Số liệu thống kê của tỉnh Lào Cai trong năm 2021 đến thời điểm này cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.904 doanh nghiệp và hợp tác xã đang hoạt động có phát sinh doanh thu, gồm các loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp lớn. Trong đó, 98% doanh nghiệp của Lào Cai thuộc khu vực tư nhân. Phân theo ngành sản xuất, thì số doanh nghiệp tại Lào Cai hiện nay đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ chiếm tới 60,6%; hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 36,5%; lĩnh vực nông, lâm nghiệp thủy sản chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 2,8%.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai, cho biết, dịch Covid-19 bùng phát trong 2 năm qua, đã tác động ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt trong năm 2021, nhiều doanh nghiệp đã bị sụt giảm doanh thu sâu, ảnh hưởng tới vấn đề giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động. Không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, không vượt qua được đã phải tạm ngừng hoạt động, hoặc đóng cửa nhà máy.
Để ứng phó với đại dịch Covid-19, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp ở trong nước cũng như bên ngoài tác động, trong 2 năm 2020-2021, tỉnh Lào Cai đã triển khai hàng loạt các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động, đảm bảo lưu thông hàng hoá được thông suốt, ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động. Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo giải ngân nhanh vốn đầu tư công cho các công trình xây dựng cơ bản, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gián tiếp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp về thị trường...; triển khai thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu ở Lào Cai, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Tỉnh Lào Cai cũng đã tích cực tìm kiếm, giới thiệu nguồn cung các loại nguyên liệu đầu vào, máy móc, thiết bị trong nước đang bị thiếu hụt và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp và nông sản để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Kết nối doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa - Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực tại Lào Cai |
Tuy nhiên, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát tại Việt Nam từ cuối tháng 4/2021 đến nay đã lan rộng trên phạm vi toàn quốc, diễn biến hết sức phức tạp tại khu vực phía Nam, tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp cả nước nói chung, tại tỉnh Lào Cai nói riêng. Mặc dù chính quyền tỉnh Lào Cai đã có những nỗ lực lớn đồng hành, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch, song trước những khó khăn, thách thức mới, ngày 22/9/2021, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai, Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, du lịch, xuất nhập khẩu hàng hóa, đã có ý kiến kiến nghị với UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục xem xét bổ sung các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; có cơ chế, chính sách đặc thù cho các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, dễ dàng tiếp cận các nguồn lực để đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, điều chỉnh các quy định pháp luật còn chồng chéo, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn.
Phản hồi kiến nghị của doanh nghiệp, ông Trịnh Xuân Trường - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, cho biết: Tỉnh Lào Cai đánh giá cao đóng góp của doanh nghiệp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh những năm vừa qua cũng như 9 tháng đầu năm 2021. Lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành của Lào Cai sẽ tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp về cơ chế chính sách để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Ông Trịnh Xuân Trường, khẳng định: Chính quyền tỉnh Lào Cai cam kết chia sẻ trách nhiệm và lợi ích, kiên trì ủng hộ và tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, coi sự thành công, thịnh vượng của các doanh nghiệp chính là sự phát triển của tỉnh Lào Cai. Để tiếp tục thực hiện cam kết này, lãnh đạo tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cấp, ngành trực thuộc tăng cường cải cách thủ tục hành chính trực tuyến ở mức độ 4; thực hiện tốt nhất các dịch vụ công, đặc biệt là dịch vu công liên quan đến thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; tăng cường hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kịp thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị miễn, giảm, giãn, hoãn thuế và chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tác động nhằm đảm bảo các cơ chế, chính sách được thực thi một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng.