Chiều ngày 25/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Phải minh bạch ngay từ đầu
Theo đó, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đã đề nghị Chính phủ cần có đánh giá tác động về phương án tài chính của dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) với dự án song hành, cụ thể ở đây là dự án Quốc lộ 14.
Cao tốc Bắc Giang- Lạng Sơn hiện doanh thu chỉ đạt khoảng 30% phương án tài chính (Ảnh minh họa) |
Theo các đại biểu, điều này nhằm tránh việc ngân sách nhà nước bỏ ra “bù” cho các dự án BOT, do sau khi đưa vào vận hành nguồn thu không đạt như phương án tài chính được phê duyệt như một số dự án BOT cao tốc trước đó đã xảy ra.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết: Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành sẽ song song với quốc lộ 14, nếu làm được sẽ là con đường kết nối cả Tây Nguyên với khu vực Đông Nam Bộ và tiếp cận với cảng biển. Con đường này có ý nghĩa không chỉ về kinh tế mà còn cả quốc phòng, an ninh.
‘Tuy nhiên Quốc lộ 14 hiện nay đang có 2 trạm thu phí BOT gồm: Trạm BOT cầu Hàm Rồng và trạm BOT cầu 110. Cả 2 trạm này mỗi trạm có thời gian kết thúc hợp đồng khác nhau, có trạm kết thúc vào năm 2028, có trạm kết thúc vào năm 2030.’- đại biểu Phạm Văn Thịnh chia sẻ.
Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, trong báo cáo của Chính phủ chưa đề cập đến nội dung đã làm việc với đơn vị quản lý 2 trạm BOT này chưa? Để có thể đánh giá chia sẻ rủi ro trách nhiệm như thế nào?
Từ thực tế một số tuyến đường BOT đã làm có những tuyến song song mà nhà nước có thể vì nhiều lý do nguồn gốc hình thành tuyến đường nên không thu phí.
Vị đại biểu đoàn Bắc Giang lấy dẫn chứng: ‘Chúng tôi có tuyến đường cao tốc Bắc Giang đi Lạng Sơn, hiện nay xe ô tô con đi tuyến này chưa đến 50km, nhà đầu tư thu phí khoảng 180.000 đồng. Rất ít xe đi tuyến này, trong khi tuyến Quốc lộ 1 sau khi được tiến hành nâng cấp, xe đi chật kín’.
Đại biểu Thịnh nhận xét bên lề họp tổ, một tuyến đường huyết mạch kết nối hành lang kinh tế quan trọng, một trong những cửa ngõ giao thương đường bộ lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhưng từ khi đưa vào vận hành đến nay thu phí chỉ đạt 30% so với phương án tài chính. Chủ đầu tư đã có văn bản đề nghị Nhà nước “bù” do doanh thu không đạt như phương án tài chính đưa ra.
Đạo biểu Phạm Văn Thịnh góp ý tại tổ vào chiều ngày 25/5 (Ảnh: Thu Hường) |
‘Được biết số tiền ngân sách phải ‘bù” cho doanh nghiệp vào khoảng 3.000 tỷ đồng. Từ thực tế trên, tôi đề nghị trong quyết định đầu tư dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn qua Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) báo cáo của Chính phủ phải đề cập đến trường hợp các tuyến đường song hành mà cụ thể ở đây là Quốc lộ 14.’ – đại biểu Thịnh đề nghị.
Ông cũng đưa ra tình huống, nếu sau này nhà nước cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14 bằng vốn duy tu, bảo trì hàng năm dẫn đến tuyến đường thông thoáng hơn, người dân lựa chọn đi tuyến quốc lộ 14, lúc đó rất có thể chủ đầu tư tuyến cao tốc đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành lại yêu cầu nhà nước phải có trách nhiệm. Do vậy, đại biểu Thịnh đề nghị Chính phủ cần phải có quan điểm rõ ràng và trao đổi với chủ đầu tư trước khi mời gọi PPP.
Cần xem xét vấn đề chia sẻ doanh thu của các dự án BOT song hành trên tuyến
Đồng quan điểm với đại biểu Phạm Văn Thịnh, đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, khi dự án bị tác động bởi một số dự án BOT song hành sẽ tác động đến phương án tài chính của dự án- đây là vấn đề cần làm rõ và cần có phương án xử lý ngay từ quá trình xây dựng và triển khai dự án từ ban đầu. Để tránh khi triển khai lại xảy ra xung đột việc xử lý sẽ càng phức tạp hơn.
Đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị cần xem xét vấn đề chia sẻ doanh thu của các dự án BOT song hành trên tuyến (Ảnh: Thu Hường) |
Đại biểu Trần Văn Lâm chia sẻ, một số dự án BOT đường bộ sau khi triển khai lại có một số dự án đầu tư công khác song hành chia sẻ doanh thu của dự án. Khiến các nhà đầu tư BOT bị thiệt hại, đến nay vẫn chưa xử lý triệt để.
Ông đề nghị phải tính toán hiệu quả của dự án Gia Nghĩa- Chơn Thành nếu bị tác động của dự án quốc lộ 14. Phải xem xét vấn đề chia sẻ doanh thu của các dự án BOT đường bộ song hành trên tuyến.
Câu chuyện chia sẻ doanh thu của dự án BOT Gia Nghĩa – Chơn Thành có thể không cần đề cập đến nếu dự án được sử dụng nguồn vốn khác.
Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, dự án Gia Nghĩa- Chơn Thành tính toán thời gian hoàn vốn là 18,7 năm, giao nhà đầu tư quản lý thu phí là 21 năm. Do vậy phương án “hụt” về tài chính rất dễ xảy ra.
Toàn cảnh cuộc họp tại tổ số 4 chiều 25/5 (Ảnh: Thu Hường) |
‘Trong trường hợp không có nhà đầu tư tham gia dự án này, chúng ta mạnh dạn triển khai một dự án đầu tiên bằng hình thức lập dự án đường cao tốc gắn liền với các khu đất sẽ được khai thác sau khi hình thành tuyến đường, tổ chức giải phóng mặt bằng và đấu giá công khai.’- đại biểu Phạm Văn Thịnh đề xuất.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng, chỉ cần quỹ đất khoảng 4.000 ha dọc tuyến Bình Phước dài 85km- khu vực đang rất hấp dẫn về thu hút đầu tư cả về công nghiệp – đô thị kết hợp với khu bô-xít nhôm ở Đăk lắk, thông qua thu hồi giải phóng mặt bằng, bán đấu giả là có thể đảm bảo đủ vốn cho đầu tư dự án Gia Nghĩa- Chơn Thành.