Giảm “sức nóng” trong cấp phiếu lý lịch tư pháp 60 bưu cục của Bưu điện TP. Hà Nội cam kết “thông suốt” lý lịch tư pháp |
Những ai cần xin phiếu lý lịch tư pháp?
Theo quy định pháp luật, lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản.
Vì thế, mục đích của việc yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp là để biết một người nào đó có thuộc diện bị cấm nêu trên hay không, hoặc có bị phạt theo quy định của pháp luật hay không...
Về đối tượng, công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của mình. Cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp pphhiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử. Bên cạnh đó, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Người dân xếp hàng dài chờ cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp Hà Nội từ 4 giờ sáng. (Ảnh: Hoàng Hải) |
Theo Luật Lý lịch tư pháp, thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp là Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp. Trong đó, Sở Tư pháp cấp phiếu trong các trường hợp sau: Công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở trong nước, công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài và người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.
Được biết, việc cấp phiếu lý lịch tư pháp phải tuân theo quy trình, thủ tục nghiêm ngặt, phải thực hiện tra cứu, xác minh thông tin tại một số cơ quan có liên quan để xác định một người có án tích hay không có án tích.
Người dân có thể xin cấp phiếu lý lịch tư pháp qua hai hình thức: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở Tư pháp hoặc làm online qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng Dịch vụ công của tỉnh, thành phố.
Nếu làm trực tiếp, người dân nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Sở Tư pháp nơi thường trú. Trong trường hợp không có nơi thường trú nộp tại Sở Tư pháp nơi tạm trú. Nếu cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh. Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi người đó cư trú.
Theo quy định, thời gian nhận kết quả 10-15 ngày, lệ phí 200.000 đồng, hoặc 100.000 đồng với người thuộc đối tượng miễn giảm. Riêng đối trẻ em, người cao tuổi, khuyết tật, hộ nghèo... thì không mất phí.
Yêu cầu người lao động xin phiếu lý lịch tư pháp có đúng quy định?
Những ngày qua, câu chuyện xin cấp phiếu lý lịch tư pháp đang khiến người dân đặc biệt quan tâm, nhất là tại 2 thành phố lớn là TP. HCM và Hà Nội.
Theo tìm hiểu, mỗi ngày Sở Tư pháp Hà Nội phải giải quyết 300 bộ hồ sơ, trong khi nhu cầu gần 600 bộ. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, Sở đã phải tăng số cán bộ tiếp nhận, xử lý lên 7 người, tăng thời gian làm việc mỗi ngày từ 1 đến 1,5 giờ. Với các giải pháp nêu trên, hiện tiến độ tiếp nhận đã được tối đa 500 hồ sơ một ngày.
Còn tại TP. HCM, mỗi ngày Sở Tư pháp tiếp nhận trung bình 550-650 hồ sơ xin xác nhận lý lịch tư pháp, tăng 8% so cùng kỳ năm 2022. Theo thống kê, phần lớn người dân dùng để bổ sung hồ sơ xin việc làm hoặc đi nước ngoài.
Trên thực tế, tình trạng người dân phải xếp hàng dài để xin cấp giấy xác nhận lý lịch tư pháp hiện vẫn đang diễn ra. Về lý do tắc nghẽn trong khâu cấp phiếu lý lịch tư pháp thời gian qua, được lý giải là do lượng cầu tăng lên đột biến. Một trong những lý nguyên nhân là các đơn vị tuyển dụng yêu cầu phải có phiếu lý lịch tư pháp, nên lượng lớn người lao động muốn xin việc làm đã đổ xô đi xin giấy này.
“Trước đây, tôi chỉ cần xin xác nhận của công an vào hồ sơ xin việc, giờ công ty còn yêu cầu lấy phiếu lý lịch tư pháp để biết mình có tiền án, tiền sự gì hay không. Thời gian này nhiều cơ quan, doanh nghiệp tư nhân yêu cầu trong hồ sơ xin việc có lý lịch tư pháp, do đó số lượng người làm thủ tục này tăng và mình phải chờ đợi cả ngày để xin được giấy”, anh Hùng, một công nhân làm việc trong Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Bắc Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ.
Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý đánh giá, việc một số công ty yêu cầu nhân viên cung cấp giấy xác nhận lý lịch tư pháp để biết thông tin án tích là chưa phù hợp. Bởi vì, theo quy định của pháp luật, việc quản lý lý lịch tư pháp chỉ nhằm hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã...
Ngoài ra, nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng, quy định tại điều 16 Bộ luật Lao động cũng không đề cập thông tin về án tích là nội dung bắt buộc người lao động phải cung cấp. Từ những căn cứ trên cho thấy, việc căn cứ lý lịch tư pháp mà để xem xét có tuyển hay không là xâm phạm đặc biệt nghiêm trọng đến quyền được lao động, trong khi chính sách của Nhà nước về lao động là "không được phân biệt đối xử".
Giữa thời điểm còn nhiều ý kiến tranh luận, thì công việc cấp bách đó là các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đề xuất, đưa ra giải pháp kịp thời, nhằm khắc phục tình trạng người lao động xếp hàng dài chờ đợi xin phiếu xác nhận lý lịch tư pháp.