Hà Giang: Xã hội hoá đầu tư và chuyển đổi mô hình quản lý chợ nông thôn Bình Thuận: Phát triển hạ tầng thương mại nông thôn, thúc đẩy kinh tế địa phương |
Với mục tiêu đầu tư, nâng cấp hạ tầng các chợ nông thôn, từ năm 2011 đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung thu hút đầu tư, thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn.
Chợ Thất Khê, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn |
Theo đó, để thu hút nhà đầu tư bỏ vốn nâng cấp, xây dựng mới chợ nông thôn tại các xã trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 66/2017/NQ-HĐND ngày 11/12/2017 quy định chính sách hỗ trợ xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2030.
Cùng với đó, các cấp, các ngành thường xuyên tổ chức xúc tiến, gặp gỡ, kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã đến tiếp nhận, đầu tư xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh; tổ chức hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tiếp cận, khảo sát và thực hiện các thủ tục đầu tư… Để đạt được các tiêu chí đã đề ra về chợ trong xây dựng nông thôn mới.
Với những nỗ lực đó, từ năm 2018 đến hết năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh đã thu hút được 12 nhà đầu tư thực hiện xây mới, nâng cấp 20 chợ nông thôn. Đến thời điểm này 12 chợ đã hoàn thành và đưa vào hoạt động.
Mặc dù đạt được một số kết quả nhưng đến thời điểm hiện tại, số lượng chợ nông thôn được quan tâm đầu tư mới đạt hơn 25% tổng số chợ trên địa bàn toàn tỉnh. Như huyện Bình Gia, hiện có 4 chợ xã và mặc dù đã có nhà đầu tư quan tâm nhưng chưa có dự án nào được thực hiện. Nguyên nhân là do sau khi đến rà soát, nhận thấy khả năng thu hồi vốn chậm nên nhà đầu tư không triển khai.
Ngoài khó khăn trên, theo Sở Công Thương Lạng Sơn, do một số nhà đầu tư nguồn lực hạn chế ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hoàn thành dự án đầu tư; quá trình xây dựng chợ có nhiều thủ tục phức tạp, liên quan đến nhiều sở, ngành nên nhà đầu tư mất nhiều thời gian trong quá trình thực hiện.
Cùng đó, một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về chợ trong suốt thời gian qua đã có nhiều điểm bất cập nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời gây khó khăn cho công tác thu hút đầu tư chợ nông thôn. Nghị quyết số 66 về chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng chưa quy định cụ thể loại hình chợ hỗ trợ cụ thể, dẫn đến việc triển khai có thời điểm gặp vướng mắc…
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, trong 58 chợ nông thôn của tỉnh, đến nay mới có 15 chợ là chợ kiên cố, 33 chợ bán kiên cố và 10 chợ vẫn là chợ tạm. Cùng đó, tại địa bàn một số xã hiện cũng không có chợ, trong đó có 15 xã biên giới.
Sở Công Thương đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án Phát triển hạ tầng chợ miền núi, biên giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh sẽ có 95% chợ nông thôn có kết cấu bán kiên cố trở lên, trong đó 60% chợ kiên cố; đến năm 2030, 100% chợ xã đáp ứng tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại trong xây dựng nông thôn mới; 65% chợ nông thôn do doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý…
Trong giai đoạn 2023 - 2025, sẽ thực hiện nâng cấp, cải tạo 15 chợ; thực hiện xây dựng mới 18 chợ. Dự kiến tổng vốn đầu tư thực hiện vào khoảng 160 tỷ đồng trở lên. Nếu không thực hiện kêu gọi xã hội hóa thì nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư sẽ rất lớn.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Sở Công Thương tỉnh đã và đang chủ trì phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện và thành phố tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ nông thôn; tham mưu UBND tỉnh kịp thời thay thế, sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, khai thác, đầu tư, xây dựng chợ phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Đặc biệt là giảm bớt một số thủ tục liên quan đến đầu tư chợ nông thôn và kịp thời điều chỉnh chính sách ưu đãi phù hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào xây dựng chợ nông thôn; các ngành, các cấp chủ động lồng ghép việc xây dựng các chợ với các dự án và chương trình phát triển khác nhằm tập trung, tận dụng được nguồn vốn ngân sách cho phát triển chợ nông thôn…