Trong bối cảnh nguồn cung khí nội địa suy giảm nhanh, cùng với nhu cầu điện tăng trưởng cao, đặt ra áp lực cho việc đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất của các nhà máy điện khí. Việc nhập khẩu và cung cấp LNG cho sản xuất điện trong cao điểm nắng nóng vừa qua đã cho thấy vai trò quan trọng của LNG - nguồn nguyên liệu bổ sung cho sản xuất, đặc biệt là sản xuất điện trong tương lai.
Trong tháng 4/2024, nhu cầu điện tăng trưởng rất cao với những con số kỷ lục mới, công suất cực đại lên tới 47.670 MW (ngày 27/4/2024) và sản lượng tiêu thụ ngày cao nhất đạt 993 triệu kWh (ngày 26/4/2024). Tháng 4/2024, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 26,82 tỷ kWh, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 4 tháng năm 2024, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 96,16 tỷ kWh, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng điện thương phẩm 5 tháng ước đạt 110,24 tỷ kWh, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Chuyến tàu LNG thứ 4 cập cảng Cái Mép - Thị Vải |
Thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 14/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc “đảm bảo cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện trong thời gian tới”; Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) với vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí, cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất hiện nay được cấp phép và có đầy đủ cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh cho nhập khẩu và kinh doanh LNG đã chủ động tăng cường nhập khẩu LNG để cung cấp cho các nhà máy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các khách hàng công nghiệp tại khu vực Đông Nam bộ.
Tính đến thời điểm hiện tại, PV GAS đã hoàn thành tiếp nhận 4 lô hàng LNG, góp phần đáng kể vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chỉ trong tháng 4 và tháng 5/2024, PV GAS nhập thành công 3 chuyến tàu LNG để bổ sung nguồn khí cho sản xuất điện. Cụ thể, ngày 29/4/2024, PV GAS tiếp nhận gần 60.000 tấn LNG từ tàu Hoegh Gandria. Trước đó, là chuyến hàng trên tàu Al Jassasiya được nhập vào nửa đầu tháng 4/2024 với gần 70.000 tấn LNG. Ngày 13/5, tiếp nhận 60.000 tấn LNG từ tàu Point Fortin. Các chuyến hàng LNG này đã bổ sung kịp thời nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất điện trong những tháng cao điểm nắng nóng.
Theo EVN, trong 5 tháng đầu năm, việc cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội được đảm bảo mặc dù nhu cầu tăng cao, trong đó EVN đã huy động tối đa nguồn nhiệt điện than, khí (vượt kế hoạch điều chỉnh 3,52 tỷ kWh).
EVN đã phối hợp tích cực với PV GAS trong việc cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho phát điện. Hiện nay, PV GAS đã cung cấp tàu khí hóa lỏng thứ 3 để phát điện. Nhà máy điện Phú Mỹ 3 đã chuyển sang vận hành khí LNG từ ngày 11/4, các Nhà máy điện Phú Mỹ 2.1, Phú Mỹ 4 vận hành LNG từ cuối tháng 4.
EVN cũng chỉ đạo Tổng công ty Phát điện (GENCO) và các nhà máy điện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Petrovietnam/PV GAS, TKV, Tổng công ty Đông Bắc và chủ đầu tư các nguồn điện khác để đảm bảo cung ứng nhiên liệu và năng lực sản xuất điện; Phối hợp với PV GAS để tiếp tục cung cấp khí LNG cho Nhà máy điện Phú Mỹ 3 và bổ sung thêm khí để vận hành các nhà máy điện khí khác tại Trung tâm điện lực Phú Mỹ.
TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam |
TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam đánh giá, việc PV GAS nhận chuyến tàu LNG đầu tiên trong năm 2023 và 3 chuyến tàu LNG trong 5 tháng đầu năm 2024 là tin rất vui; không chỉ khẳng định vị trí và vai trò của PV GAS mà còn khẳng định PV GAS đã thực hiện tốt và nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - đó là tìm mọi giải pháp để đảm bảo nguồn cung ứng đầu vào cho sản xuất điện. PV GAS là đơn vị đầu tiên và duy nhất hiện nay thực hiện việc nhập khẩu LNG cũng như có cơ sở hạ tầng kho cảng LNG và hạ tầng để tái hóa khí cung cấp cho các hộ tiêu thụ. Đây là minh chứng cho khả năng làm chủ công nghệ, giao thương, cũng như làm chủ và vận hành an toàn nguồn khí mới mà trong tương lai chúng ta phải nhập rất nhiều. Đối với các nhà máy điện, đây cũng là tin rất vui vì những chuyến hàng LNG bổ sung đã cung cấp kịp thời cho sự thiếu hụt và cạn kiệt nguồn khí cho sản xuất khi các mỏ đang khai thác hiện nay ở vào giai đoạn cuối đời mỏ và đang khai thác vét.
Sau một thời gian dài khai thác, các mỏ khí thiên nhiên trong nước hiện đang trong quá trình suy giảm sản lượng. Với các nguồn khí đang khai thác hiện hữu, ước tính sản lượng khí sẽ suy giảm từ hơn 6 tỷ m3 khí/năm hiện nay, xuống còn khoảng 4 tỷ m3 khí/năm kể từ năm 2028. Khả năng cấp khí cho các nhà máy điện cũng suy giảm mạnh, như khu vực Đông Nam bộ, ước tính từ năm 2024 – 2030 với các nguồn khí hiện nay, khả năng cấp khí cho khu vực này chỉ bằng từ 46 - 3% so với mức của năm 2019 (6,6 tỷ m3/năm). Do đó, bổ sung nguồn LNG nhập khẩu là yêu cầu tất yếu để đáp ứng nguồn cung nhiên liệu sơ cấp cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là với nhu cầu năng lượng của đất nước ngày càng tăng cao, cũng như yêu cầu chuyển dịch sang sử dụng các nguồn nhiên liệu xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính.
Việc bổ sung nguồn khí LNG cho sản xuất điện cũng phù hợp với mục tiêu của quốc gia trong lĩnh vực LNG, đáp ứng yêu cầu nguồn điện chạy nền ổn định cho hệ thống điện. Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2023, tỷ lệ điện khí nói chung, điện LNG nói riêng chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu nguồn điện quốc gia. Cụ thể, đến năm 2030, điện khí và LNG sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện, trong đó nhiệt điện khí là 14.930 MW, chiếm 9,9% và nhiệt điện LNG là gần 22.500 MW, chiếm 14,9%.
TS. Nguyễn Quốc Thập nhận định, việc có thể bổ sung khoảng 5,7 triệu m3 khí một ngày hiện nay cho các nhà máy điện thông qua quá trình nhập khẩu LNG có ý nghĩa quan trọng, góp phần đảm bảo cho các nhà máy điện có đủ khí để hoạt động, phát điện và cung cấp cho các hộ tiêu thụ, đặc biệt là các dịp cao điểm khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Điều này cũng góp phần thực hiện Quy hoạch điện VIII, với mục tiêu cần phát triển gần 22.500 MW điện khí LNG trong vòng 7 năm tới. Với kho cảng ban đầu của PV GAS có công suất 1 triệu tấn/năm, cũng như là các nhà máy điện đã tiếp nhận nguồn khí LNG để đưa vào sản xuất, là một dấu hiệu cho thấy chúng ta có thể hiện thực hóa được các mục tiêu kế hoạch. Tuy nhiên, với hiện trạng đang triển khai hiện nay, thì những mục tiêu theo Quy hoạch điện VIII đã và đang rất thách thức đối với cả cơ quan quản lý cũng như các nhà đầu tư, bởi còn rất nhiều những trở ngại, khó khăn đang nảy sinh, cần phải được tháo gỡ kịp thời.