Ngày 31/5/1997, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Nhà máy lọc dầu số 1 trực thuộc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam). Sau đó, ngày 31/5 hằng năm đã trở thành ngày truyền thống của Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR). Đã 25 năm kể từ ngày đó, BSR xuất hiện như một cánh chim đầu đàn, sải cánh kiêu hãnh với nhiệm vụ dẫn dắt, phát triển ngành công nghiệp lọc hoá dầu Việt Nam vươn tầm khu vực.
Cánh chim đầu đàn của ngành công nghiệp lọc hoá dầu Việt Nam
Mỗi người con nước Việt đều có cách phụng sự Tổ quốc của riêng mình. Đối với những người thợ lọc dầu Dung Quất, phụng sự Tổ quốc chính là làm việc tận tuỵ, sáng tạo và say mê để làm chủ công nghệ lọc hoá dầu, vận hành nhà máy an toàn, ổn định, giúp đất nước đảm bảo an ninh năng lượng.
Kể từ thời điểm đón dòng sản phẩm đầu tiên cho đến nay, BSR đã sản xuất và tiêu thụ lần lượt đạt là 79,59 triệu tấn và 79,29 triệu tấn sản phẩm các loại. Tổng doanh thu đạt trên 1,29 triệu tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước đạt trên 187,80 nghìn tỷ đồng, tương đương trên 8,05 tỷ USD; gấp 2,68 lần tổng mức đầu tư dự án.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - công trình trọng điểm quốc gia, biểu tượng của giai cấp công nhân thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh |
Tính đến tháng 5/2022, các chỉ số sản xuất kinh doanh chính đều vượt kế hoạch đề ra. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ của BSR lần lượt đạt 2,84 triệu tấn và 2,75 triệu tấn sản phẩm, đạt lần lượt 44% và 42% kế hoạch năm; doanh thu đạt trên 65,84 nghìn tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch năm; nộp ngân sách Nhà nước đạt 7,29 nghìn tỷ đồng, đạt 73% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế ước đạt 6.764 tỷ đồng vượt xa kế hoạch được giao.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Quảng Ngãi. Nhờ đó, Khu kinh tế Dung Quất được đánh giá là một trong những khu kinh tế tiên phong và thành công trong cả nước. Có thể nói, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được coi là "thỏi nam châm" để thu hút đầu tư, cũng như là "bản lề" thay đổi cơ cấu kinh tế Quảng Ngãi từ một tỉnh thuần nông sang một tỉnh phát triển công nghiệp.
Nói về những thành quả của Công ty, ông Nguyễn Văn Hội - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT BSR chia sẻ: “Kết quả sản xuất kinh doanh từ 2009-2021 đã chứng minh rằng việc đầu tư Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là chủ trương đúng đắn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, góp phần gia tăng nộp ngân sách cho đất nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và cung cấp nhiên liệu cho quốc phòng. Đồng thời là động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp, dịch vụ và cơ cấu kinh tế cho khu vực miền Trung. Chúng tôi đang nỗ lực từng ngày để có thể cống hiến nhiều hơn nữa cho Tổ quốc, đưa ngành lọc hoá dầu của Việt Nam vươn tầm khu vực”.
Thúc đẩy lao động sáng tạo
Đầu năm 2022, Cụm công trình “Các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ tối ưu hóa quá trình sản xuất của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của BSR” được thực hiện từ 2015 - 2019 đã vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ vì đã có cụm công trình xuất sắc về khoa học và công nghệ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Cụm công trình này được thực hiện trong bối cảnh BSR đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, gây tác động vô cùng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của BSR nói riêng, sự phát triển của ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam nói chung. Thành tựu của Cụm công trình là kết quả đáng tự hào sau một quá trình lao động, nghiên cứu khoa học nghiêm túc, đầy tính sáng tạo với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Thực tế cho thấy qua phong trào lao động sáng tạo, rất nhiều các đề tài nghiên cứu khoa học, công trình nghiên cứu đã được khen thưởng các cấp, cùng các sáng kiến, KAIZEN được BSR công nhận hàng quý, hàng năm.
Và ngày 15/5/2022, BSR đã được vinh danh trong Top 10 Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ xuất sắc hàng đầu do Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức. Hầu như năm nào BSR hoặc nhân sự BSR cũng đều đạt các giải thưởng về khoa học, sáng tạo. Đây không phải sự ngẫu nhiên mà là thành quả của cả một phong trào sáng kiến, sáng tạo được phát động trong toàn thể người lao động Công ty.
Đây là minh chứng rõ nét cho sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ kỹ sư, công nhân có trình độ chuyên môn cao tại BSR, thể hiện qua việc tự làm chủ hoàn toàn công nghệ nhà máy lọc dầu đầu tiên ở Việt Nam, khai thác được tối đa dư địa thiết kế ban đầu của Nhà máy. Đồng thời, linh hoạt ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại để cải tiến, hoàn chỉnh thiết kế tổng thể của Nhà máy phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh mới của BSR.
Làm chủ công nghệ lọc hoá dầu
Ngoài việc đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, một trong những điều tự hào nhất của BSR là đào tạo ra một thế hệ chuyên gia, nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp lọc hoá dầu Việt Nam.
Nhân sự BSR đã hoàn toàn làm chủ công nghệ lọc hóa dầu |
Đào tạo được một kỹ sư lọc hóa dầu lành nghề không phải chuyện đơn giản. Tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, để một công nhân có thể thực hiện công việc vặn một cái van trong Nhà máy Lọc dầu, phải được đào tạo ít nhất 2-3 năm. Một kỹ sư ngồi ở phòng điều khiển trung tâm tham gia quá trình vận hành nhà máy cũng cần có 4-6 năm học tập, đi đào tạo trong nước, ngoài nước và thực hành hiện trường. Cũng dễ hiểu, đó là yêu cầu bắt buộc bởi tính chất đặc thù ngành nghề lọc dầu vô cùng khắt khe, theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Thế nhưng, sau quá trình vận hành nhà máy, các kỹ sư của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã từng bước nghiên cứu, phân tích đánh giá các điểm ảnh hưởng đến cơ cấu sản phẩm từ đó xây dựng quy trình tính toán tối ưu kế hoạch vận hành. Những nghiên cứu này đã giúp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chủ động trong việc lập kế hoạch sản xuất tối ưu trong điều kiện dầu thô chế biến ngày càng đa dạng, đảm bảo cơ cấu và chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
Các thành quả nói trên là minh chứng rõ nét về khả năng làm chủ công nghệ, vận hành nhà máy lọc hóa dầu của BSR, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của nguồn nhân lực thuộc khâu sau của ngành Dầu khí Việt Nam. Mặc dù đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp quản, quản lý và vận hành nhà máy, nhưng tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên BSR không "ngủ quên" trên chiến thắng, luôn tỉnh táo nhìn về phía trước, nhận diện rõ sự cạnh tranh khốc liệt và những rủi ro trong tương lai.
Năm 2012, Hội đồng thành viên BSR (thời điểm chưa cổ phần hoá) đã có Nghị quyết phê duyệt dự án tuyển chọn và đào tạo đội ngũ chuyên gia của BSR. Mục tiêu của dự án này là tổ chức tuyển chọn và đào tạo đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, am hiểu chuyên sâu về lĩnh vực sản xuất, các chuyên ngành trong công ty; có kinh nghiệm và có khả năng dự báo, xử lý sự cố, tình huống phức tạp ảnh hưởng đến quá trình vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả cho công ty; dần thay thế, giảm phụ thuộc vào các chuyên gia nước ngoài và tiết kiệm chi phí cho công ty. Đến thời điểm hiện tại, có 12 nhân sự người Việt tại BSR đã được công nhận là chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực lọc hoá dầu.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết này, con số chuyên gia nước ngoài tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chỉ còn 10 người. Còn thời điểm khi nhận bàn giao nhà máy, có tới hơn 200 chuyên gia nước ngoài làm việc. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hội - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT BSR cho biết: “Với khát vọng phụng sự Tổ quốc, phát huy trí tuệ Việt Nam, BSR luôn chú trọng đến việc đào tạo nhân sự, làm giàu chất xám. Hiện phần lớn khối lượng công việc của các chuyên gia nước ngoài đã được thay thế bằng nhân sự Việt Nam. Đến thời điểm này, tôi có thể tự hào tuyên bố là chúng ta đã từng bước làm chủ được công nghệ lọc hoá dầu. Khi đã làm chủ công nghệ, nhân sự đạt trình độ cao, tôi tin là khát vọng phát triển ngành lọc hóa dầu Việt Nam mạnh mẽ hơn không phải chuyện xa xôi”.