Vũ điệu Chăm mừng Tết Ka Tê
CôngThương - Lễ hội sẽ được diễn ra với sự tham gia của các tỉnh, thành phố có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, An Giang, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh và một số đơn vị thuộc Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch. Đồng thời, các địa phương có di sản văn hóa Chăm như: Khánh Hòa, Quảng Nam và TP. Đà Nẵng cũng được mời tham dự, trưng bày, giới thiệu di sản.
Với chủ đề “Văn hóa Chăm- bảo tồn, phát huy và hội nhập”, ban tổ chức đã chọn thời gian diễn ra lễ hội vào đúng dịp Tết Ka tê (Tết của người Chăm) nhằm tôn tạo sự kiện văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Chăm, tạo điểm nhấn quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc vùng miền của Việt Nam trong lòng du khách trong nước và quốc tế.
“Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm- Ninh Thuận 2012” được xác định là ngày hội của đồng bào Chăm- Việt Nam và là nhịp cầu giao lưu, kết nối các dân tộc Việt. Các chương trình chính của Lễ hội sẽ được diễn ra tại 4 địa điểm: Khu du lịch tháp Pô Klongirai; sân vận động thôn Hữu Đức (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước); làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc (Thị Trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước).
Cùng với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí sôi nổi, hấp dẫn (bóng đá, bóng chuyền, chạy việt dã, đẩy gậy, kéo co, thi đội bình nước Chăm về đích, thi dệt thổ cẩm,…), chương trinh lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa và du lịch mang tâm cỡ quốc gia như:triển lãm ảnh về cộng đồng các dân tộc Việt Nam; giới thiệu văn hóa ẩm thực vùng đồng bào dân tộc Chăm; hội chợ - triển lãm “Kinh tế, văn hóa Chăm trên đường hội nhập”; giới thiệu sách về văn hóa Chăm; biểu diễn nghệ thuật; trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Chăm,… Đặc biệt, Hội thảo về bảo tồn, phát triển văn hóa Chăm được xem là một diễn đàn của các nhà nghiên cứu văn hoá Chăm, các nhà quản lý ngồi với nhau, đánh giá thực trạng nền văn hóa Chăm, đưa ra những giải pháp bảo tồn hữu hiệu và khai thác giá trị văn hóa Chăm hướng đến phát triển du lịch.
Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào dân tộc Chăm- Ninh Thuận 2012 không chỉ là cơ hội để quảng bá, tôn vinh bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Chăm; đồng thời còn là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo Chăm trong cả nước giao lưu gặp gỡ, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Chăm.
Cũng trong dịp này, Sở Văn hóa- Thể thao và du lịch Ninh Thuận sẽ phối hợp với Công ty Du lịch Ánh Dương đưa 150 khách Nga đến tham quan, khám phá vùng đất thiêng và những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Chăm. Đồng thời, Sở cũng sẽ hợp tác với các hãng lữ hành, khách sạn, nhà hàng tăng cường dịch vụ đón tiếp, phục vụ du khách chu đáo, mở thêm tour du lịch đến các điểm du lịch tiêu biểu như: tháp Pôklong Garai, 2 làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và gốm Bàu Trúc, các cơ sở làm rượu vang nho nổi tiếng của Ninh Thuận…