Chỉ số hoạt động logistics của Việt Nam hiện xếp thứ 39/160 quốc gia, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới và xếp thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là thứ hạng cao nhất của Việt Nam từng đạt được.
Với việc kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2021 đã vượt qua mốc 600 tỷ USD, Việt Nam tiếp tục là cái tên sáng giá trên bản đồ thương mại thế giới. Nhưng những gì diễn ra trong năm 2021 cũng còn cho thấy, để tiếp tục củng cố vị thế cường quốc xuất khẩu, Việt Nam cần có những chuyển biến về chất trên một địa hạt “song sinh” với xuất khẩu là logistics.
Câu chuyện mắc kẹt của một con tàu hàng Ever Given trên kênh đào Suez cùng mức tăng chóng mặt của giá thuê container cũng như cơn khát “công” rỗng đã cho thấy tính nhạy cảm của lĩnh vực này.
Việt Nam cần phát triển mạnh logistics để tăng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu |
Xa hơn nữa là câu chuyện để vững đà xuất khẩu từ trong nước ra tới cửa khẩu, doanh nghiệp logistics Việt Nam cần tính câu chuyện đường xa, không chỉ góp phần hỗ trợ hàng xuất khẩu nâng cao tính cạnh tranh mà còn góp phần khẳng định có một “hub logistics” Việt Nam sáng giá trên bản đồ logistics thế giới.
Thậm chí có thể nhìn nhận rằng, những mục tiêu này cũng chính là câu chuyện thời sự của doanh nghiệp logistics Việt Nam, giải quyết được sớm chừng nào là hay chừng ấy.
Nhiều chuyên gia cho rằng, những khó khăn trên có thể còn kéo dài, buộc doanh nghiệp logistics phải thay đổi tư duy hoạt động. Một trong những thay đổi như thế là thay vì phải để doanh nghiệp trong nước đi thuê tàu nước ngoài hay doanh nghiệp logisctics cho thuê tàu, tại sao không tính đến việc tổ chức đội tàu từ Việt Nam đi. Cùng đó cần chủ động tổ chức các tuyến vận tải hàng container mới để giảm áp lực vận tải hàng hoá và bình ổn nguồn cung vận tải
Cùng đó nếu như doanh nghiệp logistics Việt chưa đủ sức duy trì một tuyến dài có thể tính đến duy trì các tuyến ngắn, thậm chí là tới các điểm trung chuyển phi truyền thống để góp phần cùng doanh nghiệp rút ngắn thời gian chờ, trước khi tiếp tục tham gia vào một tuyến vận tải dài.
Các chuyên gia cũng gợi ý cần tăng cường kết nối các cảng (hàng không và biển) với các trung tâm kinh tế, hiện thực hoá mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một “hub” về logistics ít nhất cũng ở tầm khu vực.
Cùng đó, trong bối cảnh Việt Nam chưa có cảng hàng không hoặc đội bay chuyên về vận chuyển hàng hoá, các địa phương khi phát triển ngành logistics cần chú ý việc gắn với quy hoạch vùng trong phát triển các ngành chủ lực của địa phương cũng như tạo sự đồng bộ giữa các vùng sản xuất với đầu tư hạ tầng chung về logistics như sân bãi, kho lạnh, kho hàng.
Một số chuyên gia phân tích mối quan hệ giữa doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp logisctics trong nước hiện còn chưa thật “quyện”. Nếu giải được bài toán này thì sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt sẽ được nâng lên đáng kể.
Với bản thân doanh nghiệp logistics giai đoạn trước mắt cần tập trung ứng dụng chuyển đổi số và chăm sóc, nâng chất lượng nguồn nhân lực để giữ đội ngũ này không chỉ ổn định về thể chất mà còn “với” được tới các cung đoạn của vận tải hàng hoá, từ đó nâng dần thị phần logistics của mình.