Lào Cai: Công khai Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp Lào Cai: Cục Quản lý thị trường chung tay xây dựng nông thôn mới cùng xã Dền Sáng |
Ngày 17/7, thông tin từ Công an tỉnh Lào Cai cho biết, ngày 15/7 vừa qua, Công an thành phố Lào Cai phối hợp cùng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an tỉnh và UBND các phường, xã trên địa bàn tiến hành tổng điều tra, rà soát xác định vị trí, địa điểm nguy cơ cháy và cháy lan; hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác PCCC, thoát hiểm, thoát nạn đối với khu dân cư, từng ngõ, phố trên địa bàn thành phố Lào Cai.
Kiểm tra hệ thống bình cứu hỏa tại các khu dân cư (ảnh: CALC) |
Đây là nội dung thực hiện Kế hoạch số 2666/KH-CAT-PC07-PV01 của Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai, theo đó Công an thành phố Lào Cai đã xây dựng kế hoạch số: 2004/KH-CATP ngày 10/7/2024 việc tổng điều tra, rà soát xác định vị trí, địa điểm nguy cơ gây cháy và cháy lan; hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và thoát hiểm, thoát nạn đối với khu dân cư, từng ngõ, phố trên địa bàn thành phố Lào Cai…
Theo kế hoạch từ ngày 15/7 -15/8/2024, mỗi UBND phường tại Thành phố Lào Cai sẽ lựa chọn khu dân cư để tiến hành thực hiện tổng điều tra. Nội dung kiểm tra: Trách nhiệm về PCCC và CNCH của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 5 Luật PCCC và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ; Điều kiện an toàn PCCC và CNCH đối với cơ sở theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ và Điều 12 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ.
Đoàn công tác kiểm tra tình hình thực tế tại khu dân cư (Ảnh: CALC) |
Quá trình điều tra, rà soát xác định vị trí, địa điểm nguy cơ cháy và cháy lan; hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác PCCC, thoát hiểm, thoát nạn đối với khu dân cư, từng ngõ, phố cần lưu ý yêu cầu, hướng dẫn người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình: Thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH; Tự tổ chức kiểm tra an toàn PCCC và CNCH, tập trung một số nội dung sau: Việc duy trì yêu cầu về ngăn cháy lan, lối thoát hiểm khẩn cấp; hệ thống, thiết bị PCCC; hệ thống điện; quản lý, sử dụng nguồn điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ; thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, việc sạc xe máy điện, xe đạp điện; bố trí, sắp xếp vật dụng, phương tiện (ô tô, xe máy,…), hàng hóa kinh doanh trong nhà đảm bảo ngăn cháy lan; tổ chức lực lượng PCCC tại chỗ trực để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố ngay từ khi mới phát sinh; Trang bị hệ thống, thiết bị báo cháy tự động, hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà, bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thô sơ… phù hợp với quy mô nhà.
Kiểm tra hệ thống chữa cháy bằng nước tại các khu dân cư (Ảnh: CALC) |
Qua kiểm tra, rà soát, kiến nghị khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH, trong đó làm rõ cụ thể những tồn tại, vi phạm trong quá trình đầu tư xây dựng dự án, công trình, hoạt động của cơ sở. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCCC; phải chủ động chỉ đạo xây dựng phương án, kịch bản ứng phó; thực hiện quyết liệt các biện pháp PCCC và CNCH tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Xem đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân; kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan. Xác định, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy - lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình về công tác PCCC và CNCH, để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn PCCC và để xảy ra các vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng.