Thế Anh 28 và những mối làm ăn lớn – Bài 1: DHC Nhật Bản và Belie Thế Anh 28 tiếp thị cho DHC Việt Nam: Mập mờ tên gọi sản phẩm Thế Anh 28 và những mối làm ăn lớn - Bài 2: Cùng giàu lên nhanh chóng |
Vừa qua, Báo Công Thương đã có nhiều bài phản ánh về hoạt động tiếp thị liên kết của Thế Anh 28 và Công ty Cổ phần Belie, liên quan đến các sản phẩm mang thương hiệu DHC.
Tiếp tục tìm hiểu, phóng viên ghi nhận việc quảng cáo các sản phẩm DHC còn diễn ra trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Cũng giống như trên website, kênh Tiktok, việc quảng cáo các sản phẩm DHC trên trang Facebook DHC Vietnam (tích xanh) có nhiều dấu hiệu vi phạm quy định quảng cáo thực phẩm chức năng.
Trang Facebook DHC Vietnam hiện có 216 nghìn lượt thích, 227 nghìn người theo dõi, được tạo vào năm 2017 (cùng năm thành lập Công ty Cổ phần Belie). Phần các trang website và liên kết xã hội thể hiện tên miền dhcvietnam.com.vn.
Trang Facebook DHC Vietnam hiện đang quảng cáo hàng chục sản phẩm của DHC. Nội dung các bài viết giới thiệu về sản phẩm thường được kết thúc bằng câu “DHC - Chuyên gia hàng đầu về Sức khoẻ và Làm đẹp tại Nhật Bản”. Tuy nhiên cũng giống như việc quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội khác, thông tin này không được chứng minh bằng các tài liệu, cơ sở pháp lý.
![]() |
Trang Facebook DHC Vietnam thường xuyên lồng ghép hình ảnh y, bác sĩ để quảng cáo sản phẩm DHC. (Ảnh chụp màn hình) |
Nội dung nhiều bài viết quảng cáo sản phẩm không có cảnh báo “sản phẩm không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh". Cụ thể là các bài quảng cáo về sản phẩm DHC Olive Deep Cleansing Oil, Collagen nước DHC Beauty 7000 Plus, Viên uống ý dĩ DHC Adlay Extract…
Điều đáng nói, trang Facebook này thường xuyên sử dụng hình ảnh y, bác sĩ để quảng cáo về sản phẩm dưới nhiều hình thức.
![]() |
Sử dụng hình ảnh y, bác sĩ để giới thiệu về sản phẩm DHC. (Ảnh chụp màn hình). |
Trong các bài viết dưới dạng y bác sĩ chia sẻ kinh nghiệm làm đẹp, thường được lồng ghép với hình ảnh, bài viết giới thiệu về sản phẩm DHC. Như việc ghép hình hảnh của bác sĩ chuyên ngành da liễu thẩm mỹ Đinh Văn Vinh với sản phẩm Collagen nước DHC Beauty 7000 Plus và hàng loạt sản phẩm khác.
Hay việc clip bác sĩ Huy cầm trên tay một sản phẩm rồi giới thiệu đó là “viên uống ý dĩ DHC Adlay Extract”, sau đó giới thiệu về tác dụng sản phẩm “giúp da sáng hơn, đều màu hơn…”.
Một số sản phẩm còn được quảng cáo dưới dạng chia sẻ của người nổi tiếng: “Vừa phải chu toàn trong việc chăm sóc con, vừa phải đảm bảo lịch trình bận rộn, nhưng chị đẹp Diệp Lâm Anh vẫn luôn nhận được lời khen về thần thái sang chảnh, cùng làn da không tuổi. Trong khi, hot mom Salim từ sau khi sinh bé Pam cũng được nhận xét là nhan sắc ngày càng thăng hạng. Những tưởng có bí quyết gì cao siêu, nhưng hai hot mom đều cùng áp dụng chung 1 công thức chăm da. Đó là bổ sung Collagen nước DHC Beauty 7000 Plus mỗi tối bên cạnh sử dụng các sản phẩm chăm sóc làn da chuyên sâu”.
Trong rất nhiều lần trả lời báo chí, PGS, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã nêu rõ: “Cấm sử dụng từ "điều trị" trong quảng cáo, cấm quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, cấm được dùng hình ảnh hoặc uy tín của cơ sở y tế để quảng cáo, cấm dùng các bài viết của bệnh nhân, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo”.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, các thông tin quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng xã hội, cụ thể là Facebook hiện nay rất khó kiểm soát. Có nhiều doanh nghiệp quảng cáo sai sự thật, “mượn” danh bác sĩ hoặc cơ sở y tế uy tín để cố tình lừa dối người tiêu dùng... Chính vì vậy, Cục An toàn thực phẩm đã làm việc với cơ quan chức năng và cả facebook để phối hợp giải quyết tình trạng này.
Pháp luật đã có những quy định xử phạt rất rõ ràng về vấn đề này. Cụ thể, khoản 4, Điều 52, Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 nêu rõ, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn bị xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 03 tháng đến 05 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 20 tháng đến 24 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải cải chính thông tin, tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo tin với hành vi vi phạm tại điểm a điểm b.