Mặc dù Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định sách giáo khoa biên soạn mới hoàn toàn dùng lại được nhưng sự thật đằng sau đó là những câu chuyện với những“góc khuất”mà ít người biết đến.
“Trăm dâu đổ đầu tằm”
443.000 đồng là số tiền mà chị Nguyễn Thị Trang có con đang học ở Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (Quận Ba Đình, Hà Nội) vừa nộp cho cô giáo để đăng ký mua bộ sách giáo khoa lớp 4 và đồ dùng học tập đi kèm.
Với thu nhập hai vợ chồng làm viên chức chưa đến 20 triệu đồng/tháng thì khoản mua sách giáo khoa và đồng phục cho hai đứa con (một cháu cấp 3, một cháu cấp 1) quả thật không hề dễ dàng đối với gia đình chị Trang. Chưa kể chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao. “Trăm khoản chi phí trong gia đình đều nhìn vào tiền lương của hai vợ chồng”, chị Trang chia sẻ.
Khi hỏi vì sao chị không mua ngoài hiệu sách mà lựa chọn mua qua trường, chị Trang cho biết “Có quá nhiều loại sách cho một chương trình tôi không biết sách nào sẽ được nhà trường sử dụng. Để tránh mua nhầm sách dẫn đến mất tiền thôi thì đăng ký mua qua trường là yên tâm nhất”.
Còn đối với gia đình chị Nguyễn Thị Hà, xã Tiên Lục (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), với gần 3 sào ruộng được trồng lúa và rau, mọi thu nhập của gia đình tôi đều trông chờ vào đó. Năm nay mưa nhiều, hoa màu bị sâu bệnh nên chi phí trồng, chăm sóc cao. Với số tiền gần 440 nghìn cho một bộ sách giáo khoa lớp 8 quả thực là quá cao so với thu nhập của gia đình tôi”.
“Ngày trước thế hệ chúng tôi đi học, cứ vào đầu năm học là được mượn sách giáo khoa, và các thày cô giáo luôn yêu cầu các em học sinh sau khi nhận sách phải bọc bìa cẩn thận, dùng sách phải giữ gìn không được vẽ bẩn lên sách. Giờ thì năm nào cũng phải mua sách cho con, có sách cũ của các anh, chị để lại cũng không dùng được”, chị Hà chia sẻ.
Lời mở đầu của những cuốn sách giáo khoa được xuất bản từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ảnh Internet |
Ngày 25.5 vừa qua, trong phiên thảo luận tại tổ về kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã khẳng định: “Các sách theo bộ mới biên soạn là hoàn toàn dùng lại được chứ không phải là sách dùng một lần”.
Ông Sơn cũng cho hay, chương trình thay sách làm theo hình thức cuốn chiếu, mỗi năm làm một vài cấp học nên mất nhiều năm mới thay xong.
Cụ thể, giai đoạn này thay lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 7, lớp 10, còn năm tới là lớp 4, lớp 8 và lớp 11, như vậy, năm nào cũng có nhiệm vụ thay sách thì đương nhiên sách cũ sẽ không dùng được cho năm mới.
Có lẽ phải chờ thêm nhiều năm nữa “mới thay xong” như vị Tư lệnh ngành giáo dục nói, và trong thời gian chờ đợi các em học sinh vẫn phải chấp nhận cảnh năm nào cũng mua sách giáo khoa mới. Đó còn chưa kể đến “thời gian có thể chậm hơn nữa” bởi những rủi ro trong quá trình biên soạn có thể xảy ra sai sót như trường hợp bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Cánh diều năm 2020.
Hiện những cuốn sách giáo khoa mẫu cũ trong khi chờ thay bản mới sẽ vẫn được xuất bản cho những năm học tới. “Và chắc chắn rằng năm học tới khi mà con tôi lên lớp 4 thì sách giáo khoa dùng xong sẽ không thể sử dụng lại cho năm học sau được”, chị Trang khẳng định.
Việc quyên tặng sách cũ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có tiền mua sách (như những thế hệ trước đã làm) sẽ khó thực hiện được.
Trông chờ những tấm lòng từ thiện
Cứ mỗi khi chuẩn bị bước vào năm học, những cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Lũng Cú (Hà Giang) lại cùng với các thày cô giáo của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Ma Lé (Đồng Văn-Hà Giang) đi tìm kiếm các nguồn tài trợ, liên hệ với các nhà hảo tâm để quyên góp, ủng hộ sách hoặc tiền mua sách giáo khoa cho các em học sinh ở đây.
Thiếu tá Hà Văn Đô, Chính trị viên Đồn biên phòng Lũng Cú chia sẻ: “Ma Lé là xã đặc biệt khó khăn, nên mỗi khi vào năm học mới cùng với việc đi vận động các gia đình tiếp tục cho con em đến lớp thì việc làm sao có đủ sách giáo khoa cho các em học cũng là một vấn đề trăn trở của chúng tôi cùng với các thày cô giáo nơi đây. Mọi cái hầu như phải “trông chờ vào những tấm lòng từ thiện”, mà sách giáo khoa thì năm nào cũng phải mua mới chứ không như trước kia, một bộ sách có thể dùng nhiều năm”.
Các em học sinh ở Ma Lé đa phần đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn, có những em mồ côi cả cha lẫn mẹ, cho nên được đi học và đến trường là cả một sự nỗ lực của bản thân các em cùng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương. Năm học nào quyên góp được nhiều các thày cô giáo ở đây có thể mua cho mỗi em một bộ sách giáo khoa, thêm vài quyển vở hay cái áo khoác cho mùa đông, nếu không đủ các thày cô sẽ phô-tô thành nhiều bản để không học sinh nào bị thiếu sách.
Không đủ tiền mua sách giáo khoa là thực trạng của các em học sinh nghèo vùng cao. Ảnh Thu Hường |
Cũng theo Thiếu tá Hà Văn Đô chia sẻ, năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sách giáo khoa về các địa phương bị chậm, công tác tổ chức kêu gọi quyên góp của cộng đồng xã hội cũng gặp khó khăn, tuy nhiên nhờ một nhà báo giúp đỡ, chúng tôi đã có một bộ sách điện tử từ lớp 3 cho đến lớp 8 để các thày giáo và các em học sinh sử dụng tạm thời.
Sách điện tử được coi là “cứu cánh” cho học sinh nghèo vùng cao như Hà Giang, nơi mà tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 ở địa phương này vẫn chiếm đến trên 22% và riêng ở Đồng Văn là 42%. Hiện một bộ sách giáo khoa có giá trung bình từ gần hai trăm ngàn lên đến hơn bốn trăm ngàn bao gồm cả đồ dùng học tập đi kèm, đây là một khoản tiền không hề nhỏ đối với nhiều hộ gia đình đặc biệt là các hộ gia đình đồng bào dân tộc ở Hà Giang.
Thực trạng sách giáo khoa chỉ sử dụng một năm rồi bỏ hoặc bán đồng nát tồn tại trong thời gian gần đây cho thấy sự lãng phí trong việc sử dụng sách giáo khoa, cho thấy việc biên soạn sách giáo khoa có vấn đề.
Bên cạnh đó, nhiều sách giáo khoa thiết kế kiểu các bài tập tự luận, trắc nghiệm, khi làm bài học sinh sẽ làm trực tiếp vào sách giáo khoa nên sẽ không dùng lại được.
Có ý kiến cho rằng, để tăng cường ứng dụng công nghệ số, tiết kiệm, đa dạng nguồn sách giáo khoa thì nên tăng cường sử dụng sách giáo khoa điện tử cho các cấp học, bậc học. Phụ huynh học sinh được toàn quyền lựa chọn và sử dụng sách bản giấy, bản điện tử hoặc in ra từ trang web một cách phù hợp, tiết kiệm.
Kinh nghiệm từ Mỹ
Mỹ là một quốc gia giàu có, là một cường quốc về quân sự và kinh tế, tuy nhiên tại Mỹ các bang có hai cách lựa chọn sách giáo khoa (Textbooks) sử dụng trong nhà trường. Theo dịch giả Ngô Thái Bình cho biết: “Tại Mỹ có 30 bang cho phép các cơ quan quản lý địa phương hoặc nhà trường quyết định việc chọn sách; 20 bang còn lại và 3 vùng lãnh thổ quyền chọn sách là ở cấp bang. Trong khi đó, 42 bang và Washington D.C, cùng 3 vùng lãnh thổ cung cấp sách giáo khoa miễn phí cho học sinh. Tuy nhiên, nếu sách bị làm hỏng hay mất do cẩu thả có thể phải đền bù, có bang lại có chính sách miễn phí cho học sinh không có tiền trả”.
Chính sách cung cấp sách giáo khoa miễn phí tại Mỹ cho học sinh. Ảnh.Internet |
Lý do sách giáo khoa được miễn phí ở Mỹ là vì Luật bắt buộc phổ cập giáo dục phổ thông. Luật cũng bắt buộc trường công phải cung cấp sách giáo khoa miễn phí cho học sinh và các đồ dùng học tập khác. Sách giáo khoa là do nhà trường bỏ tiền ra mua.
Cũng theo dịch giả Ngô Thái Bình thì Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng chính sách sách giáo khoa sử dụng nhiều năm và miễn phí. Giàu như Mỹ mà sách còn dùng lại, sao Việt Nam lại không? Không thể vì lợi ích kinh doanh sách mà chất gánh nặng lên phụ huynh học sinh và bằng ngân sách giáo dục.
“Nhà in sách tất nhiên là những nhà kinh doanh, sách giáo khoa cũng không hề rẻ. Nhà trường tiêu tiền ngân sách phải tự cân đối khi mua và có quy định giữ gìn sách. Sách cho sinh viên đại học thường rẻ hơn sách phổ thông vì sinh viên phải bỏ tiền ra mua”, ông Ngô Thái Bình chia sẻ.
Không chỉ Mỹ mà nước láng giềng Mexico cũng có chính sách cung cấp sách giáo khoa miễn phí. Ngoài ra, các bản mềm PDF của sách cũng được cung cấp tự do, thuận tiện cho học sinh tiếp cận sách bất cứ lúc nào và ở đâu.