Những phụ nữ đi lao động ở Thái Lan trở về |
Hơn 3 năm trước, chị Đậu Thị Hiền ở xóm Bắc Thịnh làm thủ tục sang Thái Lan, được người đồng hương giới thiệu vào phục vụ quán ăn một gia đình Việt Kiều. Với mức lương chừng 4 triệu tiền Việt/tháng, trừ chi phí ăn, ở thì chẳng được là bao, nếu bị cảnh sát bắt, tất cả sẽ bị chuyển về trại giam, muốn ra phải nộp tiền chuộc chừng 20 triệu đồng tiền Việt. Hiền đi làm được 3 năm đã hai lần vào “khám”. Mỗi một lần bị giam giữ từ 7 - 9 ngày.
Không riêng chị Hiền, đa phần thanh niên xóm Bắc Thịnh không có việc làm đều chọn đi xuất ngoại bởi chi phí thấp (mất 1 triệu đồng tiền vé và 200.000 đồng làm hộ chiếu), quãng đường ngắn và thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, đến nay, Thái Lan và Việt Nam chưa ký kết hợp tác lao động nên tất cả bị gọi là lao động “chui”, họ đi theo con đường du lịch, không được cư trú hợp pháp lâu dài.
Cũng phải thấy rằng, nhu cầu lao động của Thái Lan khá lớn nhưng không hẳn người Việt Nam nào sang đấy cũng dễ tìm việc bởi đa phần là lao động phổ thông, trình độ thấp, không có tay nghề và nhiều người ý thức kỷ luật kém. Một thiệt thòi nữa là không được nhập cảnh hợp pháp nên không có ông chủ nào ký hợp đồng lâu dài mà tìm cách lách luật, chèn ép không cho người lao động được hưởng bảo hiểm hoặc các chính sách lao động theo quy định của pháp luật. Người lao động dẫu có bất bình cũng đành phải chấp nhận khi đi theo con đường đầy rủi ro này.
Ông Lê Đình Tý - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh- huyện Hưng Nguyên - chia sẻ: Nhiều trường hợp bị cơ quan chức năng nước sở tại bắt, giam giữ và đuổi về nước vì không có hộ chiếu, hoặc có giấy tờ nhưng trái mục đích cho phép của thị thực. Số phụ nữ Việt lấy chồng người Thái Lan tương đối nhiều và có xu hương tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự, đã xảy ra một số trường hợp phụ nữ bị lừa bán sang Thái Lan làm vợ hoặc sa vào các ổ mại dâm... Theo ông Bùi Bắc Thái - Phó Chủ tịch thường trực Hội Hữu nghị Việt – Thái, nhiều người lao động đi chui vẫn biết là rủi ro, nhưng vì mưu sinh họ vẫn sẵn sàng đánh cược với số phận mong tìm được một công việc thu nhập cao ở xứ người.
Theo thống kê của Sở Lao đông, Thương binh & Xã hội Nghệ An, hiện Nghệ An có hơn 800 người đang làm việc tự do ở Thái Lan. Tuy nhiên, con số thực tế lớn hơn nhiều do người dân đi về tự do không thông báo với chính quyền địa phương, gây khó khăn trong việc nắm bắt, quản lý nhân khẩu và công tác quản lý lao động; tiềm ẩn nguy cơ phức tạp an ninh trật tự trên địa bàn, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trước mắt, trong khi chờ Chính phủ 2 nước ký kết hợp tác lao động, cần tăng cường tuyên truyền cho người lao động hiểu quy định của pháp luật, những khó khăn, rủi ro đối với hình thức lao động tự do và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài; kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân lôi kéo đưa người sang làm việc và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài... |