Đổi thay ngoạn mục
Ông Hoàng Quốc Bảo - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai - cho biết: Năm 2018, với nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và các doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế (GRDP) trên địa bàn đạt mức 10,23%, cao hơn khá nhiều so với tăng trưởng GDP chung cả nước (tăng trưởng GDP cả nước năm 2018 là 7,08%).
Nhớ lại trước đây, Lào Cai với nền kinh tế địa phương dựa vào nông nghiệp là chủ yếu; công nghiệp, thương mại, dịch vụ kém phát triển, thu ngân sách trên địa bàn hàng năm không đủ bù chi cho hoạt động thường xuyên, phải nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, ‘‘trong cái khó, ló cái khôn”, thời điểm tỉnh Lào Cai được tái lập cũng là giai đoạn đất nước đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy giao thương.
Tận dụng lợi thế vị trí địa lý chiến lược nằm ở trung tâm tuyến Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; trong đó, cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) đóng vai trò cửa ngõ giao thương có hành trình ngắn và thuận lợi nhất kết nối Việt Nam với thị trường Tây Nam - Trung Quốc và các nước ASEAN, tỉnh Lào Cai đã xác định và thực hiện mũi nhọn đột phá trên địa bàn là phát triển kinh tế cửa khẩu, khai thác tiềm năng thương mại biên giới và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ. Nhờ vậy, chỉ hơn chục năm trở lại đây, bộ mặt kinh tế - xã hội ở Lào Cai đã đổi thay nhanh chóng, từ thu không đủ bù chi, Lào Cai đã gia nhập nhóm tỉnh có số thu ngân sách nhà nước gần chục nghìn tỷ đồng/năm.
Đánh thức tiềm năng
Ghi nhận những thành tựu Lào Cai đã đạt được, đồng thời tiếp tục hậu thuẫn về chính sách cho địa phương khai thác những tiềm năng chưa được “đánh thức”, ngày 23/11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai đến năm 2040, tầm nhìn 2050, với quy mô tăng gấp đôi hiện tại (tổng diện tích 15.929,8ha), nhằm biến khu kinh tế cửa khẩu này thành một vùng kinh tế năng động theo hướng công nghiệp, đô thị, thương mại và dịch vụ, phát triển bền vững.
Chia sẻ với chúng tôi về viễn cảnh tương lai, ông Nguyễn Ngọc Khải - Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Lào Cai - cho biết: Mũi nhọn đột phá về phát triển kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã xác định thời gian tới là tăng cường kết nối, đưa Lào Cai thành trung tâm logistics quan trọng trên Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Để khai thác hiệu quả lợi thế kinh tế cửa khẩu, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt Đề án Phát triển logistics đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đưa tỷ trọng đóng góp từ logistics vào GRDP của tỉnh đạt 8 -10% năm 2030 (hiện tại rất thấp). Ông Nguyễn Trường Giang - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai - cho hay, ngành Công Thương đang tích cực tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch logistics Lào Cai vào quy hoạch chung của cả nước. Hiện, tỉnh Lào Cai đã công bố danh mục 42 dự án logistics trên địa bàn, trong đó, 3 dự án đầu tiên với số vốn 18.000 tỷ đồng đang kêu gọi đầu tư (dự án hạ tầng và kho bãi xuất nhập khẩu; dự án khu logistics Kim Thành - Bản Vược; dự án kho bảo quản nông - lâm - thủy sản Khu Thương mại và công nghiệp Kim Thành).
Chắc chắn rằng, với lợi thế địa lý, giao thông; sự quyết tâm nỗ lực của tỉnh, cùng sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành, nhà đầu tư, DN sẽ tiếp tục tìm đến Lào Cai trong thời gian tới. Khi đó, khu kinh tế cửa khẩu sẽ là đòn bẩy để địa phương phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Chiến lược phát triển logistics của Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đặt mục tiêu: Đưa Lào Cai trở thành đầu mối logistics trên tuyến Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh”, gắn với sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu, thương mại, phát triển hạ tầng giao thông vận tải, công nghệ thông tin... |