Không mở rộng diện đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ
Theo đó, UBTVQH đề xuất, việc cấp hộ chiếu phải đúng đối tượng và mỗi đối tượng được cấp nhiều nhất mỗi loại một cuốn hộ chiếu; mỗi lần xuất cảnh, nhập cảnh chỉ được sử dụng một loại giấy tờ xuất nhập cảnh còn giá trị sử dụng.
Các đại biểu góp ý cho dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam tại hội trường |
Về việc sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ vào mục đích cá nhân là trái với quy định tại Điều 25 và thuộc hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 4 Điều này. Công dân Việt Nam khi ra nước ngoài phải tuân thủ pháp luật của nước sở tại và đã được thiết kế thành nghĩa vụ của tại Điều 5; các hành vi lợi dụng việc cấp các giấy tờ xuất cảnh, nhập cảnh đã được quy định cụ thể tại khoản 8 Điều 5. Trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ quyết định đối với từng trường hợp cụ thể, nên người cấp giấy tờ xuất nhập cảnh không thể lợi dụng được.
“Nếu bổ sung các hành vi nghiêm cấm khác theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan sẽ bảo đảm tính bao quát, nhưng lại thiếu rõ ràng và khó thực hiện được ngay” - Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UB Quốc phòng và an ninh của Quốc hội – Võ Trọng Việt nêu.
Về đối tượng cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, UBTVQH cho rằng, đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2015), được thực hiện ổn định trong thời gian qua, đủ điều kiện để đưa vào quy định cụ thể trong Luật này.
UBTVQH đề nghị không mở rộng diện đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ so với quy định hiện hành và rà soát diện đối tượng hiện có để quy định bảo đảm tính công bằng, hợp lý, sát hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và có ổn định cao như thể hiện tại Điều 8 của dự thảo Luật đã chỉnh lý; giới hạn đối tượng đi theo, đi cùng được cấp hộ chiếu ngoại giao; quy định ngắn gọn, chặt chẽ hơn về đối tượng được cấp hộ chiếu công vụ (Điều 9) và bổ sung một điều (Điều 10) quy định cụ thể điều kiện cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ.
Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UB Quốc phòng và an ninh của Quốc hội – Võ Trọng Việt báo cáo |
Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH và căn cứ tình hình thực tiễn, UBTVQH đề nghị bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp: “Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn”, “người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án”, “người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế” và “người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn”.
Làm rõ nguyên tắc tạm hoãn xuất cảnh, nhập cảnh
Các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh đã được UBTVQH chỉnh lý cụ thể tại Điều 36 của dự thảo Luật đã chỉnh lý.
Cho ý kiến vào quy định các trường hợp tạm hoãn xuất, nhập cảnh (Điều 36), đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang) đề nghị bổ sung thêm cụm từ “nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước” bên cạnh “nghĩa vụ thuế” để đảm bảo ngoài nghĩa vụ thuế, công dân cũng phải hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác. Như vậy, những trường hợp người Việt Nam xuất cảnh định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước mới được phép xuất, nhập cảnh.
Bổ sung ý kiến vào nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. Hồ Chí Minh) lập luận, quyền xuất, nhập cảnh là một trong những quyền con người quan trọng được Việt Nam và quốc tế công nhận. Do đó, việc xây dựng và ban hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh là cần thiết.
Đi vào quy định các trường hợp tạm hoãn xuất, nhập cảnh, đại biểu phân tích, nếu chỉ quy định khi phát hiện hành vi xuất, nhập cảnh của công dân có ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà nước và công dân là quá chung chung.
“Nếu người ta nợ tiền nhưng mục đích xuất cảnh là để đòi nợ, khi xuất cảnh họ ký được các hợp đồng, mang lại lợi ích tài chính để giải quyết các khoản họ đang nợ thì rõ ràng cần cho phép họ xuất cảnh” – đại biểu Nghĩa phân tích và đề nghị ghi rõ, chỉ tạm hoàn xuất, nhập cảnh khi có dấu hiệu “ảnh hưởng xấu”.
Mở rộng vấn đề, vị đại biểu đoàn TP. HCM lưu ý, Việt Nam đã và đang ký kết rất nhiều các hiệp định thương mại, đặc biệt là khi Hiệp định EVFTA sắp có hiệu lực. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo đánh giá lại tác động của những quy định liên quan đến hoạt động xuất, nhập cảnh, nhất là quy định tạm hoãn xuất, nhập cảnh để đảm bảo không vi phạm các điều khoản trong Hiệp định EVFTA nói riêng, các hiệp định thương mại tự do khác nói chung.
Về quyền của công dân trong trường hợp bị cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định tạm hoãn xuất, nhập cảnh sai, đại biểu Nghĩa cho rằng, cần quy định rõ ngay trong luật này quyền của công dân được phép khởi kiện đối với cả quyết định tư pháp và quyết định hành chính không chính xác khi công dân thực hiện xuất, nhập cảnh.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Luật Xuất cảnh, nhập cảnh phải đảm bảo quyền và trách nhiệm của công dân, các cơ quan quản lý cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân |
Cũng cho ý kiến vào quy định này, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) chỉ rõ sự bất hợp lý trong quy định về 3 đối tượng bị tạm hoãn xuất, nhập cảnh, gồm: Người đang thi hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian thử thách; người được tha trước thời hạn và người được hưởng án treo. Đồng thời, viện dẫn một số điều quy định tại Bộ Luật thi hành án hình sự đã quy định rõ những đối tượng nói trên không được phép xuất, nhập cảnh.
Tán thành với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lầm Đồng), bổ sung thêm, trong Bộ Luật Tố tụng hình sự chỉ có quy định “cấm xuất nhập cảnh” mà không có quy định “tạm hoãn xuất, nhập cảnh”, do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, đối chiếu các quy định của dự thảo luật này với các Bộ luật, luật hiện hành để tránh chồng chéo, không khả thi trong thực tiễn.