Khảo sát điểm tham quan du lịch Tam Chúc. |
Ông Lê Xuân Huy, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Hà Nam cho biết: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên khoảng 3 tháng qua, hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch hoạt động cầm chừng và có thời gian phải đóng cửa dừng hoạt động. Từ chỗ đón 3 triệu lượt khách năm 2019, tăng trưởng từ 20-30% lượng khách qua mỗi năm, du lịch Hà Nam gánh chịu hậu quả nặng nề.
Do đó, kích cầu du lịch nội địa sẽ là lực đẩy khôi phục lại ngành dịch vụ - du lịch và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động của địa phương.
Theo ông Huy, tại Hà Nam, sau thời gian triển khai xây dựng, đến nay tỉnh đã hoàn thành quy hoạch 5 khu, điểm du lịch trọng điểm đó là: Khu du lịch Tam Chúc, điểm du lịch văn hóa tâm linh đền Lảnh Giang, đền Bà Vũ, Khu trung tâm lễ hội thuộc quần thể di tích lịch sử văn hóa đền Trần Thương, điểm du lịch về nhà văn Nam Cao.
Nhiều điểm trong số này đã bắt đầu đón khách tham quan từ đầu năm 2019 và tạo sức bật quan trọng cho du lịch Hà Nam. Một số tuyến tour nội tỉnh, ngoại tỉnh cũng được khai thác, phục vụ khách du lịch giữa Hà Nội - Hà Nam - Nam Định– Thái Bình – Ninh Bình...
Đặc biệt, năm 2019, Khu du lịch Tam Chúc hoàn thành giai đoạn 1, triển khai đón khách và đăng cai tổ chức các hoạt động tôn giáo, văn hóa du lịch lớn đã góp phần tạo bước đột phá cho du lịch Hà Nam khi thu hút hơn 1,8 triệu lượt khách, chiếm khoảng 65% lượng khách toàn tỉnh trong năm qua.
Bà Đinh Thị Lụa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cũng cho biết: Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh quảng bá các tour du lịch về với Tam Chúc, về với thiên nhiên sơn thủy hữu tình - những thế mạnh của du lịch Hà Nam. Việc kích cầu du lịch sẽ được thực hiện song song với đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19.
Nhằm thúc đẩy du lịch nội địa, CLB lữ hành Unesco Hà Nội đã tổ chức đoàn khảo sát về tiềm năng du lịch và kết nối với tuyến điểm giữa Hà Nội – Hà Nam. Đề xuất những giải pháp để thu hút khách cũng như “kích cầu” hiệu quả, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB lữ hành Unesco Hà Nội cho rằng: Hà Nam cần phải đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và mời các nhân vật nổi tiếng tham gia trải nghiệm sản phẩm du lịch. Hà Nam có thể thực hiện giảm giá vé thắng cảnh, giá dịch vụ từ 50 – 100 % theo từng giai đoạn, có chính sách áp dụng giá riêng cho doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến Hà Nam đến hết năm 2020.
Đại diện các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội cũng cho rằng, về liên kết thu hút khách nội địa, Hà Nam và Hà Nội, Ninh Bình có thể phối hợp khai thác trục văn hóa du lịch tâm linh chùa Hương – khu du lịch Tam Chúc – khu danh thắng Tràng An.