Lầu Năm Góc tiết lộ giá trị lô vũ khí sát thương gửi tới Ukraine
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1 năm 2021, hơn 56,1 tỷ USD "hỗ trợ an ninh" đã được cung cấp cho Ukraine.
Khi nhiệm kỳ của ông Biden sắp kết thúc, việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử tháng 11. Phó Tổng thống Kamala Harris dự kiến sẽ tiếp tục chính sách hiện tại đối với Ukraine nếu bà thắng cử, trong khi ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump lại đe dọa cắt giảm viện trợ cho Kiev.
Đài RT cho biết, theo một bảng thông tin do Lầu Năm Góc công bố vào ngày 30/7, kể từ khi xung đột giữa Kiev và Moscow bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, Mỹ đã phân bổ hơn 55,4 tỷ USD viện trợ cho Ukraine.
Bảng tài liệu liệt kê một loạt vũ khí phòng không, hệ thống pháo binh, súng cối, tên lửa chống tăng và chống hạm, xe tăng, trực thăng, máy bay không người lái và nhiều loại thiết bị chiến trường khác.
Cũng vào thứ Hai, Lầu Năm Góc đã công bố gói viện trợ mới trị giá 1,7 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm chủ yếu đạn dược phòng không, đạn pháo và súng cối, vũ khí cá nhân và chất nổ. Đây là đợt cung cấp thiết bị lần thứ 62 từ kho của Lầu Năm Góc dành cho Ukraine kể từ tháng 8/2021, theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Trước đó, các đề xuất viện trợ cho Kiev đã gặp khó khăn trong việc nhận được sự ủng hộ từ lưỡng đảng. Một gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD đã bị đình trệ trong nhiều tháng tại Quốc hội đầu năm nay do sự phản đối từ đảng Cộng hòa, trước khi được thông qua vào tháng Tư.
Căng thẳng Trung Đông tột độ: Israel sẵn sàng "ăn miếng trả miếng"
Theo tờ The Guardian đưa tin, một thường dân Israel đã thiệt mạng và một người khác bị thương sau hai đợt tấn công bằng rocket từ Lebanon. Sự việc này làm gia tăng áp lực chính trị trong nước, kêu gọi Israel đáp trả Hezbollah mạnh mẽ hơn, đồng thời gây khó khăn cho nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng của Mỹ.
Mỹ đang dẫn đầu nỗ lực ngoại giao toàn cầu nhằm ngăn chặn Israel tấn công Beirut hoặc cơ sở hạ tầng của Lebanon, sau vụ tấn công rocket cuối tuần qua tại Cao nguyên Golan khiến 12 trẻ em thiệt mạng. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố sẽ có phản ứng "cứng rắn". Các cuộc không kích vào Lebanon trong hai ngày Chủ nhật và thứ Hai, khiến một chiến binh Hezbollah thiệt mạng, được coi là động thái ban đầu trong khi chính phủ và quân đội Israel đang cân nhắc các lựa chọn.
Các cuộc tấn công bằng rocket hôm thứ Ba, khiến một người đàn ông 30 tuổi thiệt mạng tại HaGoshrim, càng làm Israel gia tăng áp lực này. Hezbollah và Israel đã trao đổi hỏa lực qua biên giới Lebanon từ tháng 10 năm ngoái, với các cuộc giao tranh hàng ngày ngày càng gia tăng. Hàng chục nghìn người đã phải rời bỏ nhà cửa ở cả hai phía biên giới.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm thứ Ba cho biết ông không tin chiến tranh toàn diện là "không thể tránh khỏi". Các nhà ngoại giao Mỹ đang kêu gọi cả hai bên kiềm chế, đồng thời gửi thông điệp tới Hezbollah thông qua các bên trung gian, bao gồm cả Ngoại trưởng Lebanon.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, nhiều quốc gia đã kêu gọi công dân rời khỏi Lebanon hoặc tránh đến đây. Nhiều hãng hàng không đã hủy chuyến bay tới Beirut.
Phản ứng của Mỹ trước nguy cơ "chiến tranh toàn diện" ở Trung Đông
Theo tờ Politico của Mỹ ngày 30/7, chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết lo ngại về một cuộc xung đột lớn hơn giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Liban nổ ra là "phóng đại", ngay cả khi một số quan chức Israel báo hiệu rằng hành động trả đũa có thể sớm xảy ra.
Israel và Mỹ đã đổ lỗi cho Hezbollah về một cuộc tấn công vào cuối tuần khiến hàng chục trẻ em thiệt mạng tại Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát. Hezbollah đã phủ nhận mọi sự liên quan. Vào đêm 28/7, nội các an ninh của Israel đã trao quyền cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant thực hiện một cuộc tấn công quân sự để đáp trả.
Các quan chức cấp cao của Israel đang công khai sử dụng ngôn từ mạnh mẽ để cảnh báo Hezbollah rằng giao tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào. “Chúng ta đang ở bờ vực của một cuộc chiến tranh khu vực hoặc thế giới. Việc sát hai những trẻ em vô tội đó đã vượt qua ranh giới đỏ”, Fleur Hassan-Nahoum, đặc phái viên của Israel về các vấn đề đối ngoại, cho biết trong một tin nhắn văn bản.
Nguy cơ "chiến tranh toàn diện" ở Trung Đông |
Gregory Meeks, thành viên cấp cao thuộc đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ, cũng cảnh báo rằng khu vực này đang ở giữa hòa bình và "chiến tranh toàn diện" khi phát biểu trên kênh CNN vào ngày 29/7.
Thượng nghị sĩ Ben Cardin, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho biết đây là "tình hình nóng bỏng" giữa Israel và Hezbollah hiện nay. “Mỗi lần có chuyện gì đó xảy ra như chúng ta đã thấy trong vài ngày qua, nó chỉ làm tăng khả năng leo thang. Thật đáng lo ngại", ông Cardin nêu rõ.
Nhưng người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói với các phóng viên rằng những dự đoán về một cuộc chiến tranh toàn diện là "phóng đại", trích dẫn "những cuộc thảo luận mà chúng tôi đã có".
Khi căng thẳng tăng lên trong khu vực, thì mối lo ngại cũng tăng theo: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đã cảnh báo sẽ gửi quân đến Israel để can thiệp thay mặt cho người Palestine. Đức hôm 29/7 đã kêu gọi Iran và các nước khác ngăn chặn sự leo thang, trong khi các hãng hàng không đã đình chỉ các tuyến bay và hủy các chuyến bay đến Beirut cùng ngày do lo ngại về sự leo thang.
Nhưng Nhà Trắng đang "nỗ lực không tiếp tay cho lời lẽ về sự tất yếu của chiến tranh từ phe cánh hữu của Israel", Aaron David Miller, cựu nhà đàm phán hòa bình Trung Đông cho biết.