Đối thoại cấp Bộ trưởng về Thương mại: Bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Australia Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Australia |
Sau khi kết thúc chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia và thăm chính thức Australia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức New Zealand theo lời mời của Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến New Zealand trên cương vị người đứng đầu Chính phủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Chuyến thăm góp phần củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt, đưa quan hệ song phương Việt Nam-New Zealand đi vào thực chất, hiệu quả hơn.
Quan hệ ngày càng phát triển và đi vào thực chất
Quan hệ Việt Nam-New Zealand là mối quan hệ song phương có bề dày lịch sử. Hai nước tuy cách xa nhau về địa lý nhưng đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ rất sớm, vào ngày 19/6/1975.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng New Zealand J.B.Bongo ký tắt Hiệp định Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt Nam-New Zealand năm 1993. (Ảnh: Minh Đạo/TTXVN) |
Trong gần 5 thập kỷ qua, hai bên duy trì các cuộc tiếp xúc và trao đổi nhiều đoàn cấp cao đánh dấu những bước phát triển trong quan hệ giữa hai nước. Tháng 5/2005, Thủ tướng hai nước đã ký "Tuyên bố về hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand," khẳng định quyết tâm đẩy mạnh hợp tác để thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện, lâu dài và ổn định giữa hai nước.
Quan hệ giữa hai nước đã được nâng tầm lên thành Quan hệ Đối tác Toàn diện nhân chuyến thăm New Zealand của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vào tháng 9/2009.
Việc hai nước thiết lập Quan hệ Đối tác Toàn diện đã tạo ra xung lực mới cho sự hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới…
Tiếp đó, vào tháng 3/2018, chuyến thăm chính thức New Zealand của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mở ra một trang mới trong quan hệ Việt Nam-New Zealand, tạo động lực thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện trên mọi lĩnh vực. Hai nhà lãnh đạo nhất trí nhanh chóng hoàn tất trao đổi và tham vấn trong năm 2019 về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược trong tương lai gần theo thỏa thuận giữa hai bên.
Trên cơ sở đó, tháng 7/2020, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược, đưa quan hệ song phương ngày càng phát triển và đi vào thực chất, tạo đà để mở rộng các lĩnh vực hợp tác trong tương lai.
Tháng 7/2020, Việt Nam và New Zealand đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược, đưa quan hệ song phương ngày càng phát triển và đi vào thực chất, tạo đà để mở rộng các lĩnh vực hợp tác trong tương lai. |
Hai nước luôn duy trì các cuộc tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao và các cấp. Nổi bật là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hội đàm trực tuyến với Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern (tháng 7/2020); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điện đàm với Chủ tịch Quốc hội New Zealand Travor Mallard (tháng 7/2020); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm trực tuyến với Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Nanaia Mahuta (tháng 3/2021); Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Nanaia Mahuta trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55-AMM 55 tại Phnom Penh (Campuchia) (tháng 8/2022), thăm chính thức New Zealand và đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-New Zealand lần thứ 1 (tháng 9/2022); Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thăm chính thức Việt Nam (tháng 11/2022); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức New Zealand (tháng 12/2022); Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Toàn quyền New Zealand Dame Cindy Kiro và Thủ tướng Chris Hipkins nhân dịp dự Lễ đăng quang của Nhà vua Anh Charles III (tháng 5/2023); Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp song phương Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Thiên Tân (Trung Quốc) (tháng 6/2023)…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Toàn quyền New Zealand Dame Cindy Kiro trong chuyến thăm chính thức New Zealand tháng 12/2022. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Hai nước cũng duy trì các cơ chế hợp tác song phương, như: Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (lần đầu tiên vào tháng 9/2022); Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại (lần thứ 8 vào tháng 5/2023); Đối thoại cấp cao về nông nghiệp (lần thứ 2 vào tháng 4/2022)…
Hai bên đang nỗ lực thực hiện hiệu quả Chương trình hành động Việt Nam-New Zealand giai đoạn 2021-2024 đã được Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao New Zealand ký kết trực tuyến hồi tháng 12/2021.
Tàu tiếp tế HMNZS Aotearoa, con tàu lớn nhất của Hải quân New Zealand, cập Cảng Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh tháng 9/2023. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN) |
Trong khuôn khổ đa phương, Việt Nam và New Zealand có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực quan trọng trên thế giới mà hai nước đều là thành viên như: Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các cơ chế hợp tác của ASEAN…
Hai nước cũng hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông, thúc đẩy hợp tác theo các Hiệp định thương mại tự do cả hai nước cùng tham gia như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…
Hợp tác kinh tế, thương mại hiệu quả, cùng có lợi
Hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư theo hướng hiệu quả và đôi bên cùng có lợi được coi là trọng tâm và động lực để thúc đẩy quan hệ song phương.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 14 của New Zealand, trong đó Việt Nam là nhà xuất khẩu thứ 13 vào thị trường New Zealand và là nhập khẩu đứng thứ 17 của New Zealand. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều qua các năm, từ 300 triệu USD năm 2009 tới 750 triệu USD năm 2013 (tốc độ tăng bình quân khoảng 20%/năm).
Năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến toàn thế giới thì kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa New Zealand và Việt Nam vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tốt, đạt hơn 1,3 tỷ USD; năm 2022 đạt 1,4 tỷ USD; năm 2023 đạt 1,3 tỷ USD; tháng đầu tiên của năm 2024 đạt 113 triệu USD.
Việt Nam xuất khẩu sang New Zealand chủ yếu các mặt hàng: điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, hạt điều, giày dép; và nhập khẩu từ New Zealand các mặt hàng: sữa và các sản phẩm từ sữa, hoa quả, gỗ, nguyên liệu phụ liệu dệt, may, gia dày, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, phế liệu sắt thép, sắt thép các loại…
Về đầu tư, tính đến tháng 11/2023, New Zealand có 52 dự án đầu tư với tổng số vốn 208,35 triệu USD, đứng thứ 39/143 quốc gia và lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Kỳ họp thứ 8 Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại giữa Việt Nam và New Zealand ngày 23/5/2023 tại Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN) |
Các lĩnh vực đầu tư tập trung nhiều nhất vào kinh doanh bất động sản, giáo dục và đào tạo, công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; xây dựng.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện có 10 dự án đầu tư tại New Zealand với tổng số vốn đăng ký 37,8 triệu USD.
Về hợp tác phát triển, New Zealand luôn dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA ổn định và tăng dần theo từng năm, từ 3,2 triệu NZD (tương đương 2,3 triệu USD) năm tài khóa 2003-2004 lên tới 10,5 triệu NZD (khoảng 7,4 triệu USD) năm tài khóa 2012-2013; 26,66 triệu NZD (tương đương 18,6 triệu USD) giai đoạn 2015-2018.
New Zealand cam kết dành cho Việt Nam 26,7 triệu NZD ODA không hoàn lại cho giai đoạn 1/7/2021-30/7/2024 (tương tự giai đoạn 2018-2021); tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, giáo dục, ứng phó đại dịch COVID-19.
Hợp tác về giáo dục cũng là một điểm sáng trong quan hệ hai nước. Nền giáo dục New Zealand đang trở thành lựa chọn tốt nhất của sinh viên Việt Nam. Hiện có khoảng 3.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại New Zealand.
Giao lưu nhân dân, hợp tác về lao động, nông nghiệp, an ninh-quốc phòng, trao đổi văn hóa, cũng là những ưu tiên trong thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Hai nước đang quan tâm triển khai một số lĩnh vực hợp tác mới như chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng.
Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam sống ở New Zealand có khoảng 11.000 người, chủ yếu sinh sống ở Auckland, Christchurch và Wellington. Đại bộ phận kiều bào có cuộc sống ổn định và có tinh thần hướng về quê hương đất nước.
Hướng tới kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-New Zealand
Có thể khẳng định những thành quả hợp tác trong thời gian qua là nền tảng tích cực để Việt Nam và New Zealand đẩy mạnh hợp tác cả song phương và đa phương, đem lại thành quả thiết thực hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ (19/6/1975-19/6/2025) và 5 năm quan hệ Đối tác Chiến lược (7/2020-7/2025).
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới New Zealand lần này nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII, Kết luận 59-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng tham gia ASEAN đến năm 2030 và Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, trong chuyến thăm New Zealand lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai nước sẽ tiếp tục trao đổi về các biện pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác song phương, trong đó có hợp tác trong những lĩnh vực truyền thống như thương mại, đầu tư.
Đồng thời, trọng tâm hợp tác giữa hai nước cũng sẽ bao gồm các lĩnh vực mang tính gắn kết, giao lưu nhân dân, đặc biệt là hợp tác về lao động, giáo dục-đào tạo, nông nghiệp, nhất là về công nghệ mới trong nông nghiệp và những biện pháp để mở rộng thị trường xuất nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của cả hai bên...
Chuyến thăm New Zealand của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tạo cơ hội để hai nước tăng cường hợp tác trong hàng loạt lĩnh vực |
Theo Quyền Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Wendy Hinton, chuyến thăm New Zealand của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tạo cơ hội để hai nước tăng cường hợp tác trong hàng loạt lĩnh vực như: thương mại, tài chính, đầu tư, nông nghiệp, giáo dục, quốc phòng và an ninh, trong đó đáng chú ý là một kế hoạch hành động hợp tác chiến lược mới.
Cụ thể, hai bên có thể ký kết ba thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực hợp tác gồm: giáo dục, thương mại và kinh tế. Đồng thời, Thủ tướng New Zealand sẽ đưa ra hai thông báo quan trọng về một số hợp tác khác giữa Việt Nam và New Zealand.
Cũng theo Quyền Đại sứ Wendy Hinton, New Zealand đánh giá Việt Nam là một nhân tố quan trọng trong khu vực và trên toàn cầu. Việt Nam đã tham gia các khuôn khổ khu vực và quốc tế một cách xây dựng và trách nhiệm.
Năm 2023, Việt Nam là điểm đến của hàng loạt các vị lãnh đạo cấp cao các nước; thể hiện là một đối tác ổn định và hướng ngoại. Các nhà lãnh đạo nhiều nước lớn như Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Đức Steinmeier đều đã thăm và đánh giá Việt Nam đang ngày càng có tầm vóc và uy tín trên trường quốc tế, bởi thế họ đến với Việt Nam nhằm phát triển mối quan hệ tốt đẹp, chặt chẽ hơn.
Việt Nam là quốc gia nắm vai trò điều phối mối quan hệ đối thoại ASEAN-New Zealand giai đoạn 2024-2027. Điều đó thực sự mang lại cơ hội tuyệt vời để hai nước củng cố và thúc đẩy hợp tác song phương hơn nữa trong các vấn đề khu vực, Quyền Đại sứ Wendy Hinton khẳng định./.
Doanh nghiệp, nhà bán lẻ quan tâm sản phẩm trái cây nhập khẩu từ New Zealand trưng bày tại chiến dịch bán lẻ Made with Care năm 2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN) |
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có chuyến tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia, thăm chính thức Australia và New Zealand. Đoàn của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn cùng tham gia đoàn đại biểu cấp cao dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia, thăm chính thức Australia và New Zealand và tổ chức các hoạt động bên lề. Tham gia Đoàn công tác của Bộ Công Thương gồm có đại diện các Cục, Vụ, đơn vị: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Phòng vệ Thương mại, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Báo Công Thương... |