90% thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam là JET và HERO |
Theo lập luận của Sumatra, căn cứ của Vinataba không hợp lý và cho rằng không áp dụng được Điều 95.1d, Luật Sở hữu trí tuệ do thuốc lá mang nhãn hiệu JET và HERO nói riêng và các loại thuốc lá khác đã bị Việt Nam cấm nhập khẩu, hoặc hạn chế sản xuất.
Phản bác ý kiến này, Vinataba cho rằng, lập luận của Sumatra hoàn toàn không có căn cứ, bởi sản phẩm thuốc lá không bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam. Cùng với sự ra đời của Luật Phòng chống Tác hại Thuốc lá 2012, Nghị định 67/2013/NĐ-CP về kinh doanh thuốc lá, và một số văn bản pháp luật có liên quan, cũng như khung pháp lý đã có trước đây, Việt Nam đang có một cơ chế khá rõ ràng cho việc sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh sản phẩm thuốc lá tại Việt Nam.
Trên thực tế, một số công ty thuốc lá lớn trên thế giới đã tiến hành thành lập các công ty liên doanh (BAT, Philip Morris) hay ký kết các hợp đồng sản xuất với các đối tác Việt Nam (JTI, Imperial) để tiến hành sản xuất và tiêu thụ hợp pháp các sản phẩm thuốc lá của họ tại Việt Nam. Vì vậy, lập luận của Sumatra về rào cản pháp lý cho việc kinh doanh hợp pháp sản phẩm của họ tại Việt Nam là hoàn toàn không có căn cứ.
Theo Sumatra, công ty này đã sử dụng nhãn hiệu và cung cấp các sản phẩm mang nhãn hiệu JET và HERO vào thị trường Việt Nam thông qua các cửa hàng miễn thuế tại các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và thông qua kênh phân phối hợp pháp (có dấu của hải quan tại cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh) để bán trong chuỗi siêu thị miễn thuế của công ty TNHH Thế kỷ vàng.
Tuy nhiên, công ty này không chứng minh được mối quan hệ giữa họ với bên được nêu tên trên bao bì thuốc lá, bên bán hàng từ Singapore, bên nhập khẩu tại Việt Nam; giữa các bên này hoàn toàn không có hợp đồng li-xăng được ghi nhận tại Cục Sở hữu trí tuệ cho việc sử dụng nhãn hiệu tại Việt Nam, nên việc sử dụng nhãn hiệu bởi các bên này không được coi là việc sử dụng nhãn hiệu của Sumatra.
Nếu chứng minh được việc này, thì việc bán hàng tại cửa hàng miễn thuế như được Sumatra đưa ra trong các công văn phúc đáp, trong hoàn cảnh và tình huống cụ thể của vụ việc này, tức là trên một thị trường hoàn toàn phân biệt với thị trường nội địa, hàng hóa chỉ được coi là hàng tạm nhập, tái xuất, không phải là hàng nhập khẩu và đối tượng tiếp cận vô cùng hạn chế (người tiêu dùng buộc phải xuất cảnh, nhập cảnh thì mới có thể tiếp cận với sản phẩm này), cũng không được coi là việc sử dụng thực sự nhãn hiệu tại thị trường nội địa Việt Nam.
Các công văn ngày 31/12/2015 và 6/1/2016 của Trung tâm thông tin và thương mại trực thuộc Bộ Công Thương đề cập tới việc Sumatra sử dụng nhãn hiệu JET và HERO tại Việt Nam đã bị rút bỏ vào ngày 5/2/2016 bởi không có căn cứ kết luận việc tồn tại 2 nhãn hiệu JET và HERO của Sumatra trên thị trường.
Vì vậy, việc Vinataba đang tiến hành việc đề nghị hủy bỏ/đình chỉ hiệu lực nhãn hiệu JET và HERO theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, là quyền của bất kỳ bên thứ ba nào, và cơ quan nhà nước Việt Nam. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ quyết định về việc có hủy bỏ/đình chỉ hiệu lực nhãn hiệu của Sumatra hay không. Vì vậy, việc đề nghị hủy bỏ/đình chỉ hiệu lực nhãn hiệu JET và HERO do Vinataba tiến hành hoàn toàn dựa trên cơ sở pháp luật Việt Nam và phù hợp với các quy định quốc tế. Do đó, Vinataba cho rằng, không có cơ sở để khởi kiện Vinataba do hành vi đề nghị hủy bỏ/đình chỉ hiệu lực nhãn hiệu.
Theo các thống kê từ Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, số lượng thuốc lá JET và HERO nhập lậu vào thị trường Việt Nam là khoảng 17.8 tỷ điếu thuốc/năm. Đây là một con số khổng lồ, nếu so sánh với lượng thuốc lá mà Sumatra cho rằng họ đang bán ở cửa hàng miễn thuế tại hai sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và cửa khẩu Mộc Bài, chỉ khoảng 1 triệu điếu thuốc lá/năm (chiếm khoảng 0.05 phần nghìn so với lượng thuốc lá JET và HERO nhập lậu).
Tuy nhiên, Sumatra hoàn toàn không có một động thái nào trong việc xin cấp phép sản xuất/nhập khẩu sản phẩm thuốc lá của họ vào Việt Nam, cũng như kiểm soát tránh việc sản phẩm thuốc lá của họ bị nhập lậu. Điều này đã dẫn tới việc người tiêu dùng Việt Nam phải sử dụng một lượng lớn thuốc lá nhập lậu, không chịu bất kỳ kiểm soát nào về mặt chất lượng sản phẩm cũng như an toàn vệ sinh y tế, gây tác hại lớn cho sức khỏe người tiêu dùng, nhà nước bị thất thu một lượng thuế lớn (khoảng 6-8 nghìn tỷ đồng Việt Nam/năm), các nhà sản xuất thuốc lá hợp pháp tại Việt Nam muốn sản xuất sản phẩm thay thế hàng nhập lậu lại bị ngăn cản bởi quyền nhãn hiệu hiện đang do Sumatra nắm giữ. Vì vậy, việc Sumatra nắm giữ quyền nhãn hiệu mà không tiến hành/có ý định tiến hành việc sản xuất/nhập khẩu sản phẩm hợp pháp, không kiểm soát hàng nhập lậu đã “gián tiếp” tiếp tay cho việc buôn lậu thuốc lá vào Việt Nam, gây các tác hại như đã nêu trên.
Đại diện Công ty luật Vision & Associates đặt câu hỏi, Sumatra không thể không biết tới sự vận chuyển lậu một lượng hàng hóa lớn như vậy vào Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về việc nhập lậu thuốc lá JET và HERO. Việc bắt các đối tượng tham gia vận chuyển thuốc lá lậu và các tin bài này luôn đi kèm ảnh chụp các sản phẩm thuốc lá JET và HERO bị bắt giữ. Việc nhập lậu này ảnh hưởng trực tiếp tới Sumatra, tại sao công ty này lại thơ ơ, im lặng, bỏ ngỏ một thị trường ước tính khoảng hơn 500-600 triệu đô la Mỹ mỗi năm.
Thuốc lá JET và HERO chỉ được phân phối tại một số thị trường bao gồm Camphuchia, Singapo (số lượng rất nhỏ), và chủ yếu là Việt Nam. Thị trường thuốc lá JET và HERO tại Việt Nam là khoảng 500-600 triệu đô la Mỹ/năm. Đây là một thị trường rất lớn, tuy nhiên, Sumatra dường như bỏ qua thị trường này, trong khi chỉ bán một số lượng rất nhỏ tại cửa hàng miễn thuế tại sân bay.
Vấn đề ở chỗ, liệu một nhà kinh doanh thông thường có làm như vậy, hay việc bán với số lượng nhỏ tại cửa hàng miễn thuế này là nhằm che giấu cho hành vi buôn lậu?