Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương vừa có cảnh báo, lưu ý người tiêu dùng khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng. Cụ thể, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng: Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, kéo theo đó là những tác động tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm. Báo cáo tình hình lao động, việc làm Quý 1/2021 cho biết, cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.
Trong bối cảnh này, hình thức cho vay tiêu dùng ở Việt Nam có dấu hiệu sẽ trở thành xu hướng mới và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của người dân trong và sau đại dịch. Vì một bộ phận không nhỏ người dân cần đến loại hình tài chính tiêu dùng này để giải quyết vấn đề khó khăn trước mắt, đáp ứng các nhu cầu cần thiết, ổn định và vực dậy cuộc sống trở lại.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, so với việc đi vay nặng lãi tại những nguồn cung không bảo đảm, uy tín thì vay tiêu dùng tại các tổ chức tín dụng sẽ là sự lựa chọn khả quan, an toàn hơn cho người tiêu dùng. Dù vậy, người vay cần tìm hiểu kỹ để tránh những hậu quả không đáng có.
Cụ thể, Hợp đồng tín dụng giữa khách hàng và tổ chức tín dụng là hợp đồng dân sự, người vay phải ký hợp đồng vay tiêu dùng bằng văn bản với tổ chức tín dụng, bởi mọi hình thức giao kết khác như bằng lời nói, hành vi cụ thể... sẽ dẫn đến việc hợp đồng đó vô hiệu về hình thức theo quy định của pháp luật dân sự.
Khi nhận được dự thảo hợp đồng do tổ chức tín dụng cung cấp, người vay cần đọc, tìm hiểu và nghiên cứu thật kỹ toàn bộ nội dung hợp đồng, lưu ý và cân nhắc kỹ một số nội dung có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của mình như thời hạn cho vay; lãi suất cho vay; các trường hợp áp dụng lãi phạt và cách tính; các loại phí khác mà người vay phải trả (ngoài các khoản phí và lãi cố định).
So với việc đi vay nặng lãi tại những nguồn cung không bảo đảm, uy tín thì vay tiêu dùng tại các tổ chức tín dụng sẽ là sự lựa chọn khả quan, an toàn hơn cho người tiêu dùng (hình minh hoạ) |
Đáng chú ý, khách hàng cần lưu ý và cân nhắc một số điểm quan trọng: Thời hạn cho vay, thời hạn duy trì hạn mức; Lãi suất cho vay, thời điểm xác định lãi suất, phương pháp tính lãi; Các trường hợp áp dụng lãi phạt và cách tính; Các loại phí khác mà khách hàng phải trả (ngoài các khoản phí và lãi cố định); Theo quy định tại hợp đồng, khách hàng có được gia hạn nợ hay không? Gia hạn như thế nào? Cách tính lãi và các khoản phí liên quan trong trường hợp này...
"Người vay nên chủ động tìm hiểu thật kỹ, cân nhắc kỹ, không nên đăng ký khoản vay quá khả năng chi trả của bản thân. Có kế hoạch rõ ràng trong việc cân đối chi tiêu để thanh toán các khoản vay theo kỳ hạn, trả đúng hạn nhằm tránh việc trả nợ quá hạn và các khoản lãi phát sinh hoặc mất khả năng thanh toán nợ" - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo.
Trong khi đó, công ty tài chính có nghĩa vụ phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký và phải giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cụ thể hợp đồng cho vay tiêu dùng khi có yêu cầu của khách hàng.
Ngoài ra, công ty tài chính phải thực hiện niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tiêu dùng tại trụ sở, điểm giới thiệu dịch vụ và đăng tải trên trang thông tin điện tử của công ty tài chính.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, khi nền kinh tế dần phục hồi sau đại dịch, cho vay tiêu dùng là ngành có nhiều cơ hội bứt phá. Cùng với đó, với định hướng phát triển ngân hàng bán lẻ, trong đó có tín dụng cá nhân của các tổ chức tính dụng; định hướng phát triển, đa dạng hóa sản phẩm của các công ty tài chính sẽ giúp thị trường tài chính tiêu dùng phát triển mạnh mẽ trong năm 2021 và cả những năm về sau.
Với quy mô dân số gần 100 triệu người, 60% người dân có thu nhập thấp và trung bình, các công ty tài chính kỳ vọng, thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh hơn trung bình các nước trong khu vực với tốc độ tăng trưởng trên 30%/năm.