Lương tăng 20,8%, liệu người lao động đã đủ sống? Tăng lương cần kèm theo các biện pháp kiềm chế lạm phát |
Sáng 2/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Văn Lâm - đoàn Bắc Giang khẳng định, công tác quản trị ngân sách và thực thi chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng trong nửa nhiệm kỳ qua.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, còn nhiều vấn đề bất cập, có những chính sách đã lạc hậu cả chục năm nhưng không sửa đổi.
Nhiều chính sách thu biểu hiện sự lạc hậu
“Nhiều chính sách thu biểu hiện sự lạc hậu, bất cập, nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh.” - đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Văn Lâm - đoàn Bắc Giang cho rằng có những chính sách đã lạc hậu cả chục năm không được thay đổi (Ảnh: Quochoi.vn) |
Đại biểu Trần Văn Lâm dẫn chứng đối với chính sách thuế thu nhập cá nhân hiện hành, với các qui định về khởi điểm thu nhập chịu thuế; phân chia bậc lũy tiến; mức giảm trừ gia cảnh..., không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu, giá cả, lạm phát... có nội dung đã lạc hậu cả chục năm. Đây là bất cập lớn.
Theo đại biểu Trần Văn Lâm, thuế giá trị gia tăng (VAT) được coi là sắc thuế tiên tiến, hiện đại, song cũng có không ít vấn đề. Mặc dù số thu lớn, nhưng số hoàn cũng lớn: Năm 2022 thu 390 ngàn tỷ đồng, hoàn 150 ngàn tỷ đồng (38%); 2023 ước thu 365 ngàn tỷ đồng, hoàn 160 ngàn tỷ đồng (44%); 2024 dự toán thu 390 ngàn tỷ đồng, hoàn 171 ngàn tỷ đồng (43%).
“Điều đáng nói quy trình hành chính thu phức tạp, tốn kém, diễn ra ở rất nhiều khâu trung gian; thu rồi khấu trừ; thu rồi lại phải hoàn; chi phí cho thu, rồi chi phí cho hoàn nhưng kết cục ngân sách chẳng được bao nhiêu. Quá trình này còn làm tăng nguy cơ, rủi ro sai phạm, gian lận, thất thu ngân sách. Đây là vấn đề cần xem xét giải quyết căn cơ” - đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị.
Trông chờ ngân sách địa phương
Nói về vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, đại biểu Trần Văn Lâm khẳng định: Đây là yêu cầu của của Luật Ngân sách nhà nước. Thực tế thời gian qua, vai trò này liên tục giảm nhẹ, thể hiện qua tỷ lệ số thu mà ngân sách Trung ương được hưởng thường xuyên suy giảm đến nay chưa có giải pháp khắc phục. Hiện tại, nhiều khoản chi thuộc trách nhiệm của ngân sách trung ương phải trông chờ vào sự đóng góp của ngân sách các địa phương.
Toàn cảnh phiên họp tại hội trường sáng 2/11 (Ảnh: Quochoi.vn) |
Bên cạnh đó, liên quan đến sử dụng các công cụ tài khóa vĩ mô, thời gian qua, Chính phủ, Quốc hội đã sử dụng linh hoạt, đồng bộ khá hiệu quả phù hợp với tình hình tại từng thời điểm. “Các chính sách đề ra để ứng phó trong bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp khi thế giới và trong nước xáo trộn, tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh đã qua, tình hình trở lại quĩ đạo bình thường, cần phải thay đổi phù hợp” - đại biểu Trần Văn Lâm kiến nghị.