Thông tin được ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong Hội thảo quốc tế "Giải pháp nhà ở đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm ở TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2035” , diễn ra ngày 17/9 tại TP. Hồ Chí Minh.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội thảo |
Phần lớn người thu nhập thấp không có khả năng sở hữu nhà ở
TP. Hồ Chí Minh có tốc độ gia tăng dân số nhanh, cứ bình quân mỗi năm thành phố (TP) gia tăng khoảng 200.000 người, trung bình 5 năm khoảng 1 triệu người. Theo thống kê năm 2019, dân số TP. Hồ Chí Minh chỉ khoảng 9 triệu người, nhưng thực tế có hơn 13 triệu người đang sinh sống, làm việc, học tập tại đây.
Ông Nguyễn Thành Phong nhìn nhận, với quy mô dân số như hiện nay TP đang đứng trước những thách thức, áp lực rất lớn trong công tác quản lý đô thị, đòi hỏi phải đặt ra các yêu cầu cao hơn về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là vấn đề về nhà ở.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, tính đến tháng 6/2019, TP. Hồ Chí Minh có gần 1,9 triệu căn nhà với tổng diện tích sàn gần 182,2 triệu m2. Diện tích nhà ở bình quân đầu người tại TP. Hồ Chí Minh đạt 19,9 m2, dự kiến cuối năm 2020 sẽ đạt 20,3 m2/người.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của các cơ quan quản lý, nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp |
Thời gian qua, việc phát triển nhà ở nhiều loại hình như: Nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà lưu trú công nhân, ký túc xá sinh viên… đã góp phần đáp ứng và định hướng nhu cầu nhà ở của TP.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn bộ phận lớn người lao động, đặc biệt là người dân nhập cư, người có thu nhập thấp đang sinh sống trong điều kiện chật chội, cũ kỹ, chưa đảm bảo vệ sinh, an toàn và phần lớn không có khả năng sở hữu nhà ở, thậm chí để thuê nhà ở với mức giá phù hợp cũng là điều khó khăn.
“Do đó, việc tập trung xây dựng cơ chế, giải pháp phát triển nhà ở để đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là nhà ở xã hội, cho thuê nhà ở giá rẻ để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp, người dân nhập cư… đang là thách thức lớn của TP. Hồ Chí Minh” - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong trao đổi với các đại biểu bên lề hội thảo |
Bàn giải pháp để người thu nhập thấp có nhà ở
Hiện nay, theo khảo sát của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, có khoảng 476.000 hộ gia đình chưa có nhà ở, hoặc đang sống chung với người thân, chiếm gần 1/4 tổng số hộ gia đình tại TP. Trong đó, có khoảng 20.000 hộ cán bộ, công chức chưa sở hữu nhà ở; 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội; 143.000 hộ có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội (chiếm tỷ lệ 65- 94% đối tượng khảo sát); hơn 20.000 hộ sống trên nhà ven kênh rạch và 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, nâng cấp hoặc tái định cư.
Tại hội thảo các nhà khoa học, chuyên gia cho rằng, rào cản đối với người có thu nhập thấp tại đô thị khi tạo lập nhà ở chính là thiếu sản phẩm nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ, có giá vừa túi tiền (trên dưới 1 tỷ đồng), thiếu nhà ở xã hội, thiếu nhà cho thuê giá thấp. Hiện nay, giá nhà ở mức cao, gấp 20-25 lần so với thu nhập bình quân của người dân (ở nước phát triển chỉ khoảng 5-7 lần). Đây là một thách thức và khó khăn rất lớn đối với người thu nhập thấp muốn có nhà ở.
Chung cư Lê Thành, một dự án nhà giá thấp hiếm hoi ở TP. Hồ Chí Minh |
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) - cho hay, vấn đề khó khăn nhất của TP hiện tại là giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có mức thu nhập thấp, thu nhập trung bình để đảm bảo an sinh xã hội.
TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho cán bộ công chức, viên chức Nhà nước với suất được vay lên đến 900 triệu đồng, lãi suất 4,7%/năm trong thời hạn 15 năm. Đến nay đã giải ngân được khoảng 1.500 tỷ đồng cho hơn 4.000 người. Chủ tịch Horea nhìn nhận, đây là kết quả này đáng khích lệ, nhưng cần nguồn lực lớn hơn, để có thể nhân rộng hơn, áp dụng chung cho tất cả đối tượng có thu nhập thấp tạo lập căn nhà đầu tiên.
Giải pháp cho vấn đề thiếu nhà ở xã hội, theo Chủ tịch HoREA cần phát triển nhà ở xã hội kết hợp với mô hình nhà ở thương mại giá thấp để hình thành những "khu đô thị, khu nhà ở bình dân" hoặc "khu đô thị, khu nhà ở vừa túi tiền". Những khu đô thị này có thể trở thành vệ tinh của thành phố trong tương lai.
Dưới góc độ khoa học, theo PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TP. Hồ Chí Minh, nhà chung cư và sống ở chung cư đang đóng vai trò chủ đạo trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai. Chỉ có nhà chung cư mới đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho hàng triệu người mỗi năm. Do đó, TP cần tái quy hoạch không gian để khơi thông quỹ đất cho thị trường bất động sản trong đó có nhà chung cư, hình thành nên các trung tâm mới theo hình thái “đa trung tâm”.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề xuất các mô hình phát triển nhà ở đáp ứng tình trạng gia tăng dân số, như mô hình các dự án Khu dân cư quy mô lớn (mỗi dự án nên có diện tích khoảng trên dưới 50ha trở lên) tại các quận ven đô và huyện ngoại thành. Mô hình chỉnh trang, tái phát triển các khu vực đô thị cũ. Mô hình nhà ở xã hội để đảm bảo an sinh xã hội…