Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn TASS trước chuyến thăm Liên bang Nga |
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Liên bang Nga năm 2014 - Ảnh: TTXVN |
Chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Liên bang Nga diễn ra trước thềm một loạt sự kiện lớn của hai nước: Kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nga trong năm 2019 và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nga năm 2020.
Sau chuyến thăm chính thức Liên bang Nga năm 2014 trên cương vị Tổng Bí thư, đây là chuyến thăm Nga đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội lần thứ 12 và là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam sang Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin tái đắc cử hồi tháng 3.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin tại Sochi vào ngày 6/9. Hai bên sẽ tập trung thảo luận vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiếc lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga và một số vấn đề khu vực khác. Dự kiến sẽ có nhiều văn kiện hợp tác được ký kết trong chuyến thăm này.
Về hợp tác kinh tế, quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa hai nước vẫn tăng trưởng liên tục trong nhiều năm gần đây, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Liên bang Nga luôn đạt hàng tỷ USD mỗi năm.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2018, tổng trị giá kim ngạch thương mại giữa 2 nước đạt 2,666 tỷ USD, tương đương 75% tổng giá trị kim ngạch của cả năm 2017. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,466 tỷ USD và nhập khẩu 1,2 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm: Điện thoại, may mặc, nông, thủy, hải sản các loại…; các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ thị trường này là: Xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc, thiết bị các loại…
Về đầu tư, hiện Nga đứng thứ 22/117 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 116 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đăng ký khoảng 990 triệu USD (trong đó phải kể đến Vietsovpetro, Vietgazprom). Đầu tư của Nga tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực dầu khí, công nghiệp, chế tạo, năng lượng, khai khoáng, giao thông, nuôi trồng và đánh bắt hải sản... Ngược lại, đầu tư của Việt Nam sang Nga trong vài năm trở lại đây tăng nhanh, từ chỗ chỉ khoảng hơn 100 triệu USD năm 2008, hiện Việt Nam có 23 dự án đầu tư tại Nga với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, thương mại, nông nghiệp... Các dự án đầu tư lớn của Việt Nam sang Nga gồm: Liên doanh dầu khí Rusvietpetro, Gazpromviet, Dự án tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại Nga của Tập đoàn TH-True Milk, Dự án tổ hợp Trung tâm thương mại-khách sạn Hà Nội-Moscow.
Tuy nhiên, trả lời báo chí trước thềm chuyến thăm này, Tổng Bí thư nhận định, quan hệ kinh tế thương mại song phương còn khiêm tốn. Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực tháng 10/2016, kim ngạch thương mại tăng trưởng khoảng 30% trong hai năm qua, đạt khoảng 3,5 tỷ USD trong năm 2017, chưa tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp, tiềm năng to lớn và mong muốn của hai bên. Tổng Bí thư bày tỏ mong muốn lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ hơn và sớm thực sự là trụ cột của quan hệ hai nước trong thời gian tới.
“Có thể nói, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga đang phát triển thực chất, ngày càng sâu sắc theo hướng bền vững” - Tổng Bí thư khẳng định.