Cho đến nay, theo tôi, tác động của hội nhập kinh tế là đa dạng, nhưng tập trung 3 điểm lớn. Thứ nhất, là tăng cường xuất khẩu; nếu như năm 1995, xuất khẩu của Việt Nam chỉ hơn 5 tỷ USD thì năm 2020 chúng ta đã xuất khẩu hơn 280 tỷ USD, tăng 55 lần. Thứ hai, hệ thống pháp luật của Việt Nam chuẩn hơn, theo đúng tiêu chuẩn quốc tế; đặc biệt là sau khi tham gia WTO, tư duy làm luật, thực thi luật tiến bộ hơn rất nhiều; chính sách ban hành được lấy ý kiến rộng rãi, phù hợp với quy định chung của quốc tế, và khi tham gia các FTA thì các chính sách này ngày càng được nâng cấp hơn. Thứ ba, tầm của doanh nghiệp (DN) cũng lớn hơn rất nhiều; các DN lớn trong một số lĩnh vực được coi là huyết mạch của nền kinh tế: Ngân hàng, viễn thông ngày càng phát triển và vươn tầm quốc tế.
Trái ngọt từ FTA mang lại đang thể hiện trên nhiều mặt, tuy nhiên, thể hiện rõ nét là qua con số tăng trưởng xuất khẩu tại các thị trường lớn của thế giới. Trong đó, phải kể Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang là động lực tích cực đối với xuất khẩu của Việt Nam. Hiện, kim ngạch xuất khẩu qua thị trường này luôn tăng trưởng, điển hình là thặng dư thương mại của Việt Nam tại hai thị trường Mexico và Canada đã đạt hơn 5 tỷ USD (năm 2019) và 6 tỷ USD (năm 2020). Về Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), sau 5 tháng có hiệu lực, kim ngạch tăng trưởng khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2019. Còn đối với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA), kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng sang Anh sau khi hiệp định có hiệu lực đã tăng trưởng cao.
Nhiều ý kiến cho rằng, so với giai đoạn đàm phán và ký kết, giai đoạn tổ chức thực thi các FTA sẽ khó khăn hơn nhiều đối với nền kinh tế Việt Nam. Xin ông điểm ra một số khó khăn cụ thể?
Trước hết, khó khăn hiện nay, đó là, các bộ, ngành, chính quyền địa phương dù mức độ nhận thức đối với hội nhập kinh tế nói chung và FTA nói riêng đã có sự thay đổi đáng kể nhưng nếu không có nhận thức tốt, phù hợp, không có động lực thực hiện cải cách, tạo dựng môi trường, chính sách hỗ trợ, liên kết các nguồn lực đồng nghĩa sẽ để tuột các cơ hội phát triển kinh tế cũng như cạnh tranh của DN.
Ngoài ra, chúng ta đang gặp thách thức về thực thi cam kết bền vững, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử…, nếu không quan tâm, cải thiện các vấn đề này thì sẽ rất khó khăn trong khai thác FTA. Mặt khác, hiện có nhiều DN quan tâm nhưng có một bộ phận DN vẫn còn thờ ơ, chưa chủ động nắm bắt, chưa chủ động kết nối, liên kết trong chuỗi sản xuất để tăng cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa.
Để hội nhập kinh tế quốc tế lên mức toàn diện, sâu rộng, Bộ Công Thương đang có những định hướng, cũng như nhiệm vụ trọng tâm nào trong giai đoạn mới để khai thác hiệu quả các FTA, thưa ông?
Vụ Chính sách thương mại đa biên được giao nhiệm vụ chủ trì và giải quyết những khó khăn trong thực hiện các FTA. Theo kế hoạch, vụ sẽ tập trung xây dựng chỉ số FTA (FTA Index). Nếu xây dựng được bộ chỉ số FTA sẽ giúp các cơ quan quản lý nâng cao các hoạt động, hành động thực thi FTA. Đồng thời, chúng tôi sẽ thúc đẩy đổi mới các hoạt động tuyên truyền về FTA phù hợp với thực tiễn hơn. Theo đó, thay vì tổ chức hội nghị, hội thảo chung chung sẽ đi sâu hơn vào các chuyên đề, sát với đời sống của DN. Ngoài ra, tăng cường gắn kết các nguồn lực khai thác FTA với nhau, tránh phân tán.
Cổng thông tin điện tử FTA Việt Nam đã đi vào hoạt động, tham vọng của chúng tôi là sử dụng địa chỉ này để DN truy cập, tìm hiểu về FTA, kết nối các bộ, ngành quản lý FTA để nắm các cơ chế, chính sách khai thác FTA.
Xin cảm ơn ông!