Làng gốm Thanh Hà có lịch sử hơn 500 năm tuổi, là điểm du lịch nổi tiếng tại TP. Hội An (Quảng Nam). Nơi đây thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước. Dưới tác động của dịch bệnh trong hai năm qua, các hộ dân nơi đây đã dần thích nghi với trạng thái bình thường mới, chủ động hơn trong sản xuất sản phẩm.
![]() |
Các cơ sở sản xuất gốm tại làng gốm Thanh Hà (Hội An) đã linh hoạt chuyển đổi mặt hàng nhằm tìm kiếm đầu ra |
Bà Nguyễn Thị Thủy, chủ cơ sở sản xuất gốm tại Thanh Hà cho biết, vào dịp Tết những năm trước, cơ sở gốm của bà Thủy làm đa dạng các kiểu dáng bùng binh, tò he, nồi niêu để cung cấp cho thị trường. Nhưng năm nay do du lịch chững lại, lượng khách du lịch thưa thớt, cơ sở của bà Thủy đã chủ động cân đối số lượng mặt hàng phục vụ Tết, tập trung vào sản xuất những mặt hàng như nồi, niêu phục vụ đời sống để bán tại chợ địa phương.
“Những mặt hàng như nồi niêu có giá giao động từ 30.000 đồng đến 60.000 đồng, cũng đủ để gia đình trang trải qua mùa dịch. Hiện tại Hội An đang dần khôi phục du lịch, tôi mong sao có thể thu hút các đoàn khách đến thăm làng nghề để những người làm gốm có thêm nguồn thu nhập vượt qua giai đoạn khó khăn này”, bà Thủy trông đợi.
Tại cơ sở sản xuất của bà Bùi Thị Phước Hiền, các mặt hàng chủ yếu là gốm không tráng men nên rất được khách du lịch ưa chuộng, trong đợt dịch vừa qua, các đơn hàng vẫn được các khách quen tại tỉnh thành như Đà Nẵng và các tỉnh lân cận đặt mua.
“Đôi khi có khách đặt những đơn hàng vài triệu đồng, đủ để mình đốt lò làm trang trải mùa dịch. Bây giờ nghe thành phố đang có các chương trình khôi phục du lịch nên mình phấn khởi lắm”, bà Hiền vui mừng.
Cơ sở đồ gốm của ông Nguyễn Văn Xê là một trong những cơ sở nổi tiếng tại làng gốm Thanh Hà, có thời điểm, mặt hàng của ông được chuyển đi đến Tp. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Hà Nội lên tới hàng chục ngàn loại mặt hàng gốm linh vật cỡ nhỏ. Ông Xê cho hay, năm nay gia đình chỉ sản xuất số lượng ít để phòng hờ bán cho khách du lịch và các mối quen. “Với mỗi con linh vật loại nhỏ 3cm thì có giá từ 3000 đồng, trước đây mỗi ngày mình có thể làm được hơn trăm con, nhưng bây giờ chủ động số lượng, làm theo đơn đặt hàng.”, ông Xê cho biết.
![]() |
Không nhiều cơ sở gốm Thanh Hà sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết Nhầm Dần |
Tại làng gốm Thanh Hà dịp này, có ít cơ sở sản xuất gốm làm các linh vật cỡ lớn để bán cho khách hàng, duy chỉ có anh Nguyễn Văn Hoàng, nghệ nhân làng gốm Thanh Hà làm những chú Hổ có kích thước dài 60cm, ngang 30cm để phục vụ trưng bày. Theo anh Hoàng, mọi năm, các cơ sở khác cũng có làm linh vật theo mùa Tết, nhưng năm nay, tất cả đều tập trung sản xuất những mặt hàng dễ bán hơn, bởi những sản phẩm theo mùa Tết nếu làm rất tốn thời gian và công sức.
“Thường những linh vật Tết chỉ nhận theo đơn đặt hàng, nếu không sẽ rất khó bán, nhất là trong thời điểm du lịch đang chững lại, bởi giá mỗi con giao động từ 2 triệu trở lên. Phường đã liên hệ với cơ sở để đặt mua 6 chú Hổ để trang trí phố phường.” anh Hoàng chia sẻ.
Trong bối cảnh nền thương mại điện tử phát triển như hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất gốm Thanh Hà đã linh hoạt bày bán sản phẩm lên các trang TMĐT, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo…
Chị Trần Thị Tuyết Nhung, cơ sở sản xuất gốm Sơn Thủy cho biết, trước dịch, mỗi ngày cơ sở của chị trung bình đón gần 1.000 khách du lịch theo tour đến tham quan thực tế. Nhưng từ khi du lịch tạm ngưng, chị đã chủ động bày bán mặt hàng qua Facebook, Zalo… kết nối trực tiếp với những cơ sở ở các tỉnh, thành khác như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng… để tiêu thụ sản phẩm, thu hút được lượng khách hàng tương đối.
“Hiện trong làng gốm Thanh Hà chỉ duy nhất cơ sở Sơn Thủy có tráng men gốm và làm thủ công. Mỗi sản phẩm có nét riêng chứ không giống bất kỳ sản phẩm nào khác, rất được khách hàng ưa chuộng. Trung bình mỗi tháng, cơ sở làm ra từ 50-60 sản phẩm, được bày bán qua website, fanpage và Zalo, mỗi tác phẩm gốm được bán ra với giá dao động từ 200 nghìn đến 2 triệu đồng.” chị Nhung thông tin.
![]() |
Chủ động bày bán hàng hóa qua trang TMĐT là bước đi tích cực để tìm đầu ra cho gốm Thanh Hà |
Bước vào giai đoạn cuối năm, chuẩn bị chào đón năm mới 2022, Hội An đang tích cực chuẩn bị các hoạt động kích thích du lịch trong trạng thái bình thường mới, điều đó giúp những làng nghề truyền thống gắn liền với du lịch khôi phục sản xuất trở lại, phục hồi đời sống cho người dân.