Trong một bài phát biểu tại Frankfurt, Đức vào hôm 21/5, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen cho rằng Mỹ và các đồng minh phương Tây cần phải phản ứng quyết liệt trước sức mạnh sản xuất ngày càng tăng của Trung Quốc, hoặc đối diện với nguy cơ rủi ro cho các ngành công nghiệp của phương Tây.
Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen. Nguồn ảnh: Kevin Dietsch, Getty Images. |
“Chính sách công nghiệp của Trung Quốc có vẻ xa vời khi chúng ta ngồi đây, nhưng nếu chúng ta không phản ứng một cách chiến lược và thống nhất, các doanh nghiệp ở Mỹ, châu Âu và trên toàn thế giới có thể gặp rủi ro” bà Yellen nói. Chia sẻ thêm, Bộ trưởng Ngân khối nói: “Hỗ trợ cho các nước có thu nhập thấp và trung bình cũng như người lao động trên khắp thế giới là điều cần thiết cho sức mạnh của nền kinh tế toàn cầu”.
Theo tờ Financial Times, bà Yellen cho biết việc tăng thuế, bao gồm tăng thuế 100% đối với xe điện của Trung Quốc, là “những bước đi chiến lược và có mục tiêu”. Trong bài phát biểu, bà Yellen cũng đã bác bỏ những lời chỉ trích từ các đồng minh châu Âu rằng việc giảm thuế mạnh mẽ và tăng cường trợ cấp cho ngành công nghiệp xanh của chính quyền Tổng thống Biden đã vô tình gây thiệt hại cho Liên minh châu Âu (EU).
Bộ trưởng Yellen nói: “Chúng tôi không tạo ra cơ hội chỉ trên sân nhà. Thương mại Mỹ - EU về các sản phẩm năng lượng xanh đã vượt quá 2 tỷ USD vào năm 2022 và các nước châu Âu có thể dẫn đầu trong lĩnh vực này. Khi chúng tôi sản xuất nhiều hơn ở Mỹ, chúng tôi sẽ giảm chi phí cho công nghệ năng lượng sạch trên toàn cầu, mang lại lợi ích cho người dân và nền kinh tế trên toàn thế giới.”
Bà Yellen thông tin thêm rằng, với dòng vốn đầu tư hơn 3 nghìn tỷ USD mỗi năm từ nay đến 2050, mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu của Mỹ tương thích với mục tiêu tăng cường an ninh năng lượng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thế giới.
Bà Yellen phát biểu: “Về phía trước, vẫn còn cơ hội cho những hành động chung để bổ sung và thúc đẩy ba mục tiêu trên. Luật Giảm Lạm phát (IRA) vẫn đang hoạt động và chúng tôi hoan nghênh hành động tương tự trên khắp thế giới, bao gồm cả Thỏa thuận Xanh châu Âu.”
Bộ trưởng Yellen cũng đã kêu gọi EU tăng cường hợp tác với Mỹ về các khoáng sản quan trọng, do lo ngại chuỗi cung ứng của cả hai khu vực đều “tập trung quá mức ở Trung Quốc”. Bà cũng khuyến khích EU nâng cao phát triển các ngân hàng phát triển đa phương, như Ngân hàng Thế giới, cũng như đẩy mạnh hợp tác trong ngành trí tuệ nhân tạo (AI) và chất bán dẫn.
Bài phát biểu của bà Yellen diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang tìm kiếm một đối tác trung gian khi căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh. Bài phát biểu cũng xảy ra chỉ một tuần sau khi Nhà Trắng tăng mạnh thuế đối với hàng xuất khẩu công nghệ xanh của Trung Quốc sang Mỹ. Theo các nhà phân tích, đây là một động thái nhằm bảo vệ ngành công nghiệp ở các bang như Pennsylvania và Michigan, nơi Tổng thống Joe Biden và đối thủ chính Donald Trump đang cạnh tranh về lá phiếu của tầng lớp dân lao động trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới.
Phản hồi về động thái của Mỹ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, EC sẽ không hợp tác cùng Mỹ trong việc áp thuế với Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng Brussels sẽ có cách tiếp cận khác đối với “thuế quan chung”. Trả lời phỏng vấn với Financial Times, bà Leyen nói “Chúng tôi muốn cạnh tranh, chúng tôi muốn giao dịch song phương, nhưng chúng tôi muốn nó diễn ra công bằng và đúng luật”.
Đồng quan điểm với bà Leyen, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng bày tỏ sự bất đồng với quyết định tăng thuế của chính quyền Biden. Theo Financial Times, ông Sholz cho biết các thương hiệu phương Tây đang chiếm đến “ít nhất 50% lượng xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc”. Tương tự, thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho rằng việc bắt đầu dỡ bỏ trật tự thương mại toàn cầu là “một ý tưởng tồi”.
Ngược lại với Mỹ, EU, vốn là nơi xuất khẩu phần lớn hàng hóa của mình sang Trung Quốc, đã và đang cố gắng giải quyết bài toán pin mặt trời, tua-bin gió và xe điện giá rẻ từ Trung Quốc thông qua các cuộc điều tra, mà bên này cho là phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tuy nhiên, ông Scholz, bà Leyen và cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, giống như Bộ trưởng Yellen, đã nói với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm vào tháng 4 vừa qua, rằng các khoản trợ cấp sản xuất của Trung Quốc có nguy cơ làm trầm trọng thêm căng thẳng kinh tế trong khu vực.