Liên kết, hợp tác để thúc đẩy hoạt động Công Thương phía Nam
Tin hoạt động 11/12/2020 19:38
Thẳng thắn chỉ ra những bất cập, khó khăn trong hoạt động
Chiều ngày 11/12, tại tỉnh Tây Ninh, Cục Công Thương địa phương Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị giao ban Giám đốc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương tại các địa phương; đề xuất phương hướng phát triển ngành công nghiệp - thương mại trong năm 2020 - 2021 và cho cả nhiệm kỳ tiếp theo.
Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương - đánh giá, trong 11 tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới hầu hết các lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Nhưng tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại khu vực phía Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, đóng góp tích cực cho quá trình phục hồi nền kinh tế của cả nước.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã thẳng thắn nêu những khó khăn, bất cập còn tồn tại trong hoạt động của ngành Công Thương thời gian qua như tình hình tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng được mùa, rớt giá vẫn thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân là do sự hợp tác, gắn kết giữa nông dân sản xuất, doanh nghiệp (DN) và cơ sở chế biến chưa chặt chẽ, thiếu cơ chế ràng buộc. Bên cạnh đó, hạ tầng phục vụ cho dịch vụ xuất khẩu còn yếu và thiếu đồng bộ như dịch vụ logictics, kho tàng, bến cảng... đã làm tăng chi phí, giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Ông Dương Minh Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh - cho biết: Năm 2020 kinh tế của Tây Ninh không đạt chỉ tiêu đề ra do dịch Covid-19. Cụ thể tổng mức bán lẻ chỉ tăng 1,47%; kim ngạch xuất khẩu tăng 16,7% trong 11 tháng đầu năm 2020. Dù kết quả thấp nhưng đây là nỗ lực rất lớn của ngành Công Thương trong thời gian vừa qua.
Đại diện các cơ quan của Bộ Công Thương tham gia hội nghị |
Ngay cả với TP. Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn của cả nước cũng gặp không ít thách thức vì dịch bệnh. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - thừa nhận, trong năm 2020 hoạt động ngành Công Thương Thành phố gặp nhiều khó khăn khi chỉ số phát triển của ngành Công Thương có sự sụt giảm giảm so với trước. Thêm vào đó, với hoạt động thương mại, Thành phố hiện có 327 chợ truyền thống nhưng việc chuyển đổi từ mô hình ban quản lý chợ truyền thống sang cho DN hoặc hợp tác xã quản lý đang lúng túng và chưa hiệu quả.
Hay với Cần Thơ, ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ - cho hay, tình hình dịch bệnh đã làm cho hoạt động của ngành Công Thương Cần Thơ ảnh hưởng nghiêm trọng. Cụ thể, gạo và thủy sản là hai mặt hàng chủ lực nhưng do Covid-19 tác động, nhiều lô hàng không xuất được, chỉ số tăng trưởng dù nằm ở mức dương nhưng đạt rất thấp so với mục tiêu đề ra.
Trước những khó khăn kể trên, các địa phương đã đề xuất cần có cơ chế, chính sách để tiếp sức cho DN sản xuất kinh doanh trong thời kỳ dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp; đầu tư cho hệ thống mạng lưới thương mại, tạo đầu ra cho hàng hóa…
Đơn cử như chợ đầu mối Cần Thơ được quy hoạch là trung tâm logistics nhưng hiện vẫn chưa thực hiện được, dẫn đến hoạt động của ngành Công Thương chưa mang lại hiệu quả, hàng hóa của miền Tây Nam bộ về cảng TP. Hồ Chí Minh để xuất khẩu phải chịu chi phí vận chuyển quá cao.
"Nếu hệ thống cầu cảng, đường dẫn ra sông biển cho tàu bè thông suốt thì giá trị hàng hoá của cả vùng sẽ tăng lên. Vì vậy đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ Cần Thơ sớm hiện thực hóa các dự án này”- ông Toại kiến nghị.
Theo lãnh đạo các Sở Công Thương, vấn đề thương mại điện tử, kinh tế số, “số hoá” các dịch vụ giao thương vẫn còn nhiều bất cập, do cơ quan quản lý luôn đi sau tốc độ phát triển của công nghệ số. Do đó, Bộ Công Thương cần có thêm giải pháp để hỗ trợ DN.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ- Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị |
Thúc đẩy liên kết, hợp tác để hoàn thành mục tiêu giai đoạn mới
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của ngành Công Thương khu vực phía Nam. Dù trong điều kiện dịch bệnh nhưng ngành đã đạt được những kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả nước ước tính tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019). Riêng khu vực phía Nam, hầu hết các tỉnh, thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước; trong đó có 13/20 tỉnh, thành có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước.
Về thương mại, bán lẻ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khu vực phía Nam, ước đạt 2.795,9 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 60,9% so với cả nước (cả nước đạt 4.590,7 nghìn tỷ đồng). Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của khu vực ước đạt 108 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 42,4% so với cả nước (cả nước ước đạt 254,6 tỷ USD). Rất nhiều địa phương như Sóc Trăng, Tây Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Hậu Giang, An Giang… đã có kim ngạch tăng trưởng khá.
Dù vậy, theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, hoạt động liên kết phát triển giữa các địa phương còn hạn chế trong việc hỗ trợ sản xuất kinh doanh cũng như trao đổi, chia sẻ thị trường cho các DN. Chưa có sự liên kết chặt chẽ trong công tác xây dựng quy hoạch phát triển các lĩnh vực của ngành Công Thương, chưa có sự phối hợp đồng bộ để phát triển toàn khu vực; phát huy và khai thác tốt lợi thế so sánh của từng địa phương…
Để hoàn thành mục tiêu năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, Thứ tưởng chỉ đạo, các địa phương cần tập trung đẩy mạnh sản xuất công nghiệp. Theo dõi sát, nắm bắt kịp thời tình hình thực tiễn, xác định rõ những vướng mắc, khó khăn cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực, từng DN để có biện pháp, đối sách cụ thể sớm khắc phục. Từ đó tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Bên cạnh đó cần thúc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng, trong đó đặc biệt chú trọng thị trường trong nước góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
“Tất cả các ý kiến về những vấn đề bất cập, kiến nghị các giải pháp để phát triển ngành Công Thương của các đại biểu đều được ghi nhận đầy đủ. Bộ Công Thương sẽ đồng hành với các địa phương để giải quyết. Với những vấn đề vượt tầm sẽ có ý kiến tham khảo, đề xuất với các bộ ngành, Chính phủ để sớm giải tỏa nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển” - Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.