Theo đó, Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp-công trình xây dựng năm 2022; Giải thưởng sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2022 đã chính thức được phát động. Sự kiện do Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) phối hợp với Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) tổ chức.
Xác định được vai trò của việc tiết kiệm năng lượng, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách liên quan cũng như phát động triển khai những hoạt động cụ thể để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả toàn xã hội như: Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ; hay Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030.
Chương trình đặt ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 5- 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025 và từ 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 đến năm 2030.
Phát biểu tại Lễ phát động ông Phương Hoàng Kim, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) khẳng định: “Năng lượng giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cùng với việc tìm kiếm những nguồn năng lượng mới, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được xem là giải pháp thiết thực, nhất là trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt”.
Ông Phương Hoàng Kim phát biểu tại Lễ phát động Giải thưởng |
Ông Phương Hoàng Kim cũng khẳng định, để đạt được mục tiêu kể trên, Bộ Công Thương đã xây dựng khung chương trình hành động hàng năm và 5 năm nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp, hướng tới rộng khắp các đối tượng. Trong đó hướng đến 03 nhóm đối tượng tiêu thụ năng lượng lớn gồm: doanh nghiệp công nghiệp, thương mại và công trình xây dựng.
Ông Nguyễn Đình Hiệp – Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam, đây là hoạt động thường niên trong chương trình VNEEP 3. Trong những năm qua Chương trình đã tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp khi tham gia Giải thưởng. Chúng tôi mong rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia và được tôn vinh tại Lễ trao Giải thưởng vào cuối tháng 12 năm 2022”.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Hiệp thì Giải thưởng được tổ chức với mục tiêu nhằm ghi nhận, tôn vinh những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, những công trình xây dựng tiêu biểu trong việc thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, tôn vinh các các doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sản phẩm tiết kiệm năng lượng có hiệu suất cao hơn, chuyển dịch thị trường và từng bước loại bỏ các sản phẩm hiệu suất thấp, tiêu tốn nhiều năng lượng.
Ông Markus Bissel – Trưởng hợp phần Hiệu quả năng lượng/Dự án 4E, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức (GIZ) cho rằng, Dự án 4E là dự án của GIZ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đạt được những mục tiêu chính trị về đẩy mạnh năng lượng tái tạo và hiệu quả trong đó Giải thưởng Hiệu quả năng lượng là một phần nội dung của Dự án 4E. Các cá nhân và doanh nghiệp tham gia Giải thưởng đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong tiết kiệm năng lượng.
Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp được Bộ Công Thương phối hợp Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam tổ chức lần đầu tiên năm 2017. Tính đến nay, giải thưởng đã thu hút sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp với 460 giải pháp tiết kiệm năng lượng. 26 cá nhân cũng đã được Bộ Công Thương và Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam vinh danh.
Hội đồng Ban Giám khảo Giải thưởng Hiệu quả năng lượng 2022 |
Với giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng, năm 2021 mặc dù là năm đầu tiên được tổ chức, nhưng giải thưởng vẫn thu hút 40 đơn vị cùng gần 220 giải pháp tiết kiết kiệm năng lượng. Kết quả, 22 công trình thuộc hạng mục công trình xây dựng mới và công trình cải tạo đáp ứng các tiêu chí của giải thưởng đã được tôn vinh và trao chứng nhận.
Với giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất, đây là năm thứ ba liên tiếp giải thưởng này được tổ chức. Tính đến nay, hơn 300 sản phẩm được công nhận và dán nhãn hiệu suất năng lượng cao nhất, 20 thương hiệu đã được Bộ Công Thương tôn vinh. Các sản phẩm bao gồm: điều hòa không khí, máy giặt, đèn led chiếu sáng, máy biến áp, động cơ điện.
Số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy, cả nước có hơn 2.900 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, nhưng tiêu thụ điện chiếm tới 33% tổng lượng điện tiêu thụ toàn quốc. Nếu các cơ sở tiêu thụ điện trọng điểm này tiết giảm khoảng 2% điện năng tiêu thụ/năm thì tương đương giảm 1,4 tỷ kWh, tức là tiết kiệm được khoảng 2.700 tỷ đồng.
Tương tự, với 27 triệu hộ gia đình, nếu tiết kiệm 1% điện thì mỗi năm cả nước tiết kiệm được 630 triệu kWh, tương đương 1.174 tỷ đồng. Tức là mỗi năm hai nhóm này có khả năng tiết kiệm tối thiểu 3.874 tỷ đồng. Trong khi đó, mức độ lãng phí năng lượng trong các công trình xây dựng tại Việt Nam còn khá lớn. Theo Bộ Xây dựng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng ước tính từ 30-35% với tỷ lệ gia tăng diện tích sàn đưa vào sử dụng hàng năm là trên 40%.
Thời gian nhận hồ sơ tham gia các giải thưởng bắt đầu từ ngày 26/8/2022 đến hết ngày 31/10/2022. Lễ công bố và trao giải dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 12 năm 2022.