Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm CNHT |
Những hạn chế tồn tại
Tại Hội nghị Kết nối CNHT Đà Nẵng 2019 được tổ chức mới đây tại TP. Đà Nẵng, nhiều hạn chế, bất cập của DN CNHT đã được chỉ ra. Theo ông Lê Quang Dương - Chủ tịch Hiệp hội DN CNHT Việt Nam, khó khăn chủ yếu của DN CNHT hiện nay là tiếp cận vốn, đổi mới công nghệ và đầu ra của sản phẩm. Bên cạnh đó, việc hiện thực hóa các chính sách hỗ trợ DN CNHT chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Theo ông Ron Ashkin - Giám đốc Dự án kết nối DN nhỏ và vừa Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ, năng lực cạnh tranh của DN CNHT Việt Nam còn khá hạn chế so với nhiều quốc gia trong khu vực. Vì vậy, DN Việt Nam dễ bị thua thiệt và khó khăn khi muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các ý kiến chung tại hội nghị đều cho rằng, muốn phát triển, ngoài việc tiếp cận hệ thống chính sách hỗ trợ, DN CNHT phải chủ động mở rộng hợp tác, kết nối, phối hợp với nhau để cùng phát triển. Bên cạnh đó, các DN cũng đề nghị, cần có nhiều hơn nữa chương trình xúc tiến, kết nối cung - cầu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về CNHT để DN chủ động kết nối; có các cơ chế cụ thể để xác định ngành, nghề đó có phải CNHT hay không?...
Tăng cường tính liên kết
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển như hiện nay, việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu là điều tất yếu. Đây cũng là yếu tố quyết định sự sống còn và phát triển của CNHT Việt Nam.
Ông Trần Lê Phương - Phó Tổng giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast - cho rằng, các DN sản xuất nói chung, DN CNHT nói riêng chỉ thành công khi tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Muốn thực hiện điều đó, ngoài năng lực, DN phải có sự kiên trì và nắm bắt cơ hội.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng, các bộ, ban, ngành rất quan tâm đến phát triển công nghiệp nói chung, CNHT nói riêng. Bộ Công Thương đang tích cực, quyết liệt triển khai các định hướng, các chỉ đạo về phát triển CNHT. Trình độ, năng lực của DN CNHT Việt Nam đang ngày càng được nâng cao. Một số DN đã tham gia vào chuỗi cung ứng cho các đơn vị, tập đoàn lớn với sản phẩm chất lượng và được xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới. Các DN CNHT cũng đã dành sự quan tâm và chú trọng nhiều hơn trong việc tích cực áp dụng tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, các DN CNHT cần có sự tiếp cận thông tin về đường hướng phát triển của DN FDI, DN đầu cuối. Từ đó, chủ động đẩy mạnh sản xuất, cải thiện hiệu quả, năng suất sản xuất, đổi mới công nghệ để từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. "Đây là thách thức, đồng thời là yêu cầu "sống còn" của DN CNHT. Ngành CNHT của Việt Nam chỉ có thể tồn tại và phát triển nếu chúng ta có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu này" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Ông Trần Lê Phương - Phó Tổng giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast: Đầu ra của sản phẩm là thách thức lớn đối với DN. Chúng ta chỉ thành công khi tham gia được vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Vinfast kêu gọi các DN có năng lực cùng hợp tác, tạo sức cạnh tranh mới để Việt Nam tạo ra chuỗi cung ứng có sức cạnh tranh toàn cầu. |