Lào Cai có 5 mô hình, sáng kiến hay trong xây dựng nông thôn mới năm 2023 Lào Cai: Thu ngân sách 2 tháng đầu năm đạt trên 1.520 tỷ đồng |
Thông tin từ UBND tỉnh Lào Cai cho biết, theo thống kê hàng năm và ghi nhận, phân tích chuỗi số liệu quan trắc về tình hình thiên tai 10 năm trở lại đây, kết hợp với nhận định diễn biến thời tiết năm 2024, Lào Cai có thể xảy ra 9 loại hình thiên tai trong năm gồm: Bão và áp thấp nhiệt đới; mưa lớn; lũ, ngập lụt; lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy; nắng nóng; hạn hán; sương mù; lốc, sét, mưa đá; rét hại, sương muối.
Mưa lũ hàng năm gây thiệt hại lớn tại Lào Cai (Ảnh: BBP) |
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định dân cư… Phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai năm 2024 vừa được UBND tỉnh Lào Cai ban hành tại Quyết định số 434/QĐ-UBND ngày 8/3/2024.
Trong năm 2024, cấp độ rủi ro thiên tai có khả năng ảnh hưởng đến tỉnh Lào Cai cao nhất là cấp 3 đối với các loại hình thiên tai: Bão và áp thấp nhiệt đới; lũ, ngập lụt; lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy; rét hại, sương muối…
Tỉnh Lào Cai không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão nhưng lại chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão gây mưa lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; ngập úng ở vùng thấp trũng thấp. Số đợt áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến toàn tỉnh Lào Cai trung bình từ 5 - 7 đợt /năm; trong đó các khu vực vùng thấp như thành phố Lào Cai; các huyện: Bảo Yên, Bảo Thắng và một phần huyện Bát Xát, Văn Bàn thường chịu ảnh hưởng, thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra nhiều hơn so với các huyện, thị xã khác.
Lên phương án để bảo vệ đàn gia súc khi xảy ra rét hại (Ảnh: DTPT) |
Là loại hình thiên tai gây thiệt hại lớn nhất, số đợt mưa lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai trung bình từ 7 - 8 đợt/năm; lượng mưa từ 100 - 200 mm trong 24 giờ kéo dài từ 2 - 5 ngày. Mưa lớn ảnh hưởng trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó chịu ảnh hưởng nhiều nhất tập trung ở các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn, thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai, một số xã vùng thấp huyện Bát Xát, Mường Khương...
Loại hình thiên tai lũ, ngập lụt có phạm vi ảnh hưởng trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó tập trung nhiều nhất ở các huyện, thị xã: Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Văn Bàn, Bát Xát, Mường Khương, Bảo Yên. Số đợt xuất hiện trên địa bàn tỉnh trung bình từ 8 - 9 đợt/sông, suối/năm; lượng mưa trên 100 mm/đợt hoặc mưa cục bộ tạo dòng chảy lớn…
Theo kết quả thống kê, hiện nay toàn tỉnh Lào Cai có 314 điểm sạt lở đất trên 50 m3 (93 điểm đã có biển cảnh báo, 222 điểm chưa có biển cảnh báo); 53 điểm có nguy cơ sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy trên 50 m3 (01 điểm đã có biển cảnh báo, 53 điểm chưa có biển cảnh báo)…
Rủi ro thiên tai được phân thành 5 cấp, tăng dần về cấp độ rủi ro bao gồm: Cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3, cấp độ 4 và cấp độ 5 (Cấp độ 5: Tình trạng khẩn cấp về thiên tai). Tỉnh Lào Cai thường chịu ảnh hưởng của thiên tai cao nhất đến cấp độ 3.
Chỉ huy, chỉ đạo ứng phó với sự cố, thiên tai phải đảm bảo phù hợp với cấp độ rủi ro thiên tai, dự báo, cảnh báo thiên tai, diễn biến thiên tai; nhất là thiên tai có cấp độ mạnh, siêu mạnh, bất thường, cực đoan. Các cơ quan, đơn vị, cộng đồng, người dân phải chấp hành nghiêm túc các mệnh lệnh ứng phó với thiên tai của chính quyền điạ phương các cấp.
Nguồn nhân lực được huy động từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Công an tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể; các huyện, thị xã, thành phố; các xã, phường, thị trấn; dân quân tự vệ; thanh niên xung kích; đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã; các doanh nghiệp; các tổ chức, các nhân trên địa bàn tỉnh...
Theo Quyết định số 434/QĐ-UBND ngày 8/3/2024, tỉnh Lào Cai đã lên phương án ứng phó với thiên tai ở từng cấp độ. Tùy theo tính chất, loại hình thiên tai, mức độ, phạm vi ảnh hưởng; Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cho phù hợp.