Lo lắng tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 18, tại Nhà Quốc hội, chiều 15/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 11/2022 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 10/2022).
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét báo cáo công tác dân nguyện |
Báo cáo kết quả thực hiện công tác dân nguyện tháng 10 và tháng 11/2022 của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân vui mừng, phấn khởi về tình hình kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, dịch bệnh được kiểm soát tốt, quốc phòng, an ninh chính trị đảm bảo ổn định; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.
Cử tri và nhân dân đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ tư, nhất là việc triển khai chính sách tài khóa tiền tệ; việc thực hiện tăng lương cơ sở, tăng lương hưu… Cử tri cũng đánh giá cao kết quả hoạt động chất vấn của Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư và mong muốn những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực sớm được khắc phục trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân đặc biệt lo lắng về tình trạng nhiều cây xăng dừng bán hàng, bán cầm chừng trong thời gian qua; tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học; tình trạng nhiều người lao động bị cắt việc, thôi việc khi Tết Nguyên đán đã gần kề; tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động; tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh vẫn diễn ra trên diện rộng…
Qua báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ tư, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, Ban Dân nguyện tổng hợp được 1.484 kiến nghị của cử tri do các Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương chuyển đến. Ban Dân nguyện đã chuyển các kiến nghị trên đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trong tháng 10 và tháng 11/2022, Ban Dân nguyện đã nhận thêm 461 văn bản trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ ba. Tính đến nay, đã có 2.632 kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ ba đã được giải quyết, trả lời.
Tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng 9/2022, nhất là các đoàn đông người. Đáng lưu ý, trong thời gian qua trên địa bàn cả nước còn xảy ra một số vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, trong số đó có nhiều vụ việc xuất phát từ tranh chấp dân sự, kinh tế liên quan đến đất đai…
Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư của Quốc hội, Trưởng Ban dân nguyện Dương Thanh Bình nhấn mạnh, trong 2 tháng qua, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp 617 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 625 vụ việc và có 17 lượt đoàn đông người.
Có giải pháp thiết thực điều hành thị trường xăng dầu
Ban Dân nguyện kiến nghị đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố cần chủ động theo dõi, đôn đốc, giám sát và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết dứt điểm đối với các vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự.
Đồng thời, kiến nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, lựa chọn, có kế hoạch và tổ chức giám sát chuyên đề theo lĩnh vực phụ trách trong chương trình hoạt động năm 2023.
Ban Dân nguyện cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, thực hiện và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp thiết thực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành thị trường xăng dầu, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, các cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm, bếp ăn tập thể không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân; quan tâm, đảm bảo đời sống cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến…
Thảo luận về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Báo cáo dân nguyện tháng 10 và tháng 11 phản ánh kiến nghị của nhân dân khá đầy đủ.
Tuy nhiên qua tiếp xúc cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận thấy, mảng của doanh nghiệp cần bổ sung thêm vào trong báo cáo. Vì tháng 10 và tháng 11, tình hình doanh nghiệp thiếu vốn, thị trường thiếu thanh khoản, đây là vấn đề doanh nghiệp đang đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm xử lý giải quyết.
Gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới nới room tín dụng ngân hàng, còn trong tháng 10 và tháng 11, tiếp cận tín dụng trên thị trường tiền tệ của ngân hàng, các tổ chức tín dụng rất khó khăn, thị trường chứng khoán thời điểm đó xuống dưới mức 1000 điểm, trái phiếu doanh nghiệp thắt chặt, bất động sản bán tháo.
Ông Vũ Hồng Thanh cho hay, trước tình trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã giải quyết các khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đã nới room tín dụng thêm 1,5-2%. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Tổ công tác để giải quyết, tháo gỡ vướng mắc các khó khăn cho các dự án bất động sản, chỉ đạo sửa đổi Nghị đinh 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp đề nghị tháo gỡ cho các thị trường bất động sản, tiền tệ, ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp cần sớm được giải quyết. "Nếu kéo dài tình trạng này thì một số doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, thậm chí có thể dẫn đến phá sản" - ông Vũ Hồng Thanh nói.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nêu rõ, các dự án hiện tại không giải phóng được mặt bằng và ách tắc trong việc chậm triển khai. Ngoài ra, còn vướng mắc về các quy hoạch kèm theo trong Luật Quy hoạch, các địa phương gặp khó khăn trong việc triển khai các dự án mới...