Thứ tư 23/04/2025 00:40

Làm gì để ngăn chặn vấn nạn buôn lậu thuốc lá?

Giải pháp nào để ngăn chặn vấn nạn quốc gia - buôn lậu thuốc lá là nội dung quan trọng được các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia chỉ ra trong buổi tọa đàm với chủ đề “Vấn nạn buôn lậu thuốc lá – Những vấn đề đặt ra” diễn ra chiều 13/10 tại Văn phòng Quốc hội.
Để ngăn chặn vấn nạn buôn lậu thuốc lá cần sự vào cuộc từ nhiều phía

Lợi nhuận 350%, sao không làm?

“Vẽ” bức tranh buôn lậu thuốc lá, ông Nguyễn Khánh Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan – mở đầu, những năm gần đây, tình hình buôn lậu thuốc lá luôn diễn biến phức tạp, có thể tăng, giảm trong từng giai đoạn nhưng chưa bao giờ có dấu hiệu chấm dứt.

“Không chỉ ở các tuyến biên giới phía Bắc, phía Tây Bắc giáp Lào,… mà cả phía Tây Nam giáp Campuchia và tuyến biển” – ông Quang chỉ rõ và nhận định, chiêu thức buôn lậu ngày cảng tinh vi.

Đưa số liệu để minh chứng, ông Quang cho biết, từ năm 2014 đến 2018, ngành Hải quan đã bắt 1.033 vụ, 153 đối tượng, số lượng thuốc lá thu giữ gần 3 triệu bao, xử lý hành chính hơn 800 vụ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó Cục trưởng, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng – bổ sung, dù không phải nhiệm vụ chính của lực lượng biên phòng, song, theo phân công, lực lượng biên phòng đã và đang rất nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu nói chung, chống buôn lậu thuốc lá nói riêng. Năm 2016, lực lượng biên phòng đã thu giữ được gần 1 triệu bao thuốc; năm 2017 là gần 2,7 triệu bao và số liệu đến tháng 8/2018 là 2 triệu bao.

“Con số này cho thấy, tình hình buôn lậu chống thuốc lá rất phức tạp” - ông Hiệp nhấn mạnh.

Cũng để chứng minh tình hình buôn lậu thuốc lá đã, đang và còn diễn biến hết sức phức tạp, ông Vũ Văn Cường – Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam – thông tin, năm 2016, Quản lý thị trường tỉnh Long An bắt được một tàu buôn lậu thuốc lá, các đối tượng đã chống trả làm một cán bộ quản lý thị trường hy sinh. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều vụ vận chuyển bằng ô tô khi bị truy đuổi thì bỏ chạy gây tai nạn giao thông, gây chết người…

Ông Cường khẳng định, đây là vấn đề nóng, bức xúc hiện nay và điều tra của tổ chức quốc tế Oxford Economics, Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu hàng đầu trong 14 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á, gồm: Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Lào, Australia, Philippines, Hồng Kông…

Ông Vũ Văn Cường: Mỗi năm, buôn lậu thuốc là làm thất thoát gần 10 nghìn tỷ đồng ngân sách nhà nước

Ông Nguyễn Sỹ Cương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, người đã từng mang thuốc lá nhập lậu lên nghị trường kỳ họp Quốc hội – thì cho biết, bản thân ông đã có hai chuyến thị sát, kiểm tra tại các địa phương phía Nam và thấy rằng, tình trạng buôn lậu “quá khủng khiếp”.

Tại những địa phương mà ông Cương đến kiểm tra, ông ghi nhận thuốc lá lậu được vận chuyển một cách công khai và gần như không có ai cản trở, không có sự ngăn chặn của lực lượng chức năng.

“Khi chúng tôi đi Châu Đốc, vào buổi sáng đi quanh khu vực chợ mua bất kỳ loại thuốc lá nào cũng có. Lực lượng chức năng ngồi ở cổng chợ, nhưng đi vào chợ thuốc lá lậu bày bán rất nhiều. Giá cả thì rất khác nhau, mua ở ngoài thuốc lá Hero 160.000 - 170.000 đồng/cây (10 gói), nhưng vào chợ chỉ 70.000 - 120.000 đồng/cây. Khi tôi hỏi thì có người nói thuốc lá trong chợ là thuốc giả, chỉ 1 - 2 gói là thật, kể cả Long Xuyên cũng vậy” – Đưa dẫn chứng từ thực tiễn chuyến đi, ông Cương bổ sung, không chỉ ở các tỉnh phía Nam mà ngay tại Hà Nội, tại chợ Hàng Mành hay phố Lương Văn Can cũng có rất nhiều thuốc lậu.

Quá nhiều nguyên nhân

Cùng chỉ ra các nguyên nhân, tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã thẳng thắn cho rằng, không chỉ vì lợi nhuận, vì sự khó khăn của người dần vùng biên giới mà còn có những lý do từ công tác quản lý thiếu hiệu quả, thậm chí không loại trừ có sự “bảo kê” của cán bộ trong bộ máy chính quyền và các lực lượng chức năng được giao thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu.

Điển hình, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng thẳng thắn, rằng, trước hết là sự thiếu quyết liệt của các cấp, ngành. “Ngoài việc lúng túng thì còn có hiện tượng thờ ơ. Chúng ta cũng không thể không đặt dấu hỏi nghi ngờ về dấu hiệu nhóm lợi ích, về sự bảo kê trong vấn đề này, không ngoại trừ ở đây những lợi ích liên quan đến tham nhũng” – ông Nhưỡng nói và cho rằng, nguyên nhân quan trọng hơn là nhận thức của chúng ta chưa đầy đủ, chưa xem xét hết mọi khía cạnh tác hại của vấn đề buôn lậu thuốc lá.

Đồng tình, ông Nguyễn Anh Tuấn – Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương – nhấn mạnh, các đối tượng buôn lậu thuốc lá sử dụng rất nhiều phương tiện vận chuyển, từ mô tô, xe máy… đến ô tô, xuồng máy… Đặc biệt, các đối tượng này ngày càng liều lĩnh, sẵn sàng đâm thẳng vào lực lượng chặn bắt.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Công tác phối hợp với lực lượng công an trong quá trình ngăn chặn phương tiện vận chuyển, kiểm tra, khám xét hàng hoá là rất cần thiết

“Cá biệt, có đối tượng sẵn sàng dùng công cụ, vũ khí thô sơ để chống lại lực lượng chức năng, gây thương tích cho các chiến sĩ làm nhiệm vụ” – Ông Tuấn chia sẻ.

Đồng tình cao, ông Nguyễn Văn Hiệp cho biết, trong quá trình kiểm tra giám sát chống buôn lậu thuốc lá, chúng tôi thấy, đối tượng có sử dụng xuồng máy chạy với tốc độ cực lớn, trong khi lực lượng quản lý thị trường cũng như bộ đội biên phòng không có đủ trang thiết bị. Thêm nguyên nhân, ông Hiệp cho biết, ở nhiều địa có biên giới với các nước bạn, chính quyền nước bạn không cấm đoán việc buôn thuốc lá nên có nhiều tụ điểm tập kết giáp biên, chỉ chờ cơ hội là vận chuyển sang Việt Nam. Bên cạnh đó, đặc điểm của mặt hàng thuốc lá là dễ vận chuyển, khiến tội phạm thuốc lá lợi dụng. Chưa kể, dân cư ở vùng biên giới đa số dân trí chưa cao, đời sống khó khăn, nên họ càng dễ dàng bị lôi kéo tham gia đường dây buôn thuốc lá lậu. Trong khi đó, ở nội địa nước ta, nhu cầu sử dụng thuốc lá lớn, đặc biệt là thuốc lá giá rẻ. Việc mua thuốc lá dễ dàng, các chủ đầu nậu chủ yếu là ở nội địa, người vận chuyển phần lớn là nhân dân ở khu vực biên giới đặt ra vấn đề chúng ta cần giải quyết, đó là chính sách cần có tính nghiêm khắc hơn.

Cần sự vào cuộc từ nhiều phía

Đưa giải pháp, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, Tổng cục Quản lý Thị trường đã được Thủ tướng quyết định thành lập vào ngày 12/10/2018 và nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là công tác tuyên truyền pháp luật.

“Trước đây, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường dán các pano, áp phích về việc tiêu thụ, vận chuyển và buôn bán thuốc là nhập lậu; tuyên truyền vận động tổ chức, cá nhân ký cam kết không kinh doanh, buôn bán, tàng trữ hàng nhập lập nói chung, trong đó có mặt hàng thuốc lá” – Ông Tuấn nói và cho biết, công tác phối hợp với lực lượng công an trong quá trình ngăn chặn phương tiện vận chuyển, kiểm tra, khám xét hàng hoá là cần thiết vì lực lượng quản lý thị trường đôi khi xin giấy phép hay lệnh khám nhà của các đối tượng cất giấu thuốc lá lậu rất chậm và khi đủ điều kiện thì các đối tượng đã tẩu tán tang vật.

Trong khi đó, ông Nguyễn Khánh Quang cho rằng, giải pháp căn cơ để chống buôn lậu thuốc lá, cùng với công tác điều tra, xử lý thì quan trọng nhất là phải tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân khu vực biên giới.

Ông Nguyễn Khánh Quang: Giải pháp căn cơ để chống buôn lậu thuốc lá, cùng với công tác điều tra, xử lý thì quan trọng nhất là phải tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân khu vực biên giới

Một vấn đề được ông Quang cho là hết sức quan trọng là phải có sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng hoạt động ở vùng biên giới với các cơ quan trong nội địa, như: công an, biên phòng, hải quan, quản lý thị trường... nếu không sẽ dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm”, thiếu thông tin, hiệu quả đấu tranh thấp. Đồng thời, phải đẩy mạnh quan hệ quốc tế thì mới có thể ngăn chặn thuốc lá lậu.

Tán thành và cho biết giải pháp của Hiệp hội thuốc lá, ông Vũ Văn Cường nhấn mạnh đến công tác truyền thông và cho biết, Hiệp hội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền hoạt động chống buôn lậu thuốc lá.

Ở góc độ chính sách và kinh tế, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội – góp ý, trong Pháp lệnh về quản lý thị trường và mới đây nhất là Quyết định 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường được xem là một bước chuẩn bị lực lượng để đấu tranh phòng chống buôn lậu trên toàn tuyến biên giới trên đất liền, biển cũng như buôn lậu thuốc lá.

Và theo ông Kiên, để phòng chống buôn lậu, không có gì tốt hơn bằng các biện pháp kinh tế. Nếu chúng ta đảm bảo cho người dân ở khu vực biên giới có đời sống, nghề tốt hơn, có thu nhập và tuyên truyền tốt hơn thì vấn đề buôn lậu nói chung và buôn lậu thuốc lá nói riêng từng bước đẩy lùi.

Ông Nguyễn Đức Kiên: Việc thành lập Tổng cục Quản lý thị trường được xem là một bước chuẩn bị lực lượng để đấu tranh phòng chống buôn lậu trên toàn tuyến biên giới trên đất liền, biển cũng như buôn lậu thuốc lá.

Cũng với quan điểm đó, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội – bổ sung, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm tới hoàn thiện thể chế pháp luật để xử lý hành vi vi phạm pháp luật nói chung, trong đó hành vi buôn lậu, đặc biệt là buôn lậu thuốc lá. Chính vì vậy, hành vi buôn lậu thuốc lá đã được quy định rất nghiêm khắc và thể hiện rõ trong Bộ luật Hình sự, coi hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu là hành vi buôn bán vận chuyển hàng cấm. Do đó hành vi này sẽ được xử lý nghiêm khắc hơn và trên thực tế, khi chứng minh hành vi tội phạm cũng thuận lợi hơn cho cơ quan chức năng.

“Với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, tại các Điều 190, 191 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, đã không còn vướng mắc trong tranh luận thuốc lá lậu có là hàng cấm hay không phải hàng cấm. Quy định của Bộ luật Hình sự đã giải quyết được vấn đề này” – Ông Cường chỉ rõ.

Hoàng Châu
Bài viết cùng chủ đề: Quản lý thị trường

Tin cùng chuyên mục

Nghệ An: Triệt xóa ổ nhóm rửa tiền, đánh bạc liên quan nhà cái 'xxx88'

Phú Thọ: Triệt phá đường dây buôn ma tuý xuyên quốc gia

Cưỡng chế thuế Công ty Xây dựng và Thương mại Nguyễn Kim

Cưỡng chế thuế Công ty TNHH Ba Nối tại Long An

Hòa Bình kiểm tra vụ 305 nhãn hiệu sữa giả

Công khai danh sách 133 doanh nghiệp tại Thanh Hóa nợ thuế

Cưỡng chế thuế 2 doanh nghiệp tại tỉnh Đắk Nông

Công khai danh sách 23 doanh nghiệp tại Quảng Trị nợ thuế

Đồng Nai: Công ty Da thuộc Wei Tai bị phạt 480 triệu đồng

Cơ quan thuế sẽ áp dụng biện pháp mạnh với Hợp tác xã Sông Tiền

Vụ Vạn Thịnh Phát: Sau 2 bản án phúc thẩm, bà Trương Mỹ Lan vẫn lĩnh án tử hình

Cưỡng chế thuế Công ty xuất khẩu Bảo Duy tại Thanh Hóa

Cưỡng chế thuế Công ty Indochina Build Việt Nam

Nghệ An: Phát hiện 3.500 tấn giá đỗ nuôi 'siêu tốc' bằng 'hóa chất'

Hà Nội: Xã Thanh Liệt loạn biến đất nông nghiệp làm nhà xưởng, kinh doanh rồi 'xin sau'

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương điều tra vụ án Bùi Đình Khánh

Đối tượng Bùi Đình Khánh và hành trình 24 giờ trốn chạy

NÓNG: Bắt đối tượng truy nã Bùi Đình Khánh

Bắc Giang: Triệt phá đường dây sản xuất thuốc chuột quy mô 'khủng' làm từ gạo, vỏ trấu

Hiệp hội Sữa Việt Nam cảnh báo thông tin sai lệch về vụ án sữa giả 500 tỷ đồng