Lào Cai tổ chức festival sông Hồng năm 2024 với nhiều hoạt động hấp dẫn Lào Cai: Sản xuất công nghiệp tăng trưởng, sản phẩm chủ lực tiêu thụ thuận lợi |
Theo UBND tỉnh Lào Cai, hiện nay, trên địa bàn Lào Cai có 5 doanh nghiệp nhà nước do UBND tỉnh quản lý, gồm: 3 Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ (Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Lào Cai, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Yên, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Văn Bàn) và 2 Công ty cổ phần nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (Công ty CP Môi trường đô thị tỉnh Lào Cai vốn nhà nước năm giữ là 51%; Công ty CP cấp nước Lào Cai nhà nước nắm giữ 92,09% vốn).
Có 2 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Yên, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Văn Bàn). 1 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính (Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết Lào Cai); 2 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh dịch vụ (Công ty CP môi trường đô thị Lào Cai, Công ty CP cấp nước Lào Cai)…
Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lào Cai giám sát tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Yên (Ảnh: CTTĐTLC) |
Thực hiện Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành các quyết định, kế hoạch thực hiện đối với 3 doanh nghiệp gồm: Duy trì loại hình công ty TNHH MTV giai đoạn 2022-2025 đối với Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Lào Cai; giữ nguyên tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ đến năm 2025 đối với Công ty CP Cấp nước tỉnh Lào Cai và Công ty CP Môi trường đô thị tỉnh Lào Cai. Đối với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Văn Bàn và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Yên: Tạm thời tiếp tục giữ nguyên loại hình là doanh nghiệp nhà nước giữ 100% vốn điều lệ do chờ văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn…
Vừa qua, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lào Cai đã tiến hành giám sát chuyên đề việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Qua giám sát cho thấy, trong những năm qua, tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước cơ bản ổn định, cơ cấu cơ bản hợp lý, năng lực sản xuất, hiệu quả hoạt động. Các doanh nghiệp vừa thực hiện sản xuất kinh doanh vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội đáng kể như: Giải quyết việc làm cho hơn 1.100 lao động thường xuyên; không ngừng tăng doanh thu, góp phần tăng thu nhập xã hội và nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội; đảm bảo nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước…
Tuy nhiên, qua báo cáo của các doanh nghiệp thấy rằng, mặc dù từ năm 2021 đến nay các doanh nghiệp đều có lãi, nhưng tỉ suất lợi nhuận của không cao. Ngành nghề kinh doanh hầu như chỉ trong phạm vi nhà nước đặt hàng, chưa phát triển sản xuất đủ ngành nghề theo đăng ký kinh doanh. Các công ty TNHH MTV lâm nghiệp chịu lỗ lũy kế kéo dài nên đang phải gồng mình khắc phục hậu quả. Công tác quản lý, điều hành hoạt động của một số doanh nghiệp vẫn còn yếu, bộ máy quản lý chưa thực sự phát huy trách nhiệm trong lãnh đạo, điều hành. Hiệu quả sử dụng vốn và tài sản, đất đai chưa cao. Hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa tương xứng với lợi thế và quy mô vốn của các doanh nghiệp. Quy mô và tốc độ tăng vốn chủ sở hữu còn rất nhỏ và chậm. Việc quản lý, khai thác tài nguyên rừng chưa đúng mức, còn lãng phí. Còn một số công trình xây dựng cơ bản (công trình cấp nước sinh hoạt của các địa phương) chưa khai thác hết công năng, thậm trí việc giao quản lý còn chưa rõ ràng.
Việc đầu tư vốn ra ngoài của các doanh nghiệp không có hiệu quả nhưng chưa có giải pháp xử lý kịp thời. Một số doanh nghiệp còn chưa chú trọng đến việc trích lập dự phòng và các quỹ của doanh nghiệp đảm bảo tỷ lệ theo quy định. Còn có doanh nghiệp có diện tích đất đang quản lý, sử dụng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thiếu căn cứ pháp lý để khẳng định quyền sử dụng đất. (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Yên; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Văn Bàn).
Việc theo dõi, quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp của các cơ quan quản lý nhà nước còn chưa thường xuyên; công tác giám sát chủ yếu qua báo cáo của các doanh nghiệp. Công tác sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước từ năm 2021 đến nay có chiều hướng chững lại, không có sự rà soát để đề xuất phương án xử lý kịp thời.
Do đó, việc sắp xếp đổi mới đối với doanh nghiệp nhà nước phải đi theo hướng quản trị doanh nghiệp. Từ đó tạo ra một cấu trúc, tổ chức doanh nghiệp hợp lý, phù hợp với đặc điểm ngành nghề kinh doanh và mục tiêu của doanh nghiệp. Đổi mới quản trị doanh nghiệp sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, lâu dài, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.