Ít khi được người ta nhớ đến khi nói về nghề thủ công mỹ nghệ nhưng làm râu, tóc giả cũng là một “bộ môn” độc đáo của ngành nghề này.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Nga |
Những sợi tóc rối của các bà, các cô được thu về, dùng châm kim bằng sắt nhúng vào dầu và gỡ dần từng sợi một, được chải lại bằng những chông kim loại nhẵn trơn. Sau khi chải xong được chế tác thành từng loại sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng như thời trang, lễ hội hóa trang, phục vụ các đơn vị biểu diễn văn hóa nghệ thuật hoặc cho nhu cầu làm đẹp của khách hàng.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Nga là một trong những người thợ nổi danh về làm râu, tóc giả nghệ thuật. Bà khéo sử dụng nguyên liệu tầm thường như tóc rối để tạo ra các sản phẩm với nhiều kết cấu kỹ thuật khác nhau, đa dạng và phong phú, có tính kỹ thuật, mỹ thuật cao. Nguồn nguyên liệu được thu gom từ tất cả các loại tóc ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam.
Bà Nga cho biết, người làm tóc phải có khả năng nhận biết chất lượng tóc giả cùng với việc chọn kiểu, chọn mẫu qua các tiêu chí về độ dày mỏng, óng mịn, màu sắc để cắt tỉa, tạo dáng phù hợp. Làm tóc giả khó hơn tóc thật vì phải chọn lựa các loại tóc cho đều nhau, cả về hình dáng lẫn màu sắc. Vì vậy mà sản phẩm của bà có tính thời trang cao, hợp với sở thích, văn hóa của người Việt Nam và được khách hàng rất ưa dùng, đặc biệt là các bạn trẻ với sở thích phong phú.
Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Nga, giá trị của một bộ tóc giả ngoài vẻ đẹp thẩm mỹ và phù hợp với gương mặt chủ nhân còn phải có tuổi thọ dài, độ bền nhất định về màu sắc, sự óng mượt để người sử dụng có thể tùy ý thay đổi kiểu. Theo thời gian, bộ tóc giả còn giữ nguyên sự mới mẻ khi được chăm sóc đúng kỹ thuật.
Với tay nghề điêu luyện, từng sản phẩm của nghệ nhân Nguyễn Thị Nga cho thấy sự tinh xảo, tỉ mỉ của người thợ làm ra nó. Các sản phẩm điển hình của bà phải kể đến sản phẩm “Đầu tóc, râu, mi giả” chất lượng vàng năm 2015 do Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vinh danh; sản phẩm Đầu tóc giả đạt Thương hiệu sản phẩm dịch vụ hàng đầu Việt Nam năm 2014 do Liên hiệp các hội Unesco vinh danh; Đầu tóc giả nghệ thuật đã tham gia liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Sản phẩm này cũng đạt danh hiệu hàng Việt Nam được người tiêu dùng Thủ đô yêu thích; sản phẩm mi tóc giả đạt cúp vàng sản phẩm dịch vụ xuất sắc lần II năm 2009 được Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam xác nhận. Nhiều sản phẩm về tóc, sản phẩm làm bằng tóc của bà cũng được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Không chỉ cung cấp hàng cho thị trường nội địa, sản phẩm, tác phẩm râu, tóc giả của nghệ nhân Nguyễn Thị Nga còn được xuất khẩu sang thị trường các nước Mỹ, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nam Phi…
Điều đặc biệt ở nghệ nhân Nguyễn Thị Nga là bà còn tận dụng tóc phế liệu để làm ra sản phẩm phân bón, thức ăn chăn nuôi cung cấp ra thị trường.
Trải qua bao thăng trầm, nghề làm tóc giả nay không còn giới hạn đáp ứng nhu cầu cho khách hàng làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật hay người có khuyết điểm về tóc mà đã mở rộng đối tượng đến nhiều người, không phân biệt giới tính, tuổi tác vì nhu cầu làm đẹp, nhờ thế mà nghề này cũng thu hút được nhiều lao động. Nghệ nhân Nguyễn Thị Nga đã dạy nghề, truyền nghề cho rất nhiều người, vừa góp phần tạo công ăn việc làm cho xã hội, vừa lưu giữ những giá trị tinh hoa mà bà luôn tâm niệm là “nghệ thuật”.