ hand made, đặc sản truyền thống địa phương, hàng nông, thổ hải sản của bà con làng chài đánh bắt và nuôi, trồng.
Tại phiên chợ chợ cũng có những quầy ẩm thực, bán đồ ăn, uống, các loại bánh, chè nổi tiếng của Hội An. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều các hoạt động văn hóa, thể thao đường phố, từ ca Bài chòi, hát Hò khoan Quảng Nam đến biểu diễn ghi ta, nhẩy zumba, các trò chơi dân gian, giao lưu tiếng Anh với người nước ngoài.
Trong bối cảnh buộc phải xoay sở tìm nhiều cách để vượt "bão" Covid-19, các doanh nghiệp tham gia thực hiện phiên chợ bày tỏ, đây là một cách làm sáng tạo giúp khách sạn - nhà hàng giải quyết bài toán đầu ra cho nhiều mặt hàng tồn kho. Những món đồ trang trí còn thừa, đồ cũ cần thanh lý sẽ được về tay người đang có nhu cầu sử dụng với mức giá hữu nghị. Và chính doanh nghiệp cũng có được một nguồn thu để trang trải cho các khoản chi phí cần thiết; góp phần bù đắp thiệt hại mà doanh nghiệp du lịch, dịch vụ đang phải hứng chịu do dịch Covid-19 và thời tiết bất lợi gây ra.
Các sản phẩm không dùng tới của các cơ sở lưu trú tại phiên chợ |
Không chỉ du khách, doanh nghiệp hào hứng với phiên chợ làng chài, mà ngay ngày đầu khai mạc phiên chợ, đại diện Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và các cấp chính quyền TP. Hội An đánh giá rất cao và cam kết hỗ trợ hết mình để tạo dựng thành một điểm đến văn hoá mới, gắn với du lịch biển, góp phần giảm tải áp lực lên khu phố cổ.
Vì vậy, ngay sau phiên khai mạc, chính quyền TP. Hội An đã cho phép kéo dài thời gian tổ chức phiên chợ từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối thay vì 6 giờ như trước. Động thái này được bà con, doanh nghiệp Hội An rất ủng hộ, với hy vọng sớm hồi phục của du lịch Hội An hậu dịch Covid-19.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam - cho hay, phiên chợ là một trong những hoạt động tái kích cầu du lịch hậu Covid-19, khởi động lại du lịch Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung. Đồng thời tạo ra một sản phẩm du lịch mới trước là phục vụ khách nội địa, sau đó sẽ triển khai để chào đón khách quốc tế quay lại khi dịch bệnh được kiểm soát. Trước mắt, chợ phiên sẽ tổ chức vào thứ 7 hàng tuần và thử nghiệm trong 3 tháng để xem hiệu quả, phản ứng của du khách.
Sản phẩm làng chài tại phiên chợ |
Được biết, nhờ sự mới lạ, độc đáo, chợ phiên Tân Thành đang nhận được sự quan tâm của các thương hiệu lớn tại địa phương như: Công viên Ấn tượng Hội An với những show diễn mini trên đường phố vô cùng đặc sắc, nhà may Miss Hội An với màn trình diễn áo dài góp phần làm nên sắc màu văn hoá có một không hai của chợ phiên Tân Thành.
Biểu diễn nghệ thuật tạo thêm không khí sôi động cho phiên chợ |
Mô hình độc đáo phiên chợ làng chài được kỳ vọng sẽ là nơi gắn kết các giá trị văn hóa cốt lõi của cộng đồng |
Là trọng điểm du lịch của Việt Nam, nhưng năm 2020, lượng khách và thu nhập xã hội từ du lịch của tỉnh Quảng Nam đang bị sụt giảm mạnh do dịch Covid-19. Vì vậy, cùng với ngành du lịch cả nước, tỉnh Quảng Nam đang tăng tốc triển khai các giải pháp tái kích cầu du lịch nội địa giai đoạn hai nhằm sớm khôi phục thị trường khách du lịch, đồng thời xác định hướng đi bền vững cho du lịch Quảng Nam hậu Covid-19. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Quảng Nam từng nhận định du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm về văn hóa, lịch sử và sự kiện sẽ là những sản phẩm có khả năng lấy lại sự phục hồi cho ngành du lịch địa phương giai đoạn trước mắt.
Đặc biệt, với nhận thức rằng, đại dịch đã gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế du lịch nhưng cũng là tạo cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp nhìn lại chặng đường hoạt động đã qua, đánh giá lại khả năng của mình để bước vào “sân chơi” lớn hơn nhằm cơ cấu lại ngành và tìm hướng đi cho du lịch xanh, bền vững. Theo đó, đánh giá về phiên chợ làng chài Tân Thành, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An - cho rằng, đây không đơn thuần mang ý nghĩa một hoạt động kinh doanh, mang lại giá trị kinh tế mà xa hơn là nơi để gắn kết các giá trị văn hóa cốt lõi của cộng đồng, mang lại giá trị cộng thêm cho du khách khi đến với Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung trong thời gian tới.