Liên quan vụ sai phạm tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh: Truy tố Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 15 bị can
Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty AIC) cùng 13 bị can về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và 2 bị can về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, trong đó có nhiều cựu cán bộ thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh.
Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn cựu Chủ tịch Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) bị truy tố liên quan đến các sai phạm tại dự án mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh |
Các bị can bị truy tố gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Hồng Sơn, Trương Thị Xuân Loan, Nguyễn Thị Thu Phương, Đỗ Văn Sơn, Tạ Hải Anh (đều thuộc Công ty AIC) Nguyễn Thị Tích (Tổng Giám đốc Công ty Mopha); Nguyễn Thị Quyên (Tổng giám đốc Công ty TNHH định giá Cimeico); Hoàng Đình Sơn; Nguyễn Quý Thịnh, Phạm Ngọc Dũng (các bị cáo nguyên là cán bộ thuộc Sở Y tế Quảng Ninh), Trần Quốc Công (Giám đốc Công ty Cổ phần Uy Tín Toàn Cầu); Nguyễn Anh Dũng (Tổng giám đốc Công ty Phúc Hưng); Cao Việt Bách (Tổng Giám đốc Công ty BVA), về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Các bị can: Lương Văn Tám (nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh); Lê Thị Phú (Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Liên quan đến vụ án này, anh trai của bà Nhàn là bị can Nguyễn Anh Dũng (Giám đốc Công ty CP bất động sản Phúc Hưng) bị cáo buộc đã giúp Công ty AIC trúng 5 gói thầu, gây thiệt hại hơn 23 tỷ đồng.
Theo nội dung cáo trạng, quá trình tham gia dự thầu 6 gói thầu mua sắm trang thiết bị thuộc Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ninh, Nguyễn Thị Thanh Nhàn, với vai trò chủ mưu, đứng đầu chỉ đạo và trực tiếp thực hiện các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu.
Tại dự án mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh, Nguyễn Thị Thanh Nhàn giao Nguyễn Hồng Sơn, Phó tổng giám đốc AIC; Trương Thị Xuân Loan, Trưởng ban quản lý dự án 3 (Công ty AIC), trực tiếp thực hiện dự án. Bà Loan đã móc ngoặc với một số đối tượng để thông đồng về thông số kỹ thuật, cấu hình và giá trang thiết bị với mục đích xây dựng hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu về đấu thầu.
Biết rõ việc Công ty AIC không đủ năng lực tài chính để tham dự thầu nên bà Nhàn đã chỉ đạo Đỗ Văn Sơn, cựu kế toán trưởng Công ty AIC, điều chỉnh số liệu, cung cấp các thông tin không trung thực về năng lực tài chính nhằm gian lận trong đấu thầu. Bên cạnh đó, các công ty khác nằm dưới sự điều hành của bà Nhàn cũng được huy động làm quân xanh cho Công ty AIC trúng thầu.
Kết quả, Công ty AIC và công ty liên quan trúng 6 gói thầu mua sắm trang thiết bị tại Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh với tổng số tiền 232,19 tỉ đồng. Thông qua đó, bà Nhàn và các đồng phạm gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50 tỉ đồng.
Cáo trạng nhận định, để Công ty AIC trúng thầu còn có sự giúp sức của các bị can thuộc Công ty AIC và các Công ty có liên quan; bên cạnh đó là hành vi tạo điều kiện của các bị can thuộc Chủ đầu tư và hành vi thiếu trách nhiệm của các bị can thuộc cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình thực hiện Kế hoạch đấu thầu.
Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận và xã hội quan tâm; một số bị can, đặc biệt là các bị can đầu vụ đã bỏ trốn, gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Vụ án được Viện kiểm sát nhân dân tối cao tối cao phân công Viện kiểm sát nhân dân tối cao tỉnh Quảng Ninh thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm; chuyển Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh số tiền thu giữ trong vụ án để phục vụ việc xét xử.