Mô hình trồng ngô 1 vụ Chương trình 135 tại thôn Kẩu Cồ, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng thu được kết quả tích cực |
Trong tổng dân số thuộc 25 dân tộc đang sinh sống ở Lào Cai (665.152 người), thì dân tộc thiểu số ít người chiếm tới 65,6%. Toàn tỉnh có 164 đơn vị xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện và 1 thành phố; trong đó có 26 xã, phường biên giới, 141 xã thuộc vùng khó khăn với khoảng 1.098 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn và hầu hết là ở các địa bàn dân tộc thiểu số sinh sống. Do xuất phát điểm là tỉnh miền núi nghèo, hiện Lào Cai vẫn có 3 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao trong diện đầu tư theo Nghị quyết 30a/2008/NĐ-CP của Chính phủ, 3 huyện được đầu tư theo Quyết định số 293/QĐ-TTg của Thủ tướng; 120 xã phải nhận hỗ trợ phát triển từ Chương trình 135 của Chính phủ (113 xã đặc biệt khó khăn, trong đó có 114 thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số), 7 xã biên giới.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về những kinh nghiệm thực hiện Chương trình 135 ở Lào Cai, ông Nông Đức Ngọc - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh - cho biết, điểm nhấn trong thực hiện chính sách dân tộc thông qua Chương trình 135 ở Lào Cai là đã sử dụng hiệu quả vốn đầu tư vào việc tạo sinh kế cho đồng bào vượt khó phát triển và vươn lên, đặc biệt là hỗ trợ vốn, đất đai, tư liệu, vật tư, công cụ và phương pháp... cho đồng bào phát triển sản xuất.
Xây dựng đường nông thôn bê tông hóa từ vốn Chương trình 135 tại xã Y Tý, huyện Bát Xát |
Theo ước tính, từ năm 2011-2015, tỉnh Lào Cai đã đầu tư 105.764 triệu đồng cho hỗ trợ phát triển sản xuất khu vực dân tộc thiểu số khó khăn, đạt 97% kế hoạch đề ra. Nguồn kinh phí này tập trung chủ yếu đầu tư hỗ trợ giống cây lương thực (lúa, ngô), chè, cây ăn quả, cây dược liệu (gừng, đương quy, atiso, sa nhân, thảo quả), cây lâm nghiệp, cây trồng khác (đao riềng, khoai tây); hỗ trợ giống vật nuôi đại gia súc, gia súc nhỏ, gia cầm - thủy cầm, thủy sản; hỗ trợ chuồng trại chăn nuôi; hỗ trợ vật tư sản xuất như phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ mô hình sản xuất như trồng mía, ngô, tre măng bát độ, nuôi cá trên ruộng 1 vụ; hỗ trợ may móc, thiết bị phục vụ sản xuất... (máy cày, máy tuốt lúa đạp chân, máy tẽ ngô đạp chân, máy bơm...); và hỗ trợ đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực... cho đồng bào phát triển sản xuất. Nhờ vậy, cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp đã chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa không chỉ góp phần tạo nguồn cung phục vụ cho tiêu dùng tại chỗ, tạo việc làm mà còn tham gia vào thị trường hàng hóa, nâng cao nhận thức xóa bỏ các tập quán canh tác lạc hậu cho đồng bào, cải thiện thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực dân tộc thiểu số khó khăn ở Lào Cai đã giảm từ 29,96% năm 2011 xuống còn 12,3% năm 2015.
Bên cạnh đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, Lào Cai cũng dành nhiều kinh phí đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng vùng sâu, vùng xa với 616.400 triệu đồng; duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất và đời sống khu vực dân tộc thiểu số khó khăn 37.945 triệu đồng... Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng các địa bàn thuộc diện Chương trình 135 nói riêng và nông thôn ở tỉnh Lào Cai đã có bước phát triển vượt bậc. 100% xã của Lào Cai đã có đường ôtô đến trung tâm, trong đó 117/144 xã được nâng cấp rải nhựa; 2.090/2.203 thôn bản, tổ dân phố có đường ôtô, xe máy; 100% xã có điện lưới quốc gia, trong đó 121/144 xã có hệ thống điện đảm bảo an toàn kỹ thuật theo tiêu chí nông thôn mới; 87,6% thôn bản và 89% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% số xã có trạm y tế (trong đó 50 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia); đến nay toàn tỉnh Lào Cai đã không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Các hoạt động văn hóa mang bản sắc dân tộc vùng cao đang được củng cố; 83% điểm bưu điện xã đã được truy cập internet; 100% UBND xã, phường đã sử dụng máy vi tính hỗ trợ công việc; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh đạt 86%...
Tại buổi làm việc của Đoàn công tác Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Lào Cai với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh này trong quý IV/2015, bà Hoàng Thị Hạnh - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc - cho rằng, Lào Cai là một điểm sáng ở vùng Tây Bắc trong triển khai thực hiện tốt các chính sách về dân tộc, tôn giáo.
Tại Hội nghị Tổng kết thực hiện các chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2015 diễn ra mới đây, ông Lê Sơn Hải - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - cũng đánh giá cao hiệu quả cách làm của Lào Cai và chỉ đạo, các cấp, ngành ở tỉnh trong thời gian tới cần tăng cường quản lý đối với các chương trình, dự án; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách dân tộc ở cơ sở; tăng cường chỉ đạo, giám sát sử dụng và duy tu, bảo dưỡng các công trình được đầu tư xây dựng trên địa bàn các xã, thôn, bản khó khăn để phát huy hiệu quả lâu dài. Đồng thời, tỉnh Lào Cai cũng cần lập kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận cao trong đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo, cải tạo phong tục tập quán; tập trung giám sát, kiểm tra thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước có hiệu quả; chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương thanh quyết toán các công trình đã hoàn thành đúng quy định; phối hợp với các ngành làm tốt công tác xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò, uy tín của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, trật tự, an ninh trên các địa bàn...
Số liệu tổng kết của Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho thấy, giai đoạn 2011-2015, kinh phí từ Chương trình 135 Trung ương hỗ trợ Lào Cai là 770.846 triệu đồng. Tính đến ngày 31/12/2015, nguồn vốn này đã giải ngân 667.182 triệu đồng, đạt 86,55% kế hoạch. Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai cũng đã lồng ghép sáng kiến huy động nguồn lực đóng góp, tài trợ từ bên ngoài được khoảng 576.380 triệu đồng để đầu tư cho việc xây dựng các công trình dân sinh và xây dựng nông thôn mới. |