Từ phát hiện mang tính quyết định…
Trên những đỉnh núi cao chót vót của biên giới Lào Cai, nơi đang phải hứng chịu những tổn thất nặng nề từ cơn bão Yagi, mưa lũ đã hoành hành dữ dội, câu chuyện về lòng dũng cảm và sự hy sinh đã làm lay động trái tim của biết bao người. Không chỉ là hình ảnh của những chiến sĩ ngày đêm khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, nhiều người đã gác hết công việc riêng để hành trình trên những chuyến xe 0 đồng mang theo bao sự sẻ chia đến với đồng bào vùng lũ. Và còn đó, câu chuyện về trưởng bản Ma Seo Chứ, người đã trở thành vị cứu tinh của 115 nhân khẩu thôn Kho Vàng, Lào Cai trước thảm họa sạt lở.
Nói về tình hình hiện tại của cả làng, anh Chứ cho biết: “Hiện, tình hình sức khoẻ của người dân trong thôn ổn định. Chiều 11/9, chính quyền đã vận chuyển lương thực, đồ dùng thiết yếu đến khu lán tránh nạn tạm thời nên người dân không còn phải lo thiếu thức ăn nữa”.
Khu lán tạm của 17 hộ dân thôn Kho Vàng. Ảnh Seo Chứ |
Theo hồi ức của anh Chứ, sáng 9/9, khi những cơn mưa như trút nước không ngừng trút xuống, vị trưởng bản 33 tuổi đã nhận ra những dấu hiệu báo trước tai họa đang cận kề. Anh cùng 7 thanh niên trong thôn đi kiểm tra xung quanh quả đồi phía trên làng. Họ kinh hoàng phát hiện ra một vết nứt dài 30 mét và rộng 20 cm, nằm ngay phía trên ngôi làng. Nguy cơ sạt lở là vô cùng cao.
Không một phút chần chừ, Chứ lập tức vận động cả thôn gồm 17 hộ dân với 115 người thôn Kho Vàng di dời lên một ngọn núi cách đó 1km. Anh chạy từ nhà này sang nhà khác, gõ cửa từng hộ dân, vận động họ rời khỏi nơi nguy hiểm.
“Nhận thấy nguy cơ sạt lở cao nên chúng tôi đã chia nhau đi thông báo với mọi người. Khi được vận động di dời, đa số mọi người đều tán thành, chỉ có một số ít hộ không đồng ý nhưng sau khi được giải thích cũng đã lên đường”, anh Chứ kể lại.
Vừa đi vừa đợi, hỗ trợ nhau từng bước trong cơn mưa như trút nước, những người khoẻ mạnh được giao nhiệm vụ vác gạo. Sau 30 phút đi bộ, khoảng 12h30, cả thôn đã đến địa điểm lánh nạn.
Họ dựng lên những chiếc lán tạm bằng tre và luồng, căng bạt che mưa che nắng. Mặc dù phải rời bỏ nhà cửa và tài sản của mình, nhưng họ biết rằng sự sống còn của họ là quan trọng nhất.
Trưởng làng 9X kể lại: “Khi đoàn người đang di chuyển, tôi có bảo một nhóm đi trước khảo sát tình hình và chọn địa điểm dựng lán. Sau khi đến nơi, mỗi người một công việc giúp nhau chặt tre, luồng về dựng lán, làm giường rồi căng bạt. Khoảng 14h30, khu lán đã hoàn thành”.
… Đến cứu sống cả dân làng
Trong 2 ngày dài bị cô lập khỏi thế giới bên ngoài, 115 người dân thôn Kho Vàng đã phải tự xoay sở để sinh tồn. Nói về cuộc sống 2 ngày tách biệt với thế giới bên ngoài tại nơi trú tránh, anh Chứ cho biết, cuộc sống rất vất vả nhưng đây là những ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời của 115 người.
Người dân trong thôn lấy gạo và thức ăn đã mang theo, luộc măng rừng, tìm nguồn nước sạch cách đó gần 400 mét, và thậm chí còn tự chế đèn chiếu sáng bằng ống tre đổ dầu. Họ dựa vào nhau để vượt qua nỗi sợ hãi và sự bất tiện, chia sẻ thức ăn và hỗ trợ nhau trong mọi công việc.
Đến trưa 11/9, sau khi tìm được khu lán tạm, chính quyền xã đã cử lực lượng chức năng vận chuyển lương thực lên hỗ trợ người dân thôn Kho Vàng ổn định cuộc sống, hướng dẫn nhân dân phương án phòng, chống thiên tai.
Trưa 11/9, người dân nhận thêm đồ tiếp tế từ công an và chính quyền xã. Ảnh: Seo Chứ |
Sự sáng suốt và lòng dũng cảm của Chứ đã trở thành ngọn hải đăng trong đêm bão tố, dẫn lối cho 115 nhân khẩu tìm thấy sự sống. Nếu không có anh, có lẽ thôn Kho Vàng cũng đã phải chịu chung số phận đau thương với làng Nủ, nơi cơn thịnh nộ của thiên nhiên đã cướp đi sinh mạng của 46 người và khiến 41 người khác mất tích (thông tin tính đến 8h30 ngày 13/9).
Câu chuyện về kế hoạch táo bạo và lòng dũng cảm của trưởng bản Ma Seo Chứ đã lan truyền khắp nơi, trở thành nguồn cảm hứng cho sự đoàn kết và sức mạnh của con người trước thiên tai. Anh đã chứng minh rằng ngay cả trong những thời khắc đen tối nhất, lòng can đảm và sự hy sinh có thể tạo nên phép màu, cứu sống những sinh mạng vô tội.
Cơn bão Yagi đi qua đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cả về tính mạng và tài sản con người, có nhiều mất mát không thể bù đắp được. Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), báo cáo của các địa phương cho thấy tính đến 7 giờ ngày 13/9 đã có 336 người chết, mất tích (233 người chết, 103 người mất tích), tăng 36 người chết (Lào Cai 16, Cao Bằng 09, Yên Bái 06, Tuyên Quang 03, Vĩnh Phúc 01, Phú Thọ 01) so với báo cáo ngày 11/9.
Lào Cai hiện là địa phương có nhiều người chết và mất tích với 179 người (98 người chết, 81 người mất tích) gồm: Bảo Yên 110, Sa Pa 09, Bát Xát 17, Si Ma Cai 07, Bắc Hà 34, Văn Bàn 02.