Thông tin mới về việc thương mại hóa 5G, đấu giá kho số viễn thông Thương mại hóa 5G xây dựng hạ tầng số cho Việt Nam Số thuê bao 5G toàn cầu dự kiến sẽ tăng hơn 330% trong 6 năm tới |
5G (thế hệ mạng di động thứ 5 hoặc hệ thống không dây thứ 5) là thế hệ tiếp theo của công nghệ truyền thông di động sau thế hệ 4G. So với các thế hệ mạng 4G, 3G và 2G, 5G cung cấp thông lượng dữ liệu được cải thiện đáng kể, mạng lưới sử dụng năng lượng ít hơn, hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), có độ trễ gửi và nhận tín hiệu chỉ bằng 1/5 so với 4G. Ước tính vào năm 2025, mạng 5G sẽ sử dụng năng lượng ít hơn 10 lần so với 4G, góp phần tạo ra môi trường số bền vững và tiết kiệm năng lượng.
5G là công nghệ nền tảng, hạ tầng số để phát triển kinh tế số |
Nhờ những lợi thế về tốc độ, kết nối và bảo mật, 5G cho phép các doanh nghiệp xử lý và phân tích khối lượng dữ liệu lớn hơn với chi phí tối ưu. Tốc độ truyền dữ liệu của nó nhanh gấp 10-20 lần tốc độ hiện tại với khả năng xử lý lên đến một triệu thiết bị trên 1km2. 5G sẽ cho phép sử dụng rộng rãi các công nghệ hỗ trợ AI và các ứng dụng IoT trong nhiều lĩnh vực.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, 5G là công nghệ nền tảng, hạ tầng số để phát triển kinh tế số. Đối với người dùng, 5G với tốc độ truy cập dịch vụ di động băng rộng cao sẽ thúc đẩy tiêu thụ dữ liệu, đồng thời sẽ thúc đẩy phát triển các lĩnh vực như truyền thông, mạng xã hội…
"Với các tính năng độ trễ thấp, mật độ kết nối cao, 5G sẽ nâng cao hiệu quả của các lĩnh vực sản xuất, chế biến, thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao" - đại diện Cục Viễn thông nhấn mạnh.
Mặc dù năm 2024 là năm thương mại hóa 5G trên phạm vi toàn quốc, tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, các nhà mạng chưa quyết tâm thương mại hóa 5G vì lý do đầu tư, trong khi doanh thu từ viễn thông truyền thống đang đi xuống và cũng không dễ tăng giá cước dịch vụ. Vậy làm thế nào để thương mại hóa 5G thành công là vấn đề đang được đặt ra.
Trước vấn đề này, Cục Viễn thông cho hay, đến thời điểm hiện nay, mỗi nhà mạng đều đã có chiến lược phát triển 5G và phương án thương mại hóa 5G của riêng mình phù hợp với tình hình phát triển chung của thị trường.
Việc triển khai thương mại hóa 5G phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài các yếu tố từ phía doanh nghiệp di động liên quan đến hiệu quả đầu tư, đầu ra của dịch vụ, hệ sinh thái thiết bị, … thì một điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp thương mại hóa 5G tại Việt Nam là được cấp phép sử dụng băng tần số quy hoạch cho phép triển khai 5G và lượng tài nguyên tần số này là hữu hạn.
Do đó, việc sở hữu được băng tần triển khai 5G sẽ là yếu tố quyết định định hướng đầu tư và phát triển 5G khi thương mại hóa (được thực hiện thông qua đấu giá), doanh nghiệp sẽ phải cân đối giữa các khoản chi phí cấp phép băng tần và chi phí đầu tư phát triển hạ tầng mạng. Nhưng nếu không tham gia đấu giá thì dù có nhiều tiền vốn đến mấy, khi đã phân bổ hết tài nguyên, thì doanh nghiệp cũng không thể triển khai 5G.
"Trong bối cảnh hiện nay, đầu tư 5G đòi hỏi nguồn vốn lớn và liên quan đến cơ chế đầu tư cũng như hoạt động của mỗi doanh nghiệp. Do đó, việc triển khai 5G hiệu quả không chỉ là vấn đề sẵn sàng của công nghệ mà còn phụ thuộc vào chiến lược phát triển, bài toán kinh doanh của mỗi doanh nghiệp" - đại diện Cục Viễn thông nêu vấn đề.
Theo nguyên tắc được phê duyệt tại Quyết định số 1652/QĐ-BTTTT ngày 28/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thì việc thương mại hóa 5G sẽ thực hiện theo nguyên tắc phát triển hạ tầng viễn thông đi trước và cấp phép băng tần 5G cho doanh nghiệp là cơ sở để doanh nghiệp có thể quyết định việc triển khai hạ tầng 5G theo lộ trình phù hợp với kế hoạch sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc thương mại hóa 5G trên cơ sở đấu giá quyền sử dụng băng tần 5G còn đảm bảo yếu tố cạnh tranh và vị thế của các doanh nghiệp, tạo ra sự cộng hưởng và động lực chung cho phát triển dịch vụ di động nói chung và 5G nói riêng, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Đánh giá về mức độ quan tâm của doanh nghiệp đối với đấu giá băng tần 5G đến thời điểm này, Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông thông tin thêm, hiện nay, nhìn chung trên thế giới, việc phát triển 5G là xu hướng tất yếu của các nhà mạng.
Hiệp hội thông tin di động thế giới (GSMA) dự báo chung cho thị trường toàn cầu, đó là đến năm 2028 số lượng kết nối 5G sẽ lớn hơn số kết nối 4G; đến năm 2030, số lượng kết nối 5G sẽ chiếm khoảng 56% tổng số kết nối di động.
Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 40 Mb/s cho mạng 4G và 100 Mb/s cho mạng 5G; đến năm 2030, mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số. Để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp rất cần có thêm các băng tần để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Hiện tại, 5G đã phát triển chín muồi, thiết bị phổ biến và giá thành hạ so với giai đoạn 2-3 năm trước, các nhà mạng tại Việt Nam sau một thời gian thử nghiệm đã sẵn sàng cho việc thương mại hóa 5G. "Do vậy, Cục Tần số Vô tuyến điện cho rằng, thời điểm hiện tại việc tổ chức đấu giá băng tần cho 5G là kịp thời và đáp ứng sự quan tâm của doanh nghiệp" - đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện nói.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp đang tham gia vào quá trình đấu giá tần số triển khai các dịch vụ và ứng dụng 5G theo các release phù hợp với Việt Nam. Về lâu dài để có thể sở hữu công nghệ mới cần hợp tác quốc tế, đầu tư đào tạo nhân lực, nguồn lực và phòng Lab để test... và tạo cơ chế chính sách khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật và sáng chế phát minh cấp quốc tế... |