Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới với hơn 231km đường biên giáp với Quảng Tây (Trung Quốc); có 02 cửa khẩu quốc tế, 01 cửa khẩu quốc gia và 09 cửa khẩu phụ, có hệ thống giao thông quan trọng kết nối trong nước và quốc tế, thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao lưu hàng hóa trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện cho phát triển xuất nhập khẩu của cả nước qua địa bàn.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn |
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu quốc tế Ga đường sắt Đồng Đăng đang duy trì hoạt động thông quan bình thường, cửa khẩu chính Chi Ma và cửa khẩu Tân Thanh đã khôi phục trở lại, tuy nhiên năng lực thông quan thấp. Riêng tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị từ ngày 17/01/2022 đến nay, trung bình mỗi ngày xuất khẩu được 90-100 xe/ngày.
Dự báo thời gian tới, phía Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch để theo đuổi chiến lược “Zero Covid” cùng với việc đưa vào các quy định, chính sách mới liên quan đến chất lượng an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hoá nhập khẩu nên hoạt động xuất nhập khẩu sẽ gặp rất nhiều khó khăn. “Sau Tết Nguyên đán các mặt hàng nông sản phía Nam tiếp tục vào vụ thu hoạch nên tình hình xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, có thể tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt là hàng nông sản, hoa quả sẽ tiếp tục tiếp diễn” - đại diện Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn nêu.
Theo đó, giải pháp tập trung trước mắt trong thời gian tới của tỉnh Lạng Sơn đó là tiếp tục làm tốt công tác phòng chống dịch tại các khu vực cửa khẩu. Ngay trong quý I/2022 sẽ hoàn thành việc lắp đặt hệ thống kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hoá Tân Thanh, Việt Nam - Pò Chài, Trung Quốc được vận hành với quy mô 04 làn xe xuất nhập khẩu; sớm hoàn thành việc cải tạo, mở rộng tuyến đường xuất nhập khẩu hàng hoá qua cửa khẩu song phương Chi Ma thành 04 làn xe xuất nhập khẩu.
Đồng thời, minh bạch hóa và nâng cao hiệu quả của bộ máy thực thi chính sách: tích cực triển khai các chương trình đổi mới phương thức, lề lối làm việc của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu; minh bạch các khoản phí, lệ phí, quy trình thủ tục hành chính; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ quản lý, xử lý nghiêm các vi phạm về gây phiền hà, nhũng nhiễu tiêu cực của các cơ quan quản lý doanh nghiệp...; cải tiến quy trình, thủ tục kiểm tra, kiểm soát con người xuất nhập cảnh và hàng hoá xuất nhập khẩu để tận dụng tối đa thời gian thông quan trong ngày nhằm nâng cao hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu, nhất là cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các sở, ngành và các lực lượng chức năng rà soát, hoàn thiện, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu biết, sử dụng hiệu quả nền tảng cửa khẩu số, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Triển khai đầu tư lắp đặt 11 Barie tự động (trong quý I/2022) và 11 cân điện tử tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tại tất cả các Cổng B1, B2, B0, tại cửa khẩu Tân Thanh, Chi Ma lắp đặt 16 cân điện tử (trong quý I, II/2022).
“Cửa khẩu số có vai trò đầu tầu, thống nhất, dẫn kéo sự phát triển nhanh hơn cho mọi chủ thể tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, tạo thêm dư địa lớn hơn cho môi trường xuất nhập khẩu Lạng Sơn. Do đó cần tiếp tục tập trung phát triển cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu nghị và cửa khẩu Tân Thanh, tạo ra một nền tảng số ứng dụng cho các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh nhằm tự động hóa quy trình, công khai minh bạch, giảm thiểu thời gian, tiết kiệm chi phí thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu cho người dân, doanh nghiệp” - đại diện Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn nhấn mạnh.
Về giải pháp căn cơ, lâu dài, tỉnh sẽ đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng và phát triển các dịch vụ, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại khu vực cửa khẩu. Nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù, tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch Khu kinh tế cửa khẩu.
Đặc biệt, tiếp tục tổ chức hiệu quả các hoạt động đối ngoại của tỉnh, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với Quảng Tây, Trung Quốc: Đề nghị thống nhất xác nhận thời gian làm việc chính thức tại cặp cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm, bổ sung vào phụ lục về vị trí, loại hình, thời gian mở, thời gian làm việc của cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc; thực hiện các thủ tục đưa tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 vào hoạt động chính thức và trở thành lối thông quan thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).
Xây dựng cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Việt Nam - Hữu Nghị Quan, Trung Quốc thành cửa khẩu kiểu mẫu; triển khai thực hiện mô hình luồng xanh thông quan nhanh qua tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hoá Tân Thanh, Việt Nam - Pò Chài, Trung Quốc ngay khi tuyến đường này chính thức đi vào hoạt động và trở thành lối thông quan của cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan.
Tỉnh cũng sẽ chỉ đạo các sở, ngành và các lực lượng trực tiếp tại cửa khẩu tiếp tục duy trì, tăng cường trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng phía bạn để thống nhất thúc đẩy phương án nâng cao năng lực thông quan qua các cửa khẩu đang hoạt động và sớm khôi phục hoạt động tại các cửa khẩu, đặc biệt là cửa khẩu Cốc Nam - một trong những cửa khẩu trọng điểm xuất khẩu nông sản.
Cùng với đó, nghiên cứu chính sách hỗ trợ các thương nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa trong công tác tìm kiếm đối tác, xây dựng hợp đồng thương mại, thanh toán quốc tế, hỗ trợ pháp lý đối với kinh doanh thương mại quốc tế... nhằm giảm việc thu mua xuất khẩu nông sản manh mún, thiếu bài bản, không có hợp đồng.
Tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản xuất, triển khai thực hiện các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại để hạn chế tối đa những rủi ro, thiệt hại trong xuất khẩu hàng hóa.
“Hiện nay, việc giao thương hàng hóa diễn ra trên sự thỏa thuận giữa chủ hàng hai bên; có rất ít doanh nghiệp, tư thương thành lập hợp đồng ngoại thương nên tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiệt hại, đặc biệt là đối với người bán. Ngoài ra, nhiều trường hợp chủ hàng ủy thác cho lái xe chở hàng hóa xuất khẩu không có hợp đồng chính thức sau khi sang đến bến bãi, chợ biên giới phía Trung Quốc mới giao dịch mua bán trực tiếp tại bến bãi, chợ biên giới. Hình thức giao dịch thương mại tiểu ngạch tại các cửa khẩu hiện nay chiếm trên 90%, còn lại dưới 10% là chính ngạch” - đại diện Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho hay.
Một giải pháp khác Lạng Sơn triển khai đó là chủ động làm việc với các Bộ, ngành Trung ương thúc đẩy nhanh việc đầu tư dự án nâng cấp tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội - Đồng Đăng; hoàn thành đưa vào sử dụng tuyến cao tốc Lạng Sơn - Hà Nội (đoạn Chi Lăng - Hữu Nghị trong năm 2023) cũng như tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường ra biên giới để phục vụ vận tải hàng hóa thuận lợi, tập trung nghiên cứu hình thành trung tâm dịch vụ logistics, cảng cạn, thương mại điện tử…
Hơn nữa, nhanh chóng thúc đẩy việc đàm phán, hoàn tất thủ tục mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc và các nước. Đẩy nhanh ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với 08 loại hoa quả còn lại đã có trong danh sách mặt hàng xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc (gồm: Thanh Long, nhãn, xoài, chuối, mít, chôm chôm, dưa hấu, vải thiều).