Lào Cai: Mục tiêu ngành hàng chủ lực đạt 10.445 tỷ đồng
Tập trung vào 6 ngành hàng chủ lực
Ngày 17/2, theo thông tin từ UBND tỉnh Lào Cai, triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND (ngày 13/02/2025) hướng đến mục tiêu giá trị các ngành hàng chủ lực đạt trên 10.445 tỷ đồng trong năm 2025.
Lào Cai ban hành kế hoạch hướng đến mục tiêu giá trị các ngành hàng chủ lực đạt trên 10.445 tỷ đồng trong năm 2025. Ảnh: GĐTT |
Theo Nghị quyết số 10-NQ/TU, đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lào Cai tập trung vào 6 ngành hàng chủ lực (cây chè, cây dược liệu, cây chuối, cây quế, cây dứa, chăn nuôi lợn) và phát triển sản xuất lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng theo hướng bền vững.
Mục tiêu năm 2025 thực hiện chuyển đổi khoảng 2.6251 ha đất sản xuất nông nghiệp, đất đồi rừng kém hiệu quả sang trồng mới các cây trồng chủ lực, tiềm năng (dược liệu, chè, chuối, dứa, quế, cây ăn quả...). Đồng thời, đặt mục tiêu cụ thể đối với từng ngành hàng chủ lực. Trong đó cây chè tập trung phát triển vùng nguyên liệu, cải tạo, thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng; trồng mới 199 ha, nâng tổng diện tích chè lên 8.797 ha, giá trị đạt trên 700 tỷ đồng.
Đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; trồng mới 430 ha cây dược liệu hàng năm, nâng diện tích cây dược liệu hàng năm lên 1.540 ha, giá trị đạt 700 tỷ đồng. Xây dựng vùng sản xuất cây chuối tập trung theo hướng VietGAP, cấp mã vùng trồng; trồng mới 1.150 ha nâng diện tích cây chuối toàn tỉnh lên 3.500 ha, giá trị đạt trên 800 tỷ đồng.
Phát triển vùng sản xuất dứa chuyên canh theo phương pháp rải vụ, áp dụng khoa học - kỹ thuật; trồng mới 240 ha dứa, nâng diện tích dứa toàn tỉnh lên 2.598 ha, giá trị đạt trên 350 tỷ đồng. Duy trì vùng trồng quế tập trung, theo hướng sản xuất hàng hóa, trồng mới 200 ha nâng diện tích quế lên trên 61.000 ha, giá trị đạt 1.406 tỷ đồng…
Phát triển sản xuất lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng theo hướng bền vững; vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung đạt 114.000 ha, giá trị trên 4.288 tỷ đồng (bao gồm ngành hàng quế).
Xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến
Năm 2025, tỉnh Lào Cai sẽ tập trung rà soát, chuyển đổi 320 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng chè mới đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Thu hút đầu tư thêm 02 cơ sở chế biến (Bảo Yên, Bát Xát) quy mô doanh nghiệp/hợp tác xã với tổng công suất thiết kế của các nhà máy chế biến đạt trên 40.000 tấn/năm. Đồng thời, nâng công suất dây chuyền chế biến hiện đại, nâng tỷ lệ sử dụng máy móc vào chế biến chè đạt trên 80%. Đầu tư công nghệ chế biến sâu, đa dạng mẫu mã, nâng giá trị sản phẩm/đơn vị canh tác từ 10 - 15% so với năm 2022; nâng tỷ lệ chế biến chè xanh lên 20 - 30%. Từng bước tăng tỷ lệ xuất khẩu sang các nước EU, Đông Âu, Đài Loan (Trung Quốc).
Đẩy mạnh liên kết sản xuất, gắn vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến, /chu-de/hoi-nghi-ket-noi-san-xuat-va-tieu-thu-san-pham.topic. Phấn đấu đến hết năm 2025, diện tích cây dược liệu đạt 4.755 ha. Chủ yếu sử dụng giống atiso, cát cánh, đương quy, xuyên khung, chùa dù… Thực hiện chuyển đổi khoảng 80 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu hàng năm. Thu hút đầu tư xây dựng 06 cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm tại vùng sản xuất cây dược liệu tập trung. Trước mắt, tập trung vào thị trường tiêu thụ trong nước, từng bước đề xuất cơ chế ưu tiên tiêu thụ dược liệu sản xuất trong nước.
Tuỳ thuộc vào nhu cầu thị trường và khả năng thu mua của doanh nghiệp để bố trí cơ cấu giống cho phù hợp như chuối tiêu xanh, chuối tây, chuối ngự Đại Hoàng và giống mới như GL3-2, GL3-5 và các giống khác. Hỗ trợ doanh nghiệp sớm hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành dự án nhà máy sản xuất sợi dệt và tinh bột chuối Musa Golden Lào Cai tại Bảo Thắng. Phấn đấu năm 2025, trên 90% sản lượng được xuất khẩu chính ngạch. Trong thời gian tới, chủ động mở rộng và phát triển xuất khẩu chuối thành phẩm (chuối sấy dẻo, chuối sấy...) sang thị trường Nga, EU.
Tiếp tục duy trì và phát triển vùng sản xuất dứa trên địa bàn Lào Cai hết năm 2025 đạt 2.598 ha. Tiếp tục thu hút thêm các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm với công suất phù hợp với vùng nguyên liệu tại huyện: Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng... phấn đấu trên 50% sản lượng dứa được chế biến, đóng hộp tại chỗ. Tập trung chế biến sâu các sản phẩm từ dứa, mở rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ và các nước EU.
Năm 2025, tập trung chăm sóc tốt diện tích 60.830 ha quế hiện có, tiếp tục trồng mới 198 ha. Hình thành vùng trồng quế tập trung, theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tại các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Bắc Hà, Văn Bàn. Cấp chứng nhận thêm khoảng 1.000 ha quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Năm 2025, kêu gọi 1 doanh nghiệp vào liên kết sản xuất và chế biến sâu các sản phẩm từ quế tại huyện Bảo Yên; đẩy nhanh xây dựng, triển khai hoạt động nhà máy chế biến quế của công ty Vinasimex tại huyện Bảo Thắng. Khuyến khích sản xuất, xuất khẩu các thị trường khó tính; tìm kiếm thị trường lâm sản xuất khẩu, tập trung vào thị trường Mỹ và các nước châu Âu.
Theo kế hoạch, nhu cầu vốn thực hiện phát triển nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2025 là gần 1.200 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất cây trồng chủ lực, tiềm năng và hỗ trợ phát triển chuỗi, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản. |